Phát triển toàn diện nền kinh tế

KIẾN TÂN (Tổng hợp) 11/08/2014 08:29

Hoạt động kinh tế là đối tượng cơ bản, chủ yếu của quản lý nhà nước. Để điều chỉnh hoạt động kinh tế, quản lý nhà nước, Nhà nước không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp hành chính như trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung mà phải dựa vào các công cụ pháp lý và công cụ kinh tế. Trong kinh tế thị trường, pháp luật là công cụ chủ yếu để quản lý nhà nước. Có thể thấy, chế định về chế độ kinh tế trong Hiến pháp 2013 đã phản ánh tính tất yếu phù hợp với sự phát triển của toàn bộ sự nghiệp cách mạng cũng như quá trình kinh tế nói riêng.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững. TRONG ẢNH: Xưởng sản xuất Công ty CP ô tô Chu Lai - Trường Hải (Núi Thành). Ảnh: L.VŨ
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững. TRONG ẢNH: Xưởng sản xuất Công ty CP ô tô Chu Lai - Trường Hải (Núi Thành). Ảnh: L.VŨ

Hiến pháp 2013 khẳng định: nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu... Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Ðặc biệt là so với Ðiều 19 Hiến pháp năm 1992, những đổi mới căn bản của Hiến pháp 2013 đã được khẳng định minh bạch, nhất quán lâu dài, đó là: các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế hoàn toàn bình đẳng, dù là quốc doanh hay dân doanh, không đồng nhất kinh tế nhà nước với quốc doanh hay doanh nghiệp nhà nước.

Hội nhập và hợp tác quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế và trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới đã tạo áp lực buộc nước ta phải điều chỉnh hệ thống pháp luật để các cơ chế kinh tế và các quy định pháp luật vận hành trong môi trường cạnh tranh rộng lớn hơn, ngày càng mang tính toàn cầu hơn. Để phát triển kinh tế - xã hội, Điều 50, Hiến pháp 2013 khẳng định: xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập và hợp tác quốc tế. Hiến pháp 2013 cũng thể hiện cam kết của Nhà nước ta: chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; là bạn đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới (Điều 12).

Cần có sự nhận thức thống nhất về nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường được xây dựng và bảo đảm phát triển bởi Nhà nước xã hội chủ nghĩa, có đầy đủ những quy luật đặc trưng của nền kinh tế thị trường, có sự quản lý, tác động, điều chỉnh của Nhà nước để bảo đảm công bằng xã hội, vì lợi ích của nhân dân lao động. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước là người định hướng trên cơ sở tôn trọng các quy luật vận động tự thân của nền kinh tế thị trường, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động kinh tế và bảo đảm cho pháp luật được thực hiện. Nhà nước không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào các quan hệ kinh tế mà là người lãnh đạo, chỉ huy các hoạt động kinh tế và tham gia làm kinh tế. Cạnh tranh là nguyên tắc chủ đạo của cơ chế thị trường, của nền kinh tế thị trường. Các chủ thể kinh tế có quyền cạnh tranh bình đẳng với nhau trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững trong các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Hiến pháp 2013 cũng quy định: tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất - kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa (Điều 50). Nhà nước chỉ trưng mua, trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng khẩn cấp và việc trưng mua, trưng dụng tài sản có bồi thường theo giá thị trường (Điều 32 và Điều 35).

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

Hỏi: Công dân Việt Nam có nghĩa vụ gì?

Trả lời: Công dân Việt Nam có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.

Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.

Công dân có nghĩa vụ học tập.

Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định.

Mọi người có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Hỏi: Chế độ về kinh tế Việt Nam được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)