Xin một điều tha thứ !

Phóng sự của HƯNG QUỐC 09/08/2014 08:52

Chỉ cần nhắc địa danh khe Vinh (trước đây thuộc huyện Giằng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, nay là huyện Nam Giang) là nhiều người trong giới tìm vàng rợn tóc gáy. Vì ân oán mà máu 18 phu vàng đã đổ trên đất này. Những người gây ra vụ án thảm khốc ngày ấy đều trả giá bằng lao lý. Tôi trở lại khe Vinh, thật bất ngờ gặp những người từng phạm tội nay là cán bộ gương mẫu, hết lòng với địa phương. Hận thù tưởng chất cao như núi bây giờ bỗng nhẹ không…

Khe Vinh, nơi đẫm máu phu vàng sẽ chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện như chôn vùi quá khứ đau thương. Ảnh: HƯNG QUỐC
Khe Vinh, nơi đẫm máu phu vàng sẽ chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện như chôn vùi quá khứ đau thương. Ảnh: HƯNG QUỐC

Vụ án thảm khốc giữa rừng sâu

Tuyến đường nối từ Bến Giằng lên cửa khẩu Đắc Tà Oóc (huyện Nam Giang) dài gần 60km xuyên giữa lau lách đại ngàn. Hai bên sườn núi là những căn nhà sàn lưa thưa của người Cơ Tu bản địa. Đám trẻ con da đen nhẻm, tóc cháy nắng vàng hoe, để lộ đôi mắt tròn xoe nhìn những chiếc xe to kéo gỗ về xuôi. Già Tơlong Chát cùng vợ lui cui dưới bếp kho mẻ cá vừa bắt ngoài suối cho bữa trưa. Ông già có mái tóc bạc phơ ở cái tuổi 84, trông vẫn cường tráng. Nghỉ hưu từ hơn 20 năm trước, ông lui về dựng căn nhà bên suối, chuẩn bị sẵn 2 chiếc quan tài bằng gỗ cho 2 vợ chồng già và một thửa đất ngay trên sườn đồi thoai thoải dành cho ngày khuất núi.

Rót chén nước lá rừng mời khách lạ, già Chát thì thào: “Đánh Pháp, Mỹ xong rồi. Đất nước thống nhất, thanh bình rồi, sắn khoai cũng êm ấm”. Từng là cán bộ tuyên huấn của huyện Nam Giang nhiều năm, lặn lội đi giải quyết những mâu thuẫn trong các bản làng xa xôi, già Chát nhớ như in câu chuyện buồn ám ảnh đến tận hôm nay. “Năm đó vàng dưới khe Vinh còn nhiều lắm. Nhiều đến độ cứ mang bồn ra suối chiều về ai cũng được vài chỉ. Người dân bản địa, dân dưới xuôi kéo lên cũng nhiều, thế là tranh giành xảy ra bi kịch” – già Chát nói.

Già Tơlong Chát nhớ như in câu chuyện buồn ở khe Vinh.
Già Tơlong Chát nhớ như in câu chuyện buồn ở khe Vinh.

Nhấp chén nước, ông già kể tiếp: “Một buổi chiều thầy giáo của làng là Alăng Nơ cũng mang bồn ra suối. Tranh giành bãi bờ và thầy Nơ bị nhóm vàng tặc đánh chết. Vài người thoát về báo với làng, thế là cuộc trả thù bắt đầu…”. Theo già Chát, vì quá đau đớn trước cái chết tức tưởi của con trai, cha ruột của Alăng Nơ là Alăng Tría đã kêu gọi các thanh niên trong làng, họ hàng với hơn 10 khẩu súng, giáo mác đi tìm các phu vàng gây cái chết cho con trai mình. Họ đi ngược khe Vinh, gặp một nhóm phu vàng 19 người từ các huyện Đại Lộc, Tam Kỳ, Tiên Phước và bắt giữ. Ông Griêng Bin (66 tuổi, trú thôn Vinh, xã Tà Pơơ, Nam Giang), người từng tham gia vụ việc, kể lại: “Thanh niên trong làng đi tôi cũng mang súng đi. Sau khi dẫn đoàn người đi ngược khe Vinh suốt đêm, đi cả một buổi sáng của ngày hôm sau thì đến rừng A Oai. Già Tría ra lệnh bắn. Tôi ngăn lại, bảo không được, đi tù đấy. Nhưng rồi súng vẫn nổ và 18 người nằm xuống. Nhưng hôm đó có một người thoát chết chạy về báo công an huyện và mọi việc được phanh phui”. Già Griêng Bin kể rằng sau khi vụ việc xảy ra, sợ người miền xuôi lên báo thù, người dân làng Ta Bhing kéo nhau vào rừng trú ẩn. Những thanh niên khỏe mạnh gùi muối, lương thực, những bà mẹ điệu con sau lưng cứ ngược sông về phía núi, họ đi nhiều ngày đêm. Cũng theo già Bin thì sau vụ việc có 9 người bị bắt đi tù, người ở lâu nhất 8 năm, bây giờ đều già yếu và qua đời, còn 5 người sống. “Thật ra khi đó mình còn trẻ. Không phải không sợ nhưng giữa đám đông buôn làng mình lựa chọn gì được. Khi đó đâu có biết luật pháp như bây chừ. Chỉ biết nợ máu trả bằng máu như luật của cánh rừng muôn thuở này thôi” – già Griêng Bin tâm tư.

Quá khứ nhạt nhòa

Trong vụ thảm sát 19 phu vàng năm 1986 ấy, duy nhất một người may mắn trở về là ông Nguyễn Văn Hòa (còn gọi là Sơn) hiện sống ở Tiên Phước. Khuôn mặt hiền lành ẩn chút đăm chiêu, ông Hòa bảo rằng đã gần 30 năm trôi qua, những tưởng mọi thứ đã chôn chặt vào dĩ vãng nhưng thi thoảng, trong giấc mơ ông vẫn còn ám ảnh vụ án kinh hoàng năm xưa. Ngồi trong căn nhà cấp 4 tềnh toàng, ông Hòa nheo nheo mắt nhìn ra cánh đồng trước mặt, câu chuyện quá khứ dần dần hé mở. Nhà đông con nên năm 1985, lúc đó mới 20 tuổi, Hòa cùng 4 người ở Tiên Phước và 1 người ở Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) lên rừng rú ở huyện Giằng tìm giấc mơ vàng. Vụ án thảm khốc đổ xuống vào ngày giữa tháng 10.1986. Giọng ông Hòa lạc hẳn khi nhắc đến sự kiện này. Đó là ngày 12.10.1986, một nhóm hơn 20 người mang theo súng, mã tấu, giáo mác bất ngờ vây bãi vàng của Hòa cùng 18 người khác. Họ bắt 19 người trói tay ngược lại phía sau và đi về phía rừng già. Đoàn người bị áp giải cứ đi ngược lên đồi này qua đồi khác, băng qua những cánh rừng chưa có một dấu chân người. Đêm đến, đoàn người ngủ lại giữa rừng và sáng sớm ngày 13.10 lại tiếp tục đi, cho đến khi mặt trời giấu mình sau đỉnh núi, tiếng thú hoang dại kêu lạnh sống lưng cũng là lúc cuộc thảm sát bắt đầu. “Trước khi bị bắt, tôi đã nghe tin có người bản địa bị phu vàng giết, vì thế trong suốt cuộc đày ải tôi đã đề phòng và tìm cách thoát thân. Tiếng súng vừa vang lên, tôi lập tức lao người vào bụi mây rừng để trốn” – ông Hòa nhớ lại. Từ bụi cây mây, Hòa chứng kiến cảnh những người bị giết, 1 rồi 2, 3… bất giác, Hòa vùng dậy và chạy ngược về xuôi. Hòa cứ chạy, chân tóe máu, hai tay vẫn bị trói ở phía sau. Ban ngày Hòa chạy trên sườn đồi để tránh bị bắt, đêm đến thì đi giữa dòng suối để tránh thú hoang. Suốt 5 ngày trốn chạy trong rừng, mệt, đói và sợ hãi, Hòa may mắn gặp được nhóm phu vàng khác. Họ nghe Hòa kể lại câu chuyện vừa trải qua thì lập tức chở Hòa xuống Công an huyện Giằng để trình báo vụ việc. Đến nơi, Hòa kiệt sức và xỉu ngay tại chỗ. “Lúc này tôi bị sốt rét hành hạ tưởng chừng chết rồi. Cũng may có các anh công an đưa đi cấp cứu kịp thời” – Hòa nhớ lại.

Năm 1987, phiên tòa lưu động xét xử vụ sát hại các phu vàng được tổ chức ở huyện Giằng. Từ sau phiên tòa ấy, ông Hòa bảo rằng “tôi đoạn tuyệt hẳn với đời phu vàng”. Rồi ông vào TP.Hồ Chí Minh và kiếm sống bằng nghề sửa ống nước. Ông lập gia đình với cô gái cùng quê và sinh được 3 đứa con. “Hậu quả của những ngày tháng lam lũ khiến tôi bị thoát vị đĩa đệm, giờ chỉ quanh quẩn ở nhà với 3 sào ruộng” – ông Hòa chia sẻ. Khi hỏi ông có còn thù hận không, ông cười hiền lành rồi nói: “Mọi chuyện qua lâu rồi, hãy để tất cả ở lại với quá khứ đi”.

Già Griêng Bin, 66 tuổi, thôn Vinh (xã Tà Pơơ, Nam Giang) chứng nhân vụ thảm sát phu vàng năm xưa, bây giờ là cán bộ thôn.
Già Griêng Bin, 66 tuổi, thôn Vinh (xã Tà Pơơ, Nam Giang) chứng nhân vụ thảm sát phu vàng năm xưa, bây giờ là cán bộ thôn.

Tiếp chúng tôi giữa gươl của làng, già Griêng Bin không giấu những gì ông từng làm trong quá khứ. Nhẩm tính trên đầu ngón tay, già Bin cho biết bây giờ ngoài ông ra thì có 4 người còn sống sau khi mãn hạn tù là Alăng Baih, Bliêng Ơ, Grây Hiêng, Alăng Tría và họ đều là cán bộ ở các hội đoàn thể của xã. Già Tría tham gia trong Ban dân chính thôn Vinh, Grây Hiêng là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tà Pơơ… “Mình không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ Đảng, nhưng những gì mình biết và trải qua nói con cháu nó đều nghe. Ở đây mấy đứa choai choai hư lắm, tóc nhuộm xanh đỏ, xe máy rú ga chạy ngút trời, uống rượu đánh nhau… Đứa nào hư hỏng nhất chúng tôi tìm đến nói chuyện xưa, kể những ngày tháng đi tù cho hắn nghe là nó biết sợ” – già Bin kể trong tự hào.

Những ngày rảnh rỗi, người trong làng thấy 4 ông già thường đi từ bản làng này qua làng nọ trong thôn để nói chuyện về cách sống ngăn nắp. Cách chăm lo con cái và tuyên truyền cho những đứa trẻ đừng phạm pháp. Dẫn chúng tôi ngược về khe Vinh trong chiều nhạt nắng, nơi có một cây cầu cao hơn 50m bắc ngang khe Vinh. Già Bin nói: “Vài tháng nữa thôi, dòng sông cũ, con khe Vinh sẽ chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện Sông Bung 4. Chúng tôi cũng sẽ già và chết đi, dĩ vãng sẽ chôn vùi như dòng nước nhấn chìm con khe Vinh và quá khứ một thời đau thương, ai oán. Chúng tôi cầu xin một điều tha thứ gửi về người miền xuôi…”.

 Phóng sự của HƯNG QUỐC

Phóng sự của HƯNG QUỐC