Họ đã sống như thế - Bài 2: Đất lại xanh nơi "vành đai trắng"
“Vừa làm công việc của trưởng thôn vừa làm kinh tế, việc gì ông cũng giỏi, cũng làm tốt”. Đó là những chia sẻ đầy tự hào của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tiên Thọ (Tiên Phước) - Huỳnh Long Nhân khi nhắc đến thương binh Lê Văn Hương (SN 1947, thôn 3, Tiên Thọ).
|
Chúng tôi gặp thương binh Lê Văn Hương nơi vườn cây trĩu quả, xanh mướt trên khu đồi thuộc thôn 11, xã Tiên Thọ. Ông vui vẻ nói về thành quả kinh tế của gia đình: “Giờ thì ngọn đồi khô cằn này đã được phủ xanh bởi 2ha cây ăn quả và cây keo nguyên liệu. Nhờ nó mà kinh tế gia đình tôi dần được cải thiện, cuộc sống đầy đủ hơn, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn”. Trong hồi ức của ông Hương, sau ngày đất nước thống nhất, khu vực này chỉ là vùng đất hoang, vốn thuộc vành đai trắng thời chống Mỹ với đầy rẫy bom mìn, cây cối không mọc nổi, hoang hóa, bạc màu. Nếu không có một ý chí quật cường, chẳng ai có thể đổi thay được mảnh đất này. “Đất cằn cỗi lắm, cuốc hoài cũng chỉ toàn đá lửa. Nhưng cuộc sống khó khăn quá buộc mình phải quyết tâm khai hoang kiếm kế sinh nhai. Chiến tranh ác liệt mình còn tồn tại được thì chẳng lẽ bó gối nhìn cả nhà nhịn đói trong thời bình” - ông Hương nói bằng khí chất kiên cường của người lính Cụ Hồ.
Thương binh Lê Văn Hương là tấm gương làm kinh tế giỏi, luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Ảnh: L.HOÀNG |
Mười lăm tuổi, ông Hương gia nhập du kích xã Phước Tiên cũ (nay là xã Tiên Thọ). Cuộc chiến cam go với những trận chống càn, đánh ấp chiến lược, ghi dấu trên thân thể ông bằng những vết thương, những mảnh đạn pháo găm vào da thịt. “Lần thứ ba tôi bị thương là trận đánh ấp chiến lược Hữu Lâm. Lúc đó tôi bị thương khắp cơ thể, phải trở về căn cứ từ tháng 2.1968. Từ đó, tôi cũng chẳng còn đủ sức để cùng đồng đội cầm súng” - ông Hương nhớ lại. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông về quê với con mắt trái bị hỏng, tỷ lệ thương tật 84%, mất hoàn toàn sức lao động. Tuổi trai tráng mà sức không còn, có lúc ông Hương rơi vào tuyệt vọng. Nhưng ý chí người chiến sĩ, tình yêu của vợ và trách nhiệm với con thơ chính là động lực để ông vượt qua số phận. Và khi nghĩ về việc mình còn may mắn hơn các đồng đội đã hy sinh hoặc tàn phế phải nằm một chỗ, ông Hương không cho mình “có quyền chán đời”. Thế là ông lao vào lao động khi nhận được mẫu đất ruộng. Làm lụng cật lực cũng không đủ ăn, nhất là khi các con đang sức lớn, ông Hương nhận thêm đất đồi, cố gắng cải tạo, trồng cây trái để cải thiện kinh tế. “Đầu tiên, tôi phát dọn dây leo cây tạp, cuốc lớp đất mỏng trên tầng đá lửa cho tơi đi, kéo đất nơi khác về đổ lên để trồng chuối nai. Cả gia đình vợ chồng con cái hì hục làm bất kể nắng mưa. Rồi thì chuối cũng trổ buồng, có trái. Sau đó tôi trồng sắn, kết hợp nuôi trâu, bò… Cứ theo nhu cầu thị trường mà “chạy”. Đến năm 1992, tôi đã gầy dựng được khu vườn có đủ cây - con, nguồn thu hàng năm đủ nuôi các con ăn học đàng hoàng, đến nơi đến chốn” - ông Hương cười mãn nguyện.
Dù cuộc mưu sinh đời thường khắc nghiệt, người thương binh đầy nghị lực ấy vẫn giữ nguyên tố chất cách mạng khi nhiệt tình tham gia, đi đầu trong các phong trào hoạt động, tích cực xây dựng quê hương. Hơn 10 năm làm trưởng thôn 11 và 15 năm làm trưởng thôn 3 của xã Tiên Thọ, trong lòng nhân dân ông là một trưởng thôn đầy nhiệt huyết, biết quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân. Ông Hương đã không ngừng khởi xướng các phong trào khuyến học, xây dựng câu lạc bộ bài chòi phục vụ bà con, xây dựng đường sá, nhất là con đường lầy lội chỉ có thể lội bộ vào thôn 11 đã được thay bằng con đường bê tông sạch đẹp. Đó là nhờ công ông ngày đêm lặn lội đến từng nhà động viên người dân hiến đất làm đường, còn ông thì đi xin xã, huyện hỗ trợ xi măng, cát sỏi, người dân góp công bê tông hóa tuyến đường… Với vai trò hội viên Hội Cựu chiến binh xã Tiên Thọ, ông Hương thành lập quỹ trợ tang nhằm giúp đỡ những đồng chí, đồng đội lúc ra đi có được những phút giây ấm cúng. Bà Cao Thị Ngọc Thanh (51 tuổi, thôn 3) vẫn không thể nào quên được ơn nghĩa của ông Hương và các đồng đội của chồng mình: “Chồng đột ngột qua đời bỏ lại tôi với 5 con bơ vơ. Lúc đó nếu không có sự giúp đỡ của bác Hương, bà con hàng xóm và Hội Cựu chiến binh xã Tiên Thọ, chắc tôi chẳng thể gượng dậy để nuôi con. Ngày đó, đồng đội của chồng tôi đã cùng tổ chức đám tang. Rồi mảnh ruộng cày dở dang cũng được các hội viên làm giúp, gieo sạ xanh tốt và giúp gia đình thu hoạch lúa”.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tiên Thọ - Huỳnh Long Nhân khẳng định, ông Hương là chất kết dính tạo nên sự đoàn kết, yêu thương giữa các hội viên cựu chiến binh. Việc gì ông Hương cũng đi đầu, xốc vác làm hết mình. Thấy đồng đội nào khó khăn là ông đến tâm sự, chia sẻ và giúp đỡ. Với những đóng góp của mình, ông Hương vừa được UBND huyện Tiên Phước tuyên dương Hội viên Cựu chiến binh gương mẫu tiêu biểu 5 năm liền.
LÊ HOÀNG - HỒNG NHÂN
Bài cuối: Ký ức người cựu tù