Bộ Y tế tăng cường hoạt động phòng chống dịch tiêu chảy cấp

ĐAN THANH 07/08/2014 10:20

(QNO) - Ngày 6.8, tại hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch do Bộ Y tế tổ chức tại 4 điểm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang và Đăk Lăk, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong điều kiện vệ sinh môi trường ở các địa phương còn nhiều yếu kém thì hiện nay đáng lo ngại nhất là bệnh tiêu chảy cấp có nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, sau khi thực hiện giám sát và lấy mẫu xét nghiệm nước máy phát hiện hệ thống cung cấp nước ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều đang gặp vấn đề như hàng lượng sắt, mangan vượt quá quy định cho phép, một số mẫu nước nhiễm khuẩn có thể gây dịch tả, tiêu chảy cấp. Trong khi đó, cái gốc của bệnh đường ruột vẫn là ở nguồn cung cấp nước. Trước mắt, chính quyền địa phương và ngành y tế phải đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người dân sinh hoạt, nấu nướng đảm bảo hợp vệ sinh.

Sắp tới, Cục Quản lý môi trường y tế sẽ làm công văn gửi UBND các tỉnh yêu cầu chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, thực hiện giám sát định kỳ nguồn nước mà người dân đang sử dụng trong sinh hoạt. Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý vào mùa mưa bão sắp tới, các địa phương cần tăng cường phối hợp liên ngành đảm bảo cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, đặc biệt trong và sau bão, lụt nhằm ngăn chặn dịch bệnh tiêu chảy cấp và tả có nguy cơ bùng phát và lan rộng.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, tiêu chảy là một trong những bệnh có số mắc cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Bệnh thường tăng cao vào những tháng mùa hè, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều nơi còn hạn chế, việc vệ sinh cá nhân, thói quen phòng bệnh của người dân còn chưa cao cũng làm tăng số trường hợp mắc bệnh. Đáng chú ý, bệnh thường có số mắc tăng cao ở những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Bênh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và cộng đồng dân cư tại những nơi có dịch, đặc biệt với trẻ em và người già.

Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 301.570 trường hợp mắc tiêu chảy, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại tỉnh Thanh Hoá (1 trường hợp) và Thành phố Hồ Chí minh (2 trường hợp), so với cùng kỳ năm 2013 giảm 14,9%, tử vong giảm 2 trường hợp. Cả 2 trường hợp tử vong do tiêu chảy cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua chủ yếu xảy ra ở khu vực có điều kiện vệ sinh thấp kém, nước ao hồ tù đọng, rác thải không được thu gom xử lý, thiếu nước sạch hoặc sử dụng nước giếng tự khoan tại nhà trong khu vực có hố ứ đọng và có nhiều rác thải. Quảng Nam là một trong những địa phương có số ca mắc bệnh tiêu chảy cao của cả nước với 8.273 trường hợp.

ĐAN THANH

ĐAN THANH