Thử thách giảm nghèo

DIỄM LỆ 24/09/2014 09:06

Kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra Trung ương về kết quả thực hiện đề án Giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ tại Quảng Nam, tỷ lệ giảm nghèo bình quân ở các huyện nghèo trong 5 năm qua đạt trên 4%/năm, nhưng hiện nay tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn quá cao.

Thúc đẩy giảm nghèo

Trong 5 năm qua (2008 - 2013) Quảng Nam được Trung ương đầu tư giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo là hơn 1.550 tỷ đồng, trong đó có 3 huyện 30a gồm Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang và huyện 30b Bắc Trà My được đầu tư nguồn vốn hơn 598,5 tỷ đồng. Công cuộc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung được đầu tư tổng lực từ nguồn vốn trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa, thực hiện nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo đặc thù và chính sách chung.

Cầu treo bắc qua sông Trạm ở xã Trà Đông (huyện Bắc Trà My) được đầu tư theo chương trình giảm nghèo chung của Trung ương phát huy hiệu quả trong thực tế. Ảnh: D.L
Cầu treo bắc qua sông Trạm ở xã Trà Đông (huyện Bắc Trà My) được đầu tư theo chương trình giảm nghèo chung của Trung ương phát huy hiệu quả trong thực tế. Ảnh: D.L

Đối với các huyện nghèo, người dân đã được hỗ trợ sản xuất theo phương pháp giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng hơn 37.000ha; phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp; khai hoang, phục hóa được 57ha, chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi; hỗ trợ 752 tấn lương thực trực tiếp; xuất khẩu 693 lao động sang làm việc ở Malaysia và Hàn Quốc; hỗ trợ về giáo dục đào tạo, dạy nghề, nâng cao trình độ dân trí; đầu tư cơ sở hạ tầng được 523 công trình. Ngoài ra, hộ nghèo ở huyện nghèo còn được hỗ trợ hơn 3.600 nhà ở theo Quyết định 167, và nhiều công trình đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, y tế, nâng cao đời sống, điện thắp sáng, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo cư trú vùng khó khăn… Ngoài chính sách giảm nghèo của Trung ương, Quảng Nam còn có nhiều chương trình khác đầu tư cho công cuộc giảm nghèo như chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hỗ trợ kinh phí học tập cho con em hộ nghèo, hỗ trợ lãi suất vay vốn, phụ cấp cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, bố trí mỗi năm 15 tỷ đồng giúp các huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% nhưng chưa được hưởng cơ chế 30a…

Theo đề án Giảm nghèo nhanh và bền vững, kết quả giảm nghèo giai đoạn 2009 - 2010 của các huyện nghèo bình quân là 4,45%/năm, còn 48,54% vào năm 2010, không đạt kết quả là giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 40% như Nghị quyết 30a đặt ra. Trong giai đoạn 2011 - 2013, tỷ lệ hộ nghèo của huyện nghèo giảm từ 70,90% xuống còn 57,53%, giảm bình quân 4,46%/năm. Ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH, đánh giá: “So với mục tiêu của Nghị quyết 30a, đến năm 2013 nhiều mục tiêu đã đạt được như giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo từ 4% trở lên, không còn hộ nghèo ở nhà tạm, đảm bảo đời sống cho người nghèo ở vùng biên giới, vùng khó khăn, tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển và bảo vệ rừng có chuyển biến tốt trong cộng đồng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đã có chuyển biến tích cực. Nhưng công cuộc giảm nghèo vẫn còn rất nhiều khó khăn đối với miền núi Quảng Nam, khi tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo đều còn trên 50%, cá biệt Nam Trà My đến 72,05%, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng cận nghèo lại tăng cao, đó là thách thức lớn trong giai đoạn tiếp theo”.

Quá nhiều thách thức

Ông Hoàng Văn Vịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương & lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trưởng đoàn kiểm tra Trung ương về kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a đã đánh giá kết quả giảm nghèo ở Quảng Nam có sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp từ tỉnh đến huyện, xã; là một trong những tỉnh đi tiên phong trong việc ban hành chính sách khuyến khích thoát nghèo đặc thù của tỉnh một cách toàn diện. Kết quả giảm nghèo tuy đạt tỷ lệ bình quân đề ra hằng năm trên 4%, nhưng tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn quá cao. Những kiến nghị của Quảng Nam sẽ được đoàn ghi nhận, tổng hợp báo cáo đến các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ. Những kết quả, kiến nghị Đoàn kiểm tra ghi nhận ở các địa phương sẽ là cơ sở quan trọng để Trung ương đánh giá kết quả giảm nghèo cả giai đoạn 5 năm 2008 - 2013, từ đó đề ra những mục tiêu, phương hướng, cách thực hiện công cuộc giảm nghèo phù hợp trong giai đoạn 5 năm sắp tới phù hợp hơn.

Theo Sở LĐ-TB&XH, cơ quan thường trực trong công tác giảm nghèo của tỉnh, công tác giảm nghèo ở Quảng Nam còn nhiều khó khăn, tồn tại như một số cơ chế của Nghị quyết 30a chậm điều chỉnh, không còn phù hợp; một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức công tác giảm nghèo; người dân còn tâm lý muốn nghèo để được hưởng chính sách; nguồn kinh phí trung ương phân bổ còn chậm và không đủ nhu cầu như đề án đã được phê duyệt; chưa hút được các doanh nghiệp đến đầu tư, phục vụ công tác giảm nghèo ở các huyện nghèo; xuất khẩu lao động ở huyện nghèo đang bị chững lại do người dân hết mặn mà khi thu nhập ở Malaysia quá thấp; doanh nghiệp được phân công trợ giúp Quảng Nam giảm nghèo không có tiềm lực và bỏ cuộc giữa chừng, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối nhằm tiêu thụ sản phẩm của huyện nghèo còn nhiều lúng túng, nếu sản xuất nhiều thì không có đầu tư lại phản tác dụng…

Ông Nguyễn Văn Gặp - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: “Qua 5 năm, đời sống người dân tăng lên rất đáng kể. Có nhiều hộ dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng được những mô hình chăn nuôi, trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao. Nguồn vốn phân bổ chủ yếu tập trung xây dựng cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư cho sản xuất còn hạn chế (chỉ 16 - 20% tổng nguồn). Vì thế sắp tới nên tăng tổng nguồn đầu tư, nếu không thì cần tính lại cơ chế hỗ trợ sản xuất tăng lên. Dĩ nhiên đầu tư hạ tầng là cần thiết, nhưng nếu có hạ tầng mà không có nền sản xuất phát triển thì hạ tầng cũng không phát huy hết tác dụng”. Ông Gặp cũng kiến nghị rằng, các chính sách nhỏ lẻ nên gộp lại, giảm dần hỗ trợ trực tiếp để giảm ỷ lại, chỉ hỗ trợ cho hộ nghèo sản xuất hiệu quả nhằm thoát nghèo.

Theo ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguồn lực đầu tư dành cho các huyện miền núi chiếm 50%, tạo ra cơ sở hạ tầng, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo ở miền núi. “Tuy nhiên, đề án đặt ra thì nguồn lực rất nhiều, nhưng khi phân bổ nguồn vốn mỗi chương trình mỗi ít nên nguồn vốn lồng ghép ở các địa phương chưa phát huy hết hiệu quả, mỗi năm chỉ phân bổ được khoảng trên 7% tổng nguồn lực so với đề án đã được phê duyệt là quá thấp. Tính phân cấp nguồn vốn tỉnh không quản lý hết được, ngoài trách nhiệm của các địa phương còn hạn chế, thì cơ chế triển khai thực hiện, công cụ quản lý nguồn lực 30a chưa rõ ràng nên khó quản lý, biểu mẫu quá nhiều, mỗi bộ mỗi kiểu nên ở địa phương không biết thế nào mà đánh giá, báo cáo. Khi phân bổ nguồn vốn, Trung ương cần phân bổ sớm, bởi Quảng Nam địa bàn miền núi hiểm trở, chỉ thực hiện các công trình vào mùa nắng ráo, tức vào ngay thời điểm đầu năm cần được phân bổ vốn, chứ phân bổ trễ quá thì không thực hiện được công trình ở miền núi vào mùa mưa bão”- ông Tri cho biết. Đối với nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng cần phải tính đến nguồn dành cho duy tu bảo dưỡng công trình, bởi điều này rất cần thiết, giúp công trình bền vững lâu dài, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ