Những ngôi làng trong rừng già - Bài 3: Phía "cổng trời" Côn Zốt
Chúng tôi gọi Côn Zốt (xã Chơ Chun, huyện Nam Giang) là cánh “cổng trời” phía đại ngàn. Cánh cổng mở sang những ngôi làng Cơ Tu ở vùng cao khu 7 (Tây Giang) và cụm bản Tăng Ta Lăng (tỉnh Sê Kông, Lào). “Cổng trời” Côn Zốt, nơi của những tấm lòng Cơ Tu luôn mở rộng với tất cả ân tình…
|
Một góc làng Côn Zốt nơi “cổng trời”. Ảnh: T.N |
Cánh chim Tring của làng
Côn Zốt chào đón chúng tôi bằng một trận mưa rừng. Lạnh buốt xương. Con đường dẫn từ trung tâm xã xuyên qua những tán rừng, có đoạn chỉ vừa một người đi. Hai bên đường, lau lách cao quá đầu, dưới chân là đất bùn trơn như mỡ. Làng mang tên ngọn núi Côn Zốt cao hơn một nghìn mét so với mực nước biển, cách trung tâm xã chừng 3 tiếng đồng hồ đi bộ. Từ Côn Zốt, có thể đến được làng Da Ding, làng Ating của xã Ga Ry (Tây Giang) hoặc sang cụm bản Tăng Ta Lăng của huyện Đắc Chưng (Lào), nên Côn Zốt được xem như một “cổng trời” giữa vùng biên. Làng có chừng 70 nóc nhà chung sống trên sườn đồi, quây quần với nhau như chia từng hơi ấm giữa tiết trời lạnh buốt của miền biên viễn. Giữa nhà nào cũng có một bếp lửa, chỉ cần cời chút tro, gác vài cây củi là có thể bùng lên, bất kể giữa khuya hay lúc ban ngày. Chúng tôi vào nhà Pơloong Ađốc, người dẫn chúng tôi vào làng, cũng là Chủ tịch UBND xã Chơ Chun. Nhà Ađốc nằm cuối làng. Chúng tôi là khách chung, làng đãi khách bằng tất cả những gì mình có. Tất nhiên, không thiếu “rượu trời” tà vạt rất sẵn ở vùng biên mùa này. Nhưng người đầu tiên bắt đầu câu chuyện không phải là chủ nhà, mà là vị già làng của Côn Zốt - già Coor Nghêu.
Già Coor Nghêu đã ngoài 60 tuổi, nhiều năm là người đầu tiên đâm trâu trong mọi lễ hội của làng. Ông là người huy động cả dân làng mở con đường từ thôn ra trung tâm xã vào cuối năm ngoái. Cũng chính ông thuyết phục người Côn Zốt đồng ý cho bà con Cơ Tu ở thôn G’lao, thôn Da Ding (xã Ga Ry) canh tác trên đất làng mình từ hàng chục năm nay. Người Cơ Tu xem già làng như những cánh chim Tring, loại chim tượng trưng cho quyền lực. Chính vì thế, trong mọi cuộc biểu quyết, tiếng nói của già Nghêu được xem như quyết định cuối cùng. Già kể: “Trước đây, người Cơ Tu ở Côn Zốt có xảy ra mâu thuẫn với người Ve, người Tà Riềng hoặc các làng người Cơ Tu trong vùng. Để dân làng yên ổn trồng lúa, làm ăn, không sát hại lẫn nhau, già phải họp dân thuyết phục mọi người, rồi sang làng khác nói chuyện đúng sai, làm công tác hòa giải”.
Bên bếp lửa, già làng Coor Nghêu rầm rì kể những câu chuyện về làng, về người Cơ Tu. Trong vô vàn những mảnh ghép từ câu chuyện không đầu không cuối ấy, là tấm lòng của những người Cơ Tu hồn hậu, chân tình. Già kể chuyện có lần cả làng dựng nhà cho bà Riah Vé, một góa phụ trong làng vì già yếu và nghèo khó không đủ sức tự làm nhà cho mình. Lần đó, người Côn Zốt chung tay vác từng cột gỗ, xẻ từng mảnh ván. Người khỏe thì xẻ gỗ, dựng nhà; người yếu thì lấy măng, làm cơm cho thợ. Mà không chỉ nhà bà Riah Vé, bất kỳ ngôi nhà nào ở Côn Zốt cũng in dấu những bàn tay của cả làng, từ già đến trẻ, nhờ tiếng nói của già làng. Tiếng nói đó không chỉ là mệnh lệnh, mà còn tạo thành động lực để cả làng giúp nhau vượt qua gian khó, sống những ngày tháng yên bình. Ông Pơloong Ađốc chia sẻ, nếu không có già làng, chính quyền cũng khó lòng huy động được toàn bộ sức dân, cũng như triển khai những chủ trương, chính sách đến với bà con dân bản. “Nếu không có già làng, có khi mất hàng tháng trời cũng không thuyết phục nổi bà con” - ông Pơloong Ađốc nói.
Khoảng lặng ở “cổng trời”
Đêm Côn Zốt chìm trong sương lạnh. Rả rích những thanh âm buồn của côn trùng bên hiên nhà Ađốc. Dân làng đã chìm say vào giấc ngủ, chỉ vài nhà sáng điện từ những chiếc tua-bin đặt ngoài suối. Ađốc bảo, dân làng Côn Zốt chủ yếu sống nhờ nương rẫy, từ sáng sớm đã dậy cơm đùm cơm nắm lên rừng. Thi thoảng vẫn thiếu đói. Có năm giáp hạt, cách trở đường sá, dân Côn Zốt phải trông chờ vào nguồn gạo hỗ trợ cấp phát về chống đói. Mùa mưa, đường sá bị chia cắt, Côn Zốt gần như sống biệt lập, mà có ra khỏi rừng cũng chẳng biết lấy gì để đổi muối, đổi hàng hóa mang về. “Mùa mưa buồn lắm! Nhà nào khá thì ăn măng khô để dành. Hồi trước, còn phải độn thêm sắn” - già Nghêu kể. Bây giờ đã có điện, có ti vi, mùa nắng còn đi được xe máy vào tận làng, nhưng Côn Zốt vẫn nghèo. Nghèo thông tin, nghèo giải trí, nghèo cái ăn cái mặc. Lũ trẻ con quanh năm đánh trần lấm lem, chỉ có chỗ chơi đùa duy nhất là khoảng sân trước điểm trường tiểu học. Trò chơi cũng chẳng có gì, chỉ nghịch đất cát hoặc chơi “đẩy xe” - gắn một miếng gỗ tròn vào thanh tre chạy đẩy khắp mặt sân đầy bụi. Thôn chỉ có 1 lớp mẫu giáo và 2 lớp ghép tiểu học, phòng ốc xập xệ. Cô giáo Zơrâm Dong, lấy chồng ở Côn Zốt rồi ở lại dạy học cho lũ trẻ. Cô Dong dạy mẫu giáo, nhà của cô cũng là tiệm tạp hóa duy nhất trong làng. Hàng hóa là dăm bộ quần áo, bánh kẹo, mắm muối được gùi về từ xã Ga Ry. Đường từ Côn Zốt sang Ga Ry gần hơn nhiều so với Chà Vàl, giá cả hàng hóa vì thế cũng rẻ hơn. Chừng nửa tháng chồng cô Dong lại sang Ga Ry lấy hàng, người làng cũng có thể nhân đó gửi tiền nhờ mua ít cá từ dưới xuôi lên. Thực phẩm phổ biến nhất ở làng là rau rừng, cá suối và măng rừng phơi khô. Gà, heo cũng có nuôi nhưng chỉ dành bán đổi thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Nhưng có khách là dân làng sẵn sàng giết gà, giết heo thết đãi. Hầu như làng người Cơ Tu nào cũng thế. Họ nhịn ăn, nhịn mặc để dành, nhưng khi có khách, sẵn sàng làm heo…
Trẻ con làng Côn Zốt chơi trước khoảnh sân điểm trường tiểu học. |
Giữa cuộc chuyện trò, một phụ nữ trong làng đến nói với già làng điều gì đó bằng tiếng bản địa. Khuôn mặt già Nghêu chợt chùng xuống, trầm ngâm. Theo lời già Nghêu, hai người thanh niên trong làng chạy đi. Ađốc ghé tai chúng tôi nói nhỏ: “Làng vừa có người mất!” rồi cũng chạy đi. Trong làng có một thai phụ trở dạ, nhưng đứa bé bị chết ngạt khi chưa kịp chào đời. Đến tận lúc đó, chúng tôi vẫn không thể ngờ rằng, những người phụ nữ ở Côn Zốt chưa từng đến nhà hộ sinh…
Thai phụ bị mất con chỉ mới hai mươi mốt tuổi. Đứa bé đầu lòng đã không thể sống sót khi sự trợ giúp duy nhất chỉ là món lá thuốc truyền thống của bà mụ trong làng. Già Nghêu cũng không nhớ nổi đây là đứa bé thứ bao nhiêu bỏ làng về với Giàng. Những người đàn ông trong làng bỏ đứa bé trong một chiếc thùng, định mang đi chôn. Già Nghêu ngăn lại. Phải chờ khách ra khỏi làng.
Chợt lạnh người khi nghĩ về những đứa trẻ đánh trần chơi ở khoảng sân trước trường học. Chúng như những đứa con của trời, sống sót và lớn lên từ những may mắn diệu kỳ của số phận.
Chúng tôi quyết định thức dậy sớm, rời làng để người làng tiễn sinh linh bé bỏng về với Giàng. Đường về bỗng chông chênh hơn lúc vào. Trời nắng đẹp, như gột sạch u ám của những trận mưa rừng hôm trước. Từ trung tâm xã, xe ủi, xe xúc đang ầm ào tiến về phía cửa rừng, mở những mét đường đầu tiên vào Côn Zốt. Những đứa trẻ rồi sẽ bước ra khỏi rừng, sẽ không còn “cánh cổng trời” Côn Zốt đơn độc giữa trập trùng rừng núi. Cầu mong…
__________
Bài cuối: Nơi ấy Măng Lùng
Từ cánh tây bắc, chúng tôi vòng qua vùng núi rừng phía tây nam đất Quảng, đến với ngôi làng bám chênh vênh trên dãy Ngọc Linh: Măng Lùng. Nắng đến với Măng Lùng từ phía tây, theo quan niệm dân gian, thường là không tốt. Vậy mà họ đã chọn sống ở đó, dựng những ngôi nhà bám lấy sườn núi, chông chênh...
THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC