Còn nhiều khó khăn trong đào tạo nghề
Chiều qua 8.9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH cùng các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn về tình hình đào tạo nghề của tỉnh.
Hệ thống trường, trung tâm đào tạo nghề của tỉnh hiện có 45 cơ sở (trong đó 16 cơ sở thuộc loại hình tư thục), đào tạo trình độ nghề từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng nghề, với hơn 1.200 giáo viên dạy nghề. Năm 2013, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 33.115 người. Công tác đào tạo nghề vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như quy mô chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề, chưa đầu tư sâu cho đào tạo nghề có kỹ thuật công nghệ cao, hệ thống trang thiết bị phục vụ dạy nghề còn thiếu và yếu, chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn… Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH ban hành danh mục thiết bị dạy nghề cho các nghề trọng điểm, bổ sung chính sách trường dạy nghề chuyên biệt, điều chỉnh một số nghề ở các trường nghề, tăng cường nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề… Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo trong phân luồng đào tạo, tăng định mức ngân sách cho đào tạo nghề, đầu tư một số hạng mục cần thiết ở một số trường nghề, bố trí vốn trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản ở các trường nghề hơn 19 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Văn Thanh lưu ý các trường nghề phải nỗ lực trong công tác tuyển sinh, việc phân luồng đào tạo dù có chủ trương nhưng vẫn phải dựa trên nguyện vọng của phụ huynh, học sinh. Đối với những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, do nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn nên nhu cầu nào bức thiết UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở ngành phối hợp giải quyết.
D.LỆ