Nhận diện những đột phá - Bài cuối: Ủng hộ xét tuyển, phân vân chuyển đổi trường
Nhiều ý kiến của một số lãnh đạo địa phương, ngành chức năng và đơn vị liên quan chung quanh vấn đề tuyển sinh lớp 10, chuyển trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) huyện thành trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3, chính sách cử tuyển, quy hoạch mạng lưới trường đại học (ĐH)… mà phóng viên Báo Quảng Nam ghi lại cho thấy hầu hết đều ủng hộ phương án xét tuyển trong khi tỏ ra phân vân với việc chuyển đổi trường.
|
Xét tuyển theo tuyến giúp cho nhiều trường THPT tránh tình trạng đầu vào gồm phần lớn là học sinh trung bình yếu như trước đây. Ảnh: X.PHÚ |
BÍ THƯ HUYỆN ỦY TÂY GIANG BRIU LIẾC: Việc chuyển đổi chưa hợp lý, tạo ra sự mất công bằng
Theo tôi, khi chuyển trường phổ thông DTNT huyện thành trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3 sẽ tạo ra mâu thuẫn trong thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh (HS). Cụ thể, cùng là HS miền núi nhưng một bên trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3 các em được Nhà nước đầu tư toàn bộ còn một bên trường THPT lại bỏ lửng. Đây rõ ràng là bất cập, không thể như thế được! Với huyện Tây Giang, cần đầu tư xây dựng thêm 1 ngôi trường THPT và có khu nội trú đàng hoàng cho HS. Tôi cho rằng, nếu các trường THPT có khu nội trú tốt, đảm bảo cho các em ăn ở, sinh hoạt thì không có gì đáng lo về việc học tập. Việc chuyển đổi vừa qua với mục tiêu giúp cho các em có điều kiện để học tập là tốt nhưng chưa hợp lý, tạo ra sự không công bằng trong chính con em đồng bào. Trong khi đó, với điều kiện tình hình hiện nay thì không cần đầu tư cho trường phổ thông DTNT huyện nữa vì ở các xã đều đã có trường lớp khá tốt, đáp ứng nhu cầu học tập của HS và để dành đầu tư cho trường THPT tốt hơn.
“Nhiều người bảo bỏ thi lớp 10 giúp HS học khỏe lắm và ngăn chặn tình trạng học thêm tràn lan thì đó là sai lầm. Thi đại học quy định có điểm sàn còn xét tuyển lớp 10 không bị hạn chế về điểm nên không có “rào chắn”, học yếu cỡ nào cũng được tuyển vào dẫn đến chất lượng thấp”. (Ông Nguyễn Đình Tâm - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh) |
Đối với vấn đề việc làm cho người học diện cử tuyển tốt nghiệp ra trường, một thực tế là hiện nay quỹ biên chế hạn chế nên rất khó cho địa phương tuyển dụng thêm người. Tuy nhiên, đây là việc mà tỉnh, cụ thể là Sở Nội vụ và các ngành chức năng của tỉnh phải lo chứ huyện không thể giải quyết. Cạnh đó, cần phải quy hoạch lại đội ngũ cán bộ xã, xây dựng kế hoạch cử tuyển theo nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương.
CHỦ TỊCH UBND HUYỆN NAM GIANG ALĂNG MAI: Khó bố trí việc làm cho học sinh cử tuyển
Sở dĩ Nam Giang có nhiều em học xong cử tuyển nhưng không bố trí việc làm được là do trước đây quá nhiều em cử tuyển ngành trung cấp y tế (Trường CĐ Y tế Quảng Nam) hay cao đẳng giáo dục thể chất (Trường ĐH Quảng Nam) trong khi nhu cầu của địa phương khá ít. Thời gian qua, huyện cũng đã cố gắng giải quyết nhưng chỉ được một phần. Với thực tế hiện nay, tiếp nhận bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển ĐH ra trường còn khó huống gì cao đẳng (CĐ), trung cấp mà lại những ngành không có nhu cầu. Có một mâu thuẫn nữa là Nhà nước quy định địa phương phải tiếp nhận người học cử tuyển nhưng không giao thêm chỉ tiêu biên chế, kinh phí thì rất khó cho địa phương. Ngoài ra, có thực tế là nhiều khi không có nhu cầu nhưng cho các em đi học cử tuyển là cơ hội, hướng mở để sau này tìm kiếm việc làm ở nơi khác nên các địa phương vẫn cử đi học. Về chủ trương chuyển trường phổ thông DTNT huyện thành trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3, đến nay Sở GD-ĐT vẫn chưa làm việc với huyện nên chưa thể nói là nên hay không nên, lợi hay không lợi.
TRƯỞNG BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI (HĐND TỈNH) NGUYỄN DƯƠNG TRIỀU: Chưa vội nâng cấp 2 trường cao đẳng lên đại học
Theo tôi, phương án xét tuyển lớp 10 như hiện nay có cái lợi là ít tốn kém kinh phí Nhà nước và nhân dân, giảm áp lực thi cử, nhân dân ủng hộ vì con em được vào học lớp 10… Tuy nhiên, bất cập lại nổi lên cũng khá nhiều. HS có tư tưởng không muốn học; các trường THPT tuyển sinh theo phương thức thi tuyển trước đây không quen giảng dạy đối tượng HS yếu dẫn đến chất lượng thấp khiến HS bỏ học nhiều. Trong khi đó, các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên thì gặp rất nhiều khó khăn, không tuyển được HS do tỷ lệ tuyển sinh của các trường công lập cao (trong khi các thành phố trên cả nước tuyển 75% vào lớp 10 công lập thì Quảng Nam tuyển hơn 90%). Sắp tới, Ban Văn hóa - xã hội sẽ tổ chức đoàn đi giám sát việc thực hiện phương án xét tuyển này sau 3 năm triển khai để từ đó có những đề xuất, kiến nghị cho HĐND tỉnh.
Về quy hoạch mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp, quan điểm cá nhân tôi không đồng ý với chủ trương nâng cấp 2 trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam và CĐ Y tế Quảng Nam lên thành trường ĐH trong giai đoạn đến năm 2020. Bởi, hiện nay các trường này chưa đủ các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để phát triển lên trường ĐH. Ngoài ra, nhu cầu của người học trên địa bàn tỉnh cũng không lớn, nhất là trên địa bàn tỉnh đã có 2 trường ĐH Quảng Nam và Phan Châu Trinh.
TRƯỞNG PHÒNG GD-ĐT HUYỆN DUY XUYÊN LÊ TRUNG CƯỜNG: Dễ xảy ra tình trạng “chạy” điểm và hộ khẩu
Tôi ủng hộ chủ trương xét tuyển kết hợp phân tuyến tuyển sinh lớp 10 như những năm qua vì ngoài những ưu điểm như đã nêu còn gắn trách nhiệm của huyện, thành phố đối với công tác tuyển sinh ở địa phương mình. Tuy nhiên, cũng có băn khoăn là sẽ có tình trạng “chạy” điểm từ lớp 6 đến lớp 9 và “chạy” hộ khẩu để được vào học các trường theo ý muốn. Vì vậy, để phương án tuyển sinh này công bằng, chất lượng, cần tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò trách nhiệm của địa phương, ngành GD-ĐT và các ngành chức năng trong việc giám sát.
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT PHAN BỘI CHÂU (TAM KỲ) CHÂU ANH KHIÊM: Phương thức xét tuyển đem lại nhiều cái lợi
Đây là năm thứ 3 tuyển sinh vào lớp 10 theo phương thức xét tuyển kết hợp phân tuyến theo địa bàn. Về quan điểm cá nhân, tôi thống nhất rất cao với phương thức tuyển sinh này vì đem lại nhiều cái lợi hơn so với trước đây. Bỏ thi tuyển sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí của tỉnh, phụ huynh; giảm áp lực thi cử không đáng có trong học trò. Xét tuyển phân tuyến cũng giúp các nhà trường có HS giỏi, và quan trọng hơn là tạo động lực thi đua cho các trường, đội ngũ giáo viên. Trước đây, thi tuyển nên có những trường chỉ tuyển gồm phần lớn là HS trung bình nên giáo viên không có động lực thi đua dạy tốt. Còn hiện nay, trường nào, giáo viên nào cũng phải quyết tâm vì đầu vào như nhau.
XUÂN PHÚ (thực hiện)