Chủ động ứng phó với lụt bão - Bài 4: Vùng cao đề phòng ách tắc

PHƯƠNG GIANG 25/09/2014 08:04

  • Chủ động ứng phó với lụt bão - Bài 3: Sống chung với lũ
  • Chủ động ứng phó với lụt bão - Bài 2: Sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm
  • Chủ động ứng phó với lụt bão - Bài 1: Khẩn cấp di dân

Sống chung với tình trạng cô lập gần như thường trực vào mỗi mùa mưa nên người dân ở vùng cao đã chủ động chuẩn bị các phương án để đối phó.

“Khô hóa” thực phẩm

Suốt mùa hè, già Zơrâm Cor đã kịp chuẩn bị rất nhiều măng rừng và cá khô để dự trữ khi mùa mưa đến. Những năm tháng dài sống ở làng Côn Zốt (xã Chơ Chun, Nam Giang), nơi được mệnh danh là “cánh cổng trời”, già Cor cũng như nhiều người trong làng đã học được cách sống chung với tình trạng cô lập và những khó khăn vào mỗi mùa mưa. Cách thích nghi hiệu quả để có thể sống qua những tháng dài mưa gió triền miên là phải dự trữ sẵn củi, gạo, măng rừng… Mưa núi như một ngọn thác khổng lồ ầm ào dội xuống, ngày này qua ngày khác, người Côn Zốt nhiều khi chỉ biết ngồi bó gối nhìn ra ngoài cánh cửa hẹp nhà sàn. Đó cũng là điều để lý giải cho kiến trúc nhà sàn đặc biệt của người vùng cao: nhà thấp, mái tranh rủ xuống chỉ chừa một khe hẹp đủ để lọt một người vào, giữ hơi ấm trong nhà suốt những tháng mùa mưa. Già làng Cor bảo: “Gì chứ măng rừng và cá suối là không thiếu, mùa nắng phụ nữ trong làng đã tranh thủ đi tìm về phơi khô, để trên giàn bếp cất giữ dùng dần. Nhiều nhà cẩn thận còn phơi cả thịt khô trên giàn bếp, đến mùa mưa không phải lo thức ăn”.

Măng khô là loại thực phẩm được người dân thôn Côn Zốt 1 (xã Chơ Chun, Nam Giang) dự trữ cho mùa mưa bão.  Ảnh: P.GIANG
Măng khô là loại thực phẩm được người dân thôn Côn Zốt 1 (xã Chơ Chun, Nam Giang) dự trữ cho mùa mưa bão. Ảnh: P.GIANG

Ở nhiều bản làng vùng cao Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, chuyện bị cô lập dài ngày do mưa lũ không còn là điều lạ. Cái khó ló cái khôn, người vùng cao tự tìm cách sống chung với cô lập, mà điều kiện tiên quyết là phải có cái ăn trong những ngày mưa. Trong điều kiện còn quá nhiều khó khăn, “khô hóa” thực phẩm là cách đơn giản và dân dã nhất. Măng rừng, thịt, cá, sắn, bất kỳ thứ gì có thể phơi khô đều được người vùng cao cần mẫn bảo quản, dành dụm phòng khi mùa mưa đến. Gạo được cất giữ kỹ trong kho, những năm gần đây, các huyện còn chủ động cấp phát gạo cho các vùng cô lập trước mùa mưa để sẵn sàng ứng phó với mưa lũ. Thế nên có năm đường sá sạt lở, không thể ra ngoài do mưa lũ, người dân ở các làng vẫn có thể chở che nhau. Ông Alăng Hưng - Chủ tịch UBND xã Ch’ơm (huyện Tây Giang) cho biết: “Bên cạnh phương án phòng chống bão lũ được triển khai theo kế hoạch và sự hỗ trợ của chính quyền, người dân các làng bản cũng chủ động tìm cách đảm bảo chuyện ăn, chuyện ở. Việc phơi khô, cất giữ thức ăn, dựng các kho thóc để dành cho mùa mưa phần nào làm giảm bớt những nỗi lo khi mùa mưa bão đang cận kề”.

Chở che trong bão lũ

Câu chuyện mà chúng tôi đã rất nhiều dịp được nghe, được thấy vào mùa mưa lũ ở vùng cao là cách họ chia sẻ từng miếng cơm, manh áo, cùng trú ngụ trong những lúc bị bão lũ hoành hành. Hầu như năm nào cũng có bão, nhiều nhà không đủ điều kiện dựng nhà kiên cố, người dân cùng tập trung về gươl, hoặc chia thành từng nhóm nhỏ ở trong những căn nhà kiên cố nhất. Sống chung, ăn chung, giúp nhau bảo vệ tính mạng và tài sản khi mùa mưa lũ đến là cách những người dân ở khu 7 (Tây Giang), Chơ Chun, La Êê (Nam Giang) hoặc Kà Dăng (Đông Giang) giúp đỡ, chở che cho nhau. Già làng Alăng Chớch (thôn Kà Đâu, xã Kà Dăng, Đông Giang) chia sẻ: “Nhà nào tốt, chắc thì cho những nhà khác ở nhờ, hoặc vào gươl ở khi có bão, có mưa lớn. Cơm ăn, thức uống thì góp lại, nhà có nhiều thì góp nhiều, nhà có ít thì góp ít, giúp nhau khi khó khăn. Đó là truyền thống từ xưa đến nay của dân làng rồi”.

Mua thóc dự trữ tại các kho thóc tình thương
Để chủ động ứng phó với mùa mưa bão, huyện Tây Giang đã chỉ đạo các xã chủ động tính toán, có phương án mua thóc để tăng cường dự trữ, đảm bảo không thiếu đói khi xảy ra bão lũ cô lập ở các địa bàn. Số thóc này sẽ được dự trữ cùng với các kho thóc tình thương, chủ động đảm bảo lương thực tại chỗ cho người dân, đặc biệt là ở 4 xã vùng cao: Tr’Hy, A xan, Ch’ơm và Ga ri.

Mưa lũ ở vùng cao, năm nào cũng thường trực một nỗi lo lặp đi lặp lại: sạt lở. Sạt lở là cô lập. Chưa kể, có năm sạt lở vùi lấp hàng chục nhà dân đã từng xảy ra ở xã Arooih, xã Sông Kôn, xã Kà Dăng (Đông Giang) và nhiều địa phương khác. Những ngôi làng vùng sạt lở trơ trọi, chơ vơ giữa rừng, không liên lạc, khó tiếp tế, cứu trợ. Hoặc nếu tiếp tế, cứu trợ thì cũng phải mất quá nhiều thời gian để cắt rừng, gùi hàng cứu trợ về. Những lúc đó, tình làng nghĩa xóm trở thành sức mạnh nội lực cố kết và cứu giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình nghèo qua cơn nguy khốn. Anh Hôih Mor, một nhân chứng trong vụ sạt lở vùi lấp và làm hư hỏng hoàn toàn 15 căn nhà ở thôn A Điêu (xã Arooih, Đông Giang) vào năm 2009, kể: “Lúc chạy thoát ra khỏi nhà, 60 người của 15 hộ chỉ còn giữ được bộ quần áo mặc trên người, không thể mang theo bất kỳ một nắm gạo nào. Cả thôn bị cô lập 10 ngày. Chính những người dân trong làng và người dân ở xung quanh đã gùi gạo, gùi thức ăn cắt rừng đi suốt hơn một đêm để đến nuôi những người sống sót. Suốt thời gian dài sau đó, dân làng góp gạo, góp áo quần, nuôi chung những người làng đến khi họ dựng được nhà mới”. Tình làng nghĩa xóm và truyền thống nuôi chung của những người vùng cao là nguồn sức mạnh giúp họ vững vàng trước mùa mưa bão. Đã có hàng trăm cơn bão quét qua những ngôi làng, đã có không ít lần trơ trọi, cô lập giữa rừng, nhưng những nóc nhà, những ngôi làng vẫn tồn tại bằng tình đoàn kết, bằng sức mạnh cộng đồng và tấm lòng của những người vùng cao.

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG