Khu tái định cư Tĩnh Yên: Khi nào giao đất ở cho dân?
Khu tái định cư Tĩnh Yên (xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên) được đầu tư xây dựng hoàn thành cách đây 8 tháng. thế nhưng, việc bố trí đất ở cho dân vùng sạt lở vẫn chưa được thực hiện, trong khi mùa mưa lũ đang đến gần.
Sống trong lo sợ
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường đất đỏ nhỏ hẹp, nhiều dốc, lởm chởm đá cục để tìm đến nhà vợ chồng ông Nguyễn Sự và bà Nguyễn Thị Phượng (tổ 11, thôn Tĩnh Yên). Đây là một trong nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp. Ngôi nhà tềnh toàng của ông Sự có diện tích sử dụng chưa đầy 30m2, cạnh núi Lô Dán đang sạt lở nặng và chỉ cách bờ sông Thu Bồn hơn một sải tay. Ông Sự chia sẻ: “Hồi trước, gia đình tôi sống trên ghe thuyền, đánh bắt cá ở sông Thu Bồn để kiếm sống qua ngày. Nhưng từ năm 2003 đến nay, để con cái học hành thuận lợi, tôi quyết định lên bờ, xây dựng ngôi nhà nhỏ này và vẫn mưu sinh bằng nghề cũ. Tuy nhiên, do hàng năm bờ sông Thu Bồn bị xói lở nghiêm trọng nên mỗi khi bão lũ xuất hiện là tôi phải dẫn vợ và 3 đứa con nhỏ chạy đi lánh nạn”.
Năm 2009 trở về trước, bờ sông Thu Bồn cách nhà ông Sự khoảng 9m nhưng hiện nay chỉ còn cách bờ sông chưa đầy 2m do bị xâm thực. Gần đây tình trạng lở núi cũng uy hiếp sinh mạng của 5 con người trong ngôi nhà nhỏ này. Bà Phượng (vợ ông Sự) kể: “Cách đây mấy hôm, khi cả nhà đang ngồi ăn cơm trưa thì trời thình lình trút mưa xối xả, đất đá trên khu đồi ở phía sau hè bất ngờ đổ xuống lăn ầm ầm trên mái tôn. Thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần lui tới ủy ban xã xin chính quyền địa phương xem xét cấp đất tại khu tái định cư mới Tĩnh Yên để xây dựng nhà ở nhưng họ cứ hẹn hoài. Nếu được bố trí đất, gia đình tôi sẽ dọn đi ngay, về đó làm nhà tạm sống để mấy đứa con không còn lo sợ nữa, yên tâm mà học hành”.
Gia đình ông Nguyễn Sự mong sớm được di dời đến nơi ở mới an toàn.Ảnh: N.SỰ |
Không riêng gì gia đình ông Nguyễn Sự, hàng chục hộ dân khác đang sống dọc sông Thu Bồn bị sạt lở và lênh đênh trên sông nước (chủ yếu ở đội 11, thôn Tĩnh Yên) cũng rất mong muốn được làm nhà sinh sống tại khu tái định cư mới. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đình Sơn - Chủ tịch UBND xã Duy Thu cho biết, do nằm gần đầu nguồn sông Thu Bồn nên hàng năm, tình trạng sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất và đời sống của người dân; đặc biệt ở thôn Tĩnh Yên, vấn đề này đã trở nên bức bách. Ông Sơn nói: “Thời gian qua, xã Duy Thu đã tiếp nhận 91 lá đơn của những hộ dân có nguyện vọng xin di dời đến nơi ở mới. Để đảm bảo tính công bằng, địa phương tiến hành họp dân, khảo sát, thống kê, lập danh sách 56 hộ nằm trong diện ưu tiên bố trí đất, trong đó có 5 hộ thuộc diện nhà ở tạm, nguy cơ sạt lở cao; 15 hộ không có nhà ở, hiện sinh sống trên ghe thuyền; còn lại là những hộ đang chung sống nhiều thế hệ trong một nhà, không có đất ở”.
Chậm bố trí đất cho dân
Thực hiện Quyết định số 3706/QĐ-UBND (ngày 15.11.2012) của UBND tỉnh về việc phê duyệt lại báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình khu tái định cư của xã Duy Thu, tháng 7.2013, các đơn vị liên quan ở tỉnh và huyện Duy Xuyên triển khai san ủi mặt bằng, thi công hệ thống đường giao thông, cấp nước sinh hoạt trên diện tích 2,4ha tại khu vực Gò Nhì - Thổ Ngọt thuộc thôn Tĩnh Yên với tổng kinh phí hơn 7,8 tỷ đồng. Sau 5 tháng khẩn trương thi công, ngày 23.12.2013, công trình này đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng bố trí 66 lô đất cho dân. Tuy nhiên, tới thời điểm này, tại khu tái định cư của xã Duy Thu vẫn chưa có một hộ dân nào được cấp đất để làm nhà. Theo quan sát của phóng viên, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở đây như điện, đường, nước sinh hoạt… đã được xây dựng hoàn thiện. Theo UBND xã Duy Thu, để xác định đúng đối tượng vào khu tái định cư mới, địa phương đã tổ chức 19 cuộc họp nhằm rà soát, đánh giá, đảm bảo tính khách quan, tránh xảy ra tình trạng khiếu kiện về sau. Ông Phan Đình Sơn nói: “Mặc dù chính quyền địa phương đã tiến hành họp dân, lập danh sách cụ thể nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc bình xét. Vì vậy, thời gian tới, lãnh đạo xã phải tiếp tục họp và khảo sát lại một lần nữa để tạo sự thống nhất cao trong nhân dân”.
Trong khi đó, ngày 12.3.2014, tại cuộc làm việc về bổ sung kế hoạch di dời dân năm 2014, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, UBND xã Duy Thu đã thống nhất giao khu tái định cư được xây dựng hoàn thành cho chính quyền xã quản lý và bổ sung chỉ tiêu di dời dân năm 2014 cho địa phương là 20 hộ, các hộ còn lại sẽ di dời vào những năm tiếp theo. Ông Trần Đình Vịnh - cán bộ địa chính & xây dựng xã Duy Thu, nói: “Tháng 4.2014, địa phương lập danh sách 20 hộ dân cần di dời gửi đến Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam đề nghị giải quyết chế độ hỗ trợ theo quy định nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nếu cấp trên chấp thuận và yêu cầu bố trí đất cho các hộ dân vào ở trong khu tái định cư mới, chúng tôi sẽ thực hiện ngay để đảm bảo đời sống cho người dân trước khi mùa mưa bão ập đến”.
Việc di dời người dân Tĩnh Yên sống trong vùng có nguy cơ mất an toàn là rất bức bách bởi mùa bão lũ cận kề. Người dân cho rằng nếu bây giờ nhận được đất thì không còn nhiều thời gian để xây dựng lại nhà tại nơi ở mới. Lẽ ra, khi khu tái định cư vừa thi công hoàn thành (tháng 12.2013) thì địa phương phải nhanh chóng xem xét ưu tiên bố trí đất cho những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao và đang sinh sống lênh đênh trên ghe thuyền làm nhà ở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản, còn đối với những hộ di dời theo diện giãn dân thì có thể giải quyết sau. Tại sao cứ phải họp xét mãi rồi đến nay đã 8 tháng trôi qua mà vẫn chưa bố trí đất ở cho dân?
VĂN SỰ - PHI THÀNH