Trồng cây và hái quả

AN NHI 20/09/2014 12:11

1. Một lần nữa, đội bóng đá U19 Việt Nam thất bại trong trận chung kết giải bóng đá U19 Đông Nam Á. Thế nhưng, người hâm mộ không thất vọng. Ngược lại, gần 5 vạn khán giả trên sân vận động Mỹ Đình cùng hàng triệu người xem truyền hình cảm thấy mãn nhãn và kỳ vọng về tương lai tươi sáng của bóng đá Việt Nam. Bởi, lâu lắm rồi người hâm mộ mới được chứng kiến bóng đá trẻ Việt Nam chơi ngang cơ với người Nhật, trên cơ người Úc và qua mặt những “người hàng xóm” là Thái Lan, Myanmar một cách thuyết phục. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên các cầu thủ trẻ của chúng ta thể hiện được điều này.

HLV Guillaume Graechen (bên phải) trong lần tuyển sinh cho Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG vào năm 2007 tại  Quảng Nam. Ảnh: AN NHI
HLV Guillaume Graechen (bên phải) trong lần tuyển sinh cho Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG vào năm 2007 tại Quảng Nam. Ảnh: AN NHI

Thành quả đó không phải từ “trên trời rơi xuống”, cũng không hẳn do tài nghệ xuất sắc của huấn luyện viên người Pháp Guillaume Graechen tạo nên. Để U19 Việt Nam có được màn trình diễn ấn tượng như ngày hôm nay, người góp công lớn là ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khi đứng ra thành lập Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Với quy trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp theo chuẩn châu Âu, học viện của bầu Đức là trung tâm số một của Việt Nam về đào tạo bóng đá trẻ. Dù đội U19 Việt Nam có bổ sung thêm một số vị trí từ các câu lạc bộ khác nhưng nòng cốt vẫn là Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Tất cả đã tạo nên một đội hình thi đấu thăng hoa, nhiều cảm xúc trong tất cả giải đấu mà họ tham gia. Vì vậy, có thể nói, cùng với những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, bầu Đức chính là “ngôi sao sáng nhất” dẫn dắt đội hình U19 Việt Nam hiện tại.

2. Năm nay, lần đầu tiên Quảng Nam đăng cai vòng bảng giải bóng đá trẻ quốc gia là U17 và U21. Đó là vinh dự cho địa phương và là dịp để các cầu thủ trẻ Quảng Nam thể hiện khả năng; đồng thời chứng tỏ quyết tâm của những nhà làm bóng đá đất Quảng muốn được góp mặt tại vòng chung kết ngày hội bóng đá trẻ quốc gia. Để thực hiện quyết tâm của mình, các đội đều tăng cường gần nửa đội hình từ lò đào tạo Hà  Nội T&T. Tuy nhiên, dù có lợi thế sân nhà nhưng cuối cùng thì “lực bất tòng tâm”. Cả 2 giải đấu, đội bóng trẻ Quảng Nam cho thấy sự nhợt nhạt trong lối chơi, yếu kém về mặt chuyên môn so với các đối thủ. Thế nên, việc đội chủ sân Tam Kỳ không thể có được những chiến thắng cần thiết để giành vé dự vòng chung kết là điều không  ngạc nhiên.

Rõ ràng, bóng đá hay bất cứ lĩnh vực nào của đời sống, không “trồng cây” thì đừng mơ có ngày “hái quả”. Đội U19 Việt Nam thành công như vừa qua là nhờ công lao của bầu Đức khi đầu tư cả “núi tiền” cho Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG và sau 7 năm khổ luyện để bây giờ có được những “quả ngọt” đầu tiên. Còn với bóng đá Quảng Nam, “bỏ rơi” công tác đào tạo bóng đá trẻ suốt cả chục năm qua thì con đường đến vinh quang rất hẹp, nếu không nói là viển vông. Mà bóng đá trẻ kém thì làm sao có được nền móng vững chắc cho câu lạc bộ, giúp đội lớn thi đấu tốt. Bài học này ai cũng hiểu nhưng rất ít người thực hiện, đơn giản vì cách làm bóng đá “ăn xổi” ở ta mà Câu lạc bộ QNK Quảng Nam là một minh chứng.

AN NHI

AN NHI