Về với "Người tình"

XUÂN HIỀN 17/08/2014 07:54

Sa Đéc - có những ngày chỉ kịp ghé qua, đảo vài vòng ở những con phố cạnh sông, chỉ vậy thôi mà thao thức…

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - ngôi nhà được mệnh danh “Người tình” ở Sa Đéc. Ảnh: S.ANH
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - ngôi nhà được mệnh danh “Người tình” ở Sa Đéc. Ảnh: S.ANH

Bạn bè miền Nam hay gọi Sa Đéc bằng cái tên “Thành phố người tình”. Mối tình của người đàn ông Việt rặt Tây Nam Bộ Huỳnh Thủy Lê với cô gái Pháp Marguerite Duras làm rung động biết bao trái tim người yêu văn chương thế giới, bằng tác phẩm Người tình. Sau này, khi đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựng lại bộ phim cùng tên, đa số bối cảnh trong phim đều đóng ở Sa Đéc. Nên chỉ riêng cái tên địa danh thôi, đã đủ xao xuyến, nhớ - quên trong lòng người đi. Nhiều khi những bước chân mới mẻ đặt lên vùng đất, không hẳn vì nó nên thơ, lộng lẫy hay hoang sơ chưa ai khám phá, đôi lúc chỉ đơn giản, nơi đó có những con người, những câu chuyện gây ám ảnh với mình.

Tôi đến Sa Đéc với tâm trạng như vậy. Chỉ vì muốn gặp lại cảm giác chạy xe máy một mình ở đất trời miền Tây, nơi con người được trời đất mặc định là phóng khoáng và hào sảng. Hay có lẽ cũng chỉ vì cái cuốn sách rất cũ thuở nào bạn tặng, với những câu thoại, những bối cảnh đã từng khiến mình phải mường tượng rất nhiều? Sa Đéc - thành phố nho nhỏ, với vài con phố bên sông, với những vườn hoa cây cảnh mà khi nhướn mắt vào xem, bạn sẽ gặp ngay cái cười thiệt tươi của mấy cô gái trẻ với chất giọng ngọt lừ nhưng thiệt thà: “Đầu tháng 11 cưng tới, hoa đầy bờ sông, nay hoa chưa bung”. Sa Đéc, còn có rất nhiều ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc Pháp hòa lẫn vài ba nét văn hóa người Hoa. Ngay ở nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, bên ngoài là lối kiến trúc Pháp, lát gạch Pháp, bên trong vẫn còn bàn thờ ông Quan Thánh - là một bức vẽ hàng trăm năm trước được chính chủ nhân thuê họa sĩ từ Trung Quốc về vẽ. Gia đình ông Huỳnh Thủy Lê cũng chính là những người xây lên những ngôi chùa cổ - nay vẫn còn nguyên vẹn và ấm áp khói hương trong lòng thành phố nhỏ. Bên trong ngôi nhà “Người tình” - tên người dân bản địa đặt cho nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, treo rất nhiều tranh ảnh về mối tình của ông cùng nữ văn sĩ Pháp, cả với người vợ đẹp nhất xứ Tiền Giang của ông.

Ở khúc giữa của sông nước miền Tây này, không dưng lại gặp cảm giác khi thả bộ trên những con đường của phố cổ Hội An chừng mấy năm về trước. Những ngôi nhà kiểu Đông Dương xưa, với những tấm biển hiệu kẻ chữ cũ, những món hàng nhỏ bé như đèn dầu hao… vẫn còn được bày bán. Đắm trong những câu chuyện cũ kỹ của thành phố, bạn sẽ hiểu vì sao nơi này, dù rất gần với Sài Gòn, vẫn chỉ luôn là một địa danh nho nhỏ, được gắn với câu chuyện “Người tình”…

XUÂN HIỀN

XUÂN HIỀN