Năm học mới 2014 - 2015: An tâm chuyện trường, lớp
Năm học mới 2014 - 2015 đã bắt đầu. Với sự đầu tư khá lớn trong thời gian qua, năm học này có thể nói toàn tỉnh đã an tâm chuyện trường, lớp.
Không thiếu chỗ học
Kể từ ngày được “ra riêng” cách đây gần 10 năm, huyện Phú Ninh đã có sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp GD-ĐT. Dù là huyện nghèo nhưng mỗi năm, địa phương cũng ưu ái dành hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường học. Nhờ đó, đến nay mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện được tầng hóa khang trang theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu dạy và học ngày càng cao. Riêng chuẩn bị cho năm học mới 2014 - 2015, huyện đã chỉ đạo cho ngành GD-ĐT triển khai quyết liệt công tác xây dựng, tu sửa phòng ốc, tường rào, cổng ngõ, mua sắm bàn ghế, trang thiết bị. Tất cả công trình xây dựng phải được sớm giải ngân để tạo điều kiện cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trước khi năm học mới bắt đầu. Ông Hồ Đắc Thiện, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Ninh cho biết, đến nay mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn tất, sẵn sàng cho buổi học đầu tiên của học sinh (HS) trên địa bàn toàn huyện. Ngoài tu sửa trường lớp, huyện đã dành hơn 10 tỷ đồng đầu tư xây dựng tầng hóa 3 trường mầm non và 1 trường tiểu học. Riêng trường THCS chất lượng cao, hiện nay huyện đang tích cực thực hiện công tác đền bù, sớm khởi công xây dựng trong năm 2014 để đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2015 - 2016.
Cơ ngơi khang trang của Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc).Ảnh: A.SẮC |
Các địa phương khác như Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, TP.Tam Kỳ, TP.Hội An… cũng đã có sự chuẩn bị năm học mới khá chu đáo. Nhờ có điều kiện cơ sở vật chất khang trang nên dù không đầu tư nhiều cho công tác xây dựng mới như các năm trước đây nhưng theo lãnh đạo ngành GD-ĐT các địa phương, chuyện trường, chuyện lớp năm học này khá an tâm. Dịp hè vừa qua, TP.Tam Kỳ tiếp tục hoàn chỉnh một số công trình trường học đã đưa vào sử dụng trong năm học trước và khởi công xây dựng một vài công trình phụ khác như nhà đa năng. Theo ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, tất cả trường học trên địa bàn thành phố đã được tu sửa khang trang, sẵn sàng cho năm học mới. Còn Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên Lê Trung Cường cho biết với sự chuẩn bị tích cực trong thời gian qua, toàn ngành đã sẵn sàng cho năm học mới với các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học, không nơi nào bị khó khăn về chỗ học.
Trong khi đó, nhờ nhiều chương trình, dự án đầu tư trường lớp trong các năm qua nên các địa phương miền núi cũng đã giải tỏa nỗi lo thiếu phòng học. Thuộc loại khó khăn nhất tỉnh như huyện Nam Trà My nhưng năm học này, theo lời ông Nguyễn Đình An, Trưởng phòng GD-ĐT huyện là địa phương vẫn an tâm có đủ phòng ốc để cho các em HS học tập. Chia sẻ về con số 179 phòng học tạm của địa phương, ông An cho rằng “gọi là tạm nhưng tất cả đều là phòng học vách ván, mái tôn, nền xi măng, đáp ứng yêu cầu dạy học. Vả lại, hầu hết là phòng học này tại các thôn nóc xa xôi rất khó khăn cho việc xây dựng bán kiên cố”. Huyện Nam Trà My cũng vừa có quyết định thành lập 2 trường THCS trên cơ sở tách riêng từ trường cấp 1 - 2. HS bậc THCS huyện Nam Trà My bắt đầu học từ ngày 18.8 còn tiểu học và mầm non sẽ học từ 25.8.
Hướng đến chuẩn hóa
Không còn lo chuyện thiếu chỗ học, năm học mới này các địa phương chuyển sự quan tâm sang công tác xây dựng chuẩn hóa, hiện đại hóa trường, lớp để nâng cao chất lượng giáo dục. Chẳng hạn, huyện Phú Ninh vừa qua đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng 4 trường tiểu học và mầm non với mục tiêu đưa các trường này đạt chuẩn trong năm học 2014 - 2015. Trưởng phòng GD-ĐT Hồ Đắc Thiện cho biết, hiện Phú Ninh có 9 trường THCS, 12 trường tiểu học, 8 trường mầm non đạt chuẩn và chỉ còn 4 trường chưa hoàn thành. Mục tiêu đặt ra của huyện là phấn đấu đến cuối năm 2014, 100% trường học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia và đây là điều hoàn toàn có thể thực hiện được sau khi các trường hoàn thành việc đầu tư xây dựng. Tương tự là huyện Đại Lộc, theo lãnh đạo phòng GD-ĐT, sau khi 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, ngành đang tích cực chỉ đạo các trường mầm non còn lại hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn cũng như xây dựng chuẩn mức 2 (Đại Lộc hiện nay cũng là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về trường chuẩn mức 2 với 11 trường).
Không riêng gì huyện Phú Ninh, Đại Lộc, các địa phương cũng tích cực đầu tư bằng nhiều nguồn với quyết tâm có thêm nhiều trường đạt chuẩn, góp phần cho mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng. Huyện Núi Thành có mạng lưới trường học thuộc loại rộng lớn nhất tỉnh nhưng do chưa nhận được sự quan tâm đúng mức nên nhiều trường học vẫn chưa thật sự khang trang và tương xứng với tiềm năng của một địa phương năng động. Đến nay, huyện mới chỉ có 24 trường đạt chuẩn, trong đó 4 mầm non, 13 tiểu học, 7 THCS. Tuy nhiên, chuẩn bị cho năm học mới 2014 - 2015, huyện đã có một sự đầu tư mạnh mẽ để tầng hóa, kiên cố hóa nhiều ngôi trường. Năm học qua, cả tỉnh đã có 66 trường học được kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia, đưa số trường đạt chuẩn bậc tiểu học lên 169 (tỷ lệ 63%), 100 trường THCS (tỷ lệ gần 47%), 94 trường mầm non (tỷ lệ gần 40%). Những địa phương đạt kết quả khá tốt trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia với tỷ lệ trường đạt chuẩn khá cao như Đại Lộc (58 trường), Điện Bàn (63 trường), Duy Xuyên (38 trường).
dù còn nhiều khó khăn nhưng các huyện miền núi cao cũng đã có nhiều cố gắng xây dựng trường chuẩn và bước đầu đã có những kết quả lạc quan. Đang sở hữu nhiều trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhất đến thời điểm này là huyện Nam Giang với 7 trường (5 tiểu học, 2 THCS), tiếp theo là Phước Sơn với 6 trường, Đông Giang 3 trường, Tây Giang cũng đã có trường đầu tiên đạt chuẩn. Một trong những cản ngại lớn nhất đến quá trình phát triển giáo dục miền núi là cơ sở vật chất do địa hình cách trở, có quá nhiều điểm trường lẻ. Chẳng hạn như Trường Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My) dù nằm gần trung tâm huyện nhưng ngoài điểm trường chính còn có 12 điểm trường lẻ nằm ở các thôn, nóc thì khó có thể đầu tư cho tất cả đều khang trang chứ chưa nói đến trường chuẩn. Vì thế có thể coi những kết quả đạt được vừa qua là sự nỗ lực rất lớn của địa phương, trường học.
ANH SẮC