Đảm bảo an toàn cho tàu cá
Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trong mùa mưa bão luôn là nhiệm vụ cấp thiết, tuy nhiên hiện nay các điều kiện về cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế.
Mùa mưa bão đang đến gần nhưng ngư dân Võ Hồng Nhân (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu cá có công suất 720CV vẫn không biết chắc chắn sẽ neo trú tàu cá của mình ở đâu khi bão đến bởi trên địa bàn huyện Thăng Bình vẫn chưa có được khu neo đậu. Anh Nhân dự định đưa tàu cá vào neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) nhưng suy đi tính lại, anh cho rằng âu thuyền này chỉ đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu có công suất nhỏ nên thôi. “Cứ nương theo con nước lớn, tùy cơ ứng biến, tôi neo đậu tàu cá ở thôn 6 (xã Bình Dương, Thăng Bình) hoặc Phước Trạch (Cửa Đại, TP.Hội An) hay thôn Trà Đông (xã Duy Vinh, Duy Xuyên). Những nơi đó có luồng lạch ăn sâu vào bờ nên dễ neo trú. Thế nhưng neo đậu ở đâu cũng bất an vì những nơi đó chỉ là tạm bợ” - anh Nhân chia sẻ.
Cứ đến mùa mưa bão là nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh lại tất tả xoay xở tìm chỗ neo trú cho tàu thuyền. Đến thời điểm này, Quảng Nam mới chỉ xây dựng được 3 khu neo đậu cho tàu cá, một ở An Hòa (Tam Quang và Tam Giang, Núi Thành), một ở Hồng Triều, còn lại là ở xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An). Do các khu neo đậu tàu cá không đảm bảo an toàn và quá tải vào mùa mưa bão nên ngư dân thường tìm đến các luồng lạch ven sông để neo trú cho phương tiện. “Chúng tôi phải túc trực trên tàu trong lúc neo đậu. Nước lũ dâng lên chừng nào thì mình đưa tàu vào bờ gần hơn. Có nhiều khi nước lũ rút, không biết làm sao để đưa tàu xuống nước lại. Do neo đậu tạm bợ nên nhiều tàu cá chịu hư hỏng trong mỗi mùa mưa bão” - ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) nói.
Theo Đại tá Dương Hoài Nam, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam kiêm Phó Trưởng ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mùa mưa bão năm 2013, Quảng Nam có 8 phương tiện khai thác hải sản bị tai nạn trên biển. Trong đó, vụ nặng nhất là tàu cá QNa-94727 của ông Nguyễn Văn Cứ (thôn Tân An, xã Bình Minh) bị hỏng máy khi đang câu mực trên biển. Rất may là Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã kịp thời điều tàu HQ 628 đến ứng cứu kịp thời. Đại tá Dương Hoài Nam cho biết, tàu trên địa bàn tỉnh gặp nạn là nhiều nguyên nhân. Trước hết là công tác tuyên truyền, quản lý hoạt động tàu thuyền ở nhiều địa phương chưa được thông suốt, nhiều phương tiện không lắp đặt máy liên lạc hoặc không giữ liên lạc thường xuyên với đài thông tin tìm kiếm cứu nạn… “Các đơn vị, địa phương ven biển cần phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tạo sự gắn kết với các phương tiện hải sản. Nếu không may gặp nạn, các phương tiện có thể nương tựa vào nhau, xử lý kịp thời các tình huống xấu trước mắt. Tỉnh cũng nên trang bị cho Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn trên biển phương tiện cứu nạn có thể hoạt động trong điều kiện có gió cấp 6 trở lên” - Đại tá Dương Hoài Nam nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT