Tuyên thệ trung thành

KIẾN TÂN (Tổng hợp) 27/08/2014 09:05

Hiến pháp 2013 bổ sung quy định Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội (QH), Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp (điểm 7 Ðiều 70). Ðây là quy định mới trong Hiến pháp lần này.

Hiến pháp 2013 hiến định, sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội là một trong những chức danh phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Ảnh internet
Hiến pháp 2013 hiến định, sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội là một trong những chức danh phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Ảnh internet

Thực tiễn cho thấy, bản Hiến pháp 2013 thật sự chứa đựng những mạch nguồn tư tưởng, là sự kết tinh ý chí, khát vọng của tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, là sự thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Ðảng ta.

Ngày 15.8, thảo luận về quy định trưng cầu ý dân trong dự thảo Luật Tổ chức QH sửa đổi, Ủy ban Thường vụ QH khẳng định trưng cầu ý dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận, do vậy phải được Luật Tổ chức QH quy định. Dự thảo luật đã thể chế hóa khoản 15 Điều 70 của Hiến pháp 2013 về các trường hợp QH quyết định việc trưng cầu ý dân. Theo đó, các chủ thể có quyền đề nghị QH trưng cầu ý dân là Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số đại biểu QH; đồng thời khẳng định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân. Riêng về cách thức, trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân sẽ do Luật Trưng cầu ý dân quy định (dự án luật này đang được xây dựng).

Do đó có thể nói, với vị trí, vai trò, trách nhiệm là những chức danh, nhân sự cấp cao trong bộ máy Nhà nước, khi được QH - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất bầu ra, việc người giữ các chức danh này phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp vừa thể hiện trách nhiệm chính trị sâu sắc, vừa có ý nghĩa khắc sâu trong tâm khảm người cán bộ lãnh đạo như là phương châm hành động về sự trung thành với những giá trị mà cả dân tộc đang hướng theo. Ðồng thời có thể quan niệm đây cũng là lời cam kết mạnh mẽ của các chức danh lãnh đạo quan trọng đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong bộ máy nhà nước trước nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước, QH, nhân dân giao cho.

Thẩm quyền của QH trong các vấn đề liên quan đến đối ngoại, chủ quyền quốc gia cũng đã được Hiến pháp 2013 điều chỉnh lại theo hướng rõ, chặt chẽ hơn. Tại điểm 14, Ðiều 70, bên cạnh việc tiếp tục quy định thẩm quyền của QH trong việc quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại, đã có sự điều chỉnh cụ thể, hợp lý hơn thông qua việc quy định thẩm quyền của QH trong phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của QH. Sự minh định này là cần thiết, là nền tảng hiến định cho việc tạo lập hành lang pháp lý theo hướng chuẩn mực, hoàn thiện hơn cho việc bảo đảm, thực thi chủ quyền quốc gia, thực thi chính sách đối ngoại...

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn gì?

- Trả lời: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây (Tiếp theo):

7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.

Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

8. Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

9. Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật.

10. Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

11. Quyết định đại xá.

12. Quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước.

13. Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia.

14. Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội.

15. Quyết định trưng cầu ý dân.  (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)