Nâng cao chất lượng tộc họ văn hóa ở Núi Thành
Vừa qua, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Núi Thành đã tổ chức hội thảo bàn phương cách nâng cao chất lượng tộc họ văn hóa trên địa bàn huyện.
Cách làm hay
Ngày 15.1.2004 đã trở thành cột mốc quan trọng đối với các thành viên gia tộc Trần Văn ở Tam Mỹ. Bởi, đó là ngày chính thức bầu ra hội đồng gia tộc và đăng ký xây dựng tộc họ văn hóa, xây dựng tộc ước hoàn chỉnh. Tròn 10 năm, tộc Trần Văn đã có những thành công nhất định khi xây dựng tộc văn hóa. “Đầu tiên, chúng tôi xây dựng tộc ước lấy giá trị văn hóa tốt đẹp làm căn bản với 4 chương, 27 điều. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến tình thương giữa người với người; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, tang lễ nhưng giữ nguyên lòng thành với ông bà; khuyến học khuyến tài và xây dựng gia đình văn hóa theo bốn tiêu chuẩn của cuộc sống hiện đại...” - ông Trần Hồng Vũ, đại diện tộc Trần Văn chia sẻ. Chính nhờ sự kết nối chặt chẽ giữa các thành viên trong hội đồng gia tộc và thực hiện tộc ước, các phong trào vận động luôn được mọi người trong tộc thực hiện sớm, xuất sắc và đầy đủ. Tộc đã không còn hộ đói, chỉ còn một hộ nghèo do tuổi già sức yếu; xây dựng được quỹ tình thương với số vốn 16 triệu đồng, giúp 8 hộ khó khăn phát triển chăn nuôi, mua sắm. Phải nói thêm rằng, thành tích học tập của con cháu ở tộc Trần Văn cũng ngày nâng lên rõ ràng. Đến nay đã có 4 cháu tốt nghiệp đại học (ĐH) loại giỏi, 2 cháu được cấp học bổng du học nước ngoài toàn phần, 8 cháu có học vị thạc sĩ, 1 cháu học vị tiến sĩ. “Điều đặc biệt, tộc Trần Văn đã thực hiện rất tốt và là điển hình trong cuộc vận động không rải vàng mã đưa tiễn người chết - vốn là tập tục, thói quen đã ăn sâu vào nếp sống, luật tục của người dân sinh sống ở vùng biển từ bao đời nay. Tộc Trần Văn cũng là một trong 8 tộc xây dựng tộc họ văn hóa thành công ở xã Tam Giang” - bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Phó ban Chỉ đạo cuộc vận động xây dựng tộc họ văn hóa của xã Tam Giang, nói.
Chú trọng văn hóa truyền thống thờ cúng tổ tiên nhưng không mê tín dị đoan. Ảnh: C.T.A |
Tại hội thảo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng tộc họ văn hóa được tổ chức vào cuối tuần qua, những người có mặt đã rất chú ý đến tham luận của tộc Dương ở thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa. Khác với những tộc họ khác, tộc Dương cho rằng sức mạnh và động lực để xây dựng tộc văn hóa chính là ở “hội nàng dâu và con gái”. “Các nàng dâu đặc biệt được coi trọng khi về làm dâu dòng họ Dương. họ phải thực sự hòa nhập cuộc sống, làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ, sản sinh ra những thế hệ mai sau ưu tú và khỏe mạnh. Thế nên chúng tôi đề cao công lao của con gái và con dâu họ Dương”- ông Dương Thanh Trúc, đại diện tộc Dương ở Tam Nghĩa, nói. Tính đến nay, họ Dương ở Long Bình đã có hơn 100 người tốt nghiệp ĐH. “Chúng tôi có chính sách rất rõ ràng, nếu đậu Á khoa ĐH được thưởng 15 triệu đồng, đậu ĐH thưởng 2 triệu đồng kèm theo tài khoản 5 triệu đồng cho chi phí khám chữa mắt trong suốt thời gian học”- ông Dương Thanh Trúc, nói thêm.
Nâng chất tộc họ
Hơn 15 năm triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện, phong trào đã được triển khai rộng khắp, toàn diện, được cả hệ thống chính trị quan tâm. từ phong trào và thông qua phong trào rất nhiều cá nhân, tập thể đã góp phần quan trọng, có tính bền vững cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của huyện. Nhưng làm thế nào để tiếp tục nhân rộng và phát huy sức mạnh tập thể, sức mạnh “diên hồng” là điều mà chúng tôi rất băn khoăn”- ông Nguyễn Văn Xứng, Trưởng phòng văn hóa – thông tin huyện Núi Thành nói. Theo khảo sát của Ủy ban MTTQ và Phòng VH-TT, đến cuối năm 2013, tất cả các xã đã triển khai chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng tộc văn hóa, có 59 tộc đã thành lập hội đồng gia tộc, vận động các gia đình hưởng ứng việc xây dựng tộc văn hóa, tổ chức biên soạn quy ước xây dựng tộc văn hóa, hoàn chỉnh báo cáo UBND xã xem xét công nhận. Hầu hết quy ước tộc văn hóa thể hiện được các nội dung như tuyên truyền, giáo dục mọi thành viên trong gia tộc về truyền thống gia tộc, về phẩm chất đạo đức, đạo làm người và nếp sống văn hóa ở khu dân cư... Có những quy ước đã đưa vào những cam kết như: cam kết không sinh con thứ 3; xây dựng gia đình văn hóa có ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; xây dựng gia đình hiếu học; các thành viên trong gia tộc không để xảy ra mâu thuẫn, mất đoàn kết; nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương…
“Làm thế nào gìn giữ mối dây ràng buộc gia tộc để giữ vững văn hóa truyền thống dòng tộc là câu hỏi cần có câu trả lời sớm. Để qua đó có tư duy đúng, duy trì và phát triển văn hóa gia tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và trong cộng đồng khu dân cư nói riêng” - ông Phạm Văn Quyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, phát biểu.
CHIÊU THỤC ANH