Theo bước chân tình nguyện

VĂN HÀO 22/07/2014 08:41

Vừa kết thúc đợt tình nguyện làm đường giao thông tại xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức), đoàn sinh viên tình nguyện Trường Đại học Quảng Nam tiếp tục đem sức trẻ đến với đồng bào vùng cao xã Trà Leng, huyện Nam Trà My.

Chúng tôi theo chuyến xe của đoàn sinh viên tình nguyện Trường Đại học Quảng Nam vượt qua những cung đường đèo dốc đến với các nóc nhà nơi vùng cao Nam Trà My. Hơn 40 sinh viên tình nguyện mang theo chút “ồn ào” chốn thị thành làm vơi đi vẻ quạnh quẽ sau cơn mưa chiều nơi vùng cao này. Đến nơi, mỗi tình nguyện viên với phần việc đã được phân công chuyển vật dụng, lương thực đến điểm tập kết, sắp xếp ổn định chỗ ở và nơi sinh hoạt. Tiếng cười giòn tan vang cả núi rừng. Xã Trà Leng là đơn vị kết nghĩa với Trường Đại học Quảng Nam đã hơn mười năm nay, và đây không phải là lần đầu tiên nhà trường tổ chức hoạt động tình nguyện tại địa phương này. Trong đoàn, có những bạn sinh viên lần đầu đặt chân đến đây, cũng có người địa phương đã quen mặt, bởi mỗi đợt hè đến, đoàn sinh viên tình nguyện của trường lại về với bà con. Ông Hồ Văn Mun (58 tuổi, thôn 3, Trà Leng) hồ hởi nói: “Hàng năm, đoàn tình nguyện lên giúp chúng tôi rất nhiều việc như làm đường, giúp dân dựng nhà, rồi còn tặng nhiều quà cho bà con nữa. Năm nay, đoàn tiếp tục về với thôn bản, ai nấy cũng phấn khởi”.

Thành viên đoàn tình nguyện Trường Đại học Quảng Nam làm đường dẫn vào các thôn 3 và 4 xã Trà Leng. Ảnh: VĂN HÀO
Thành viên đoàn tình nguyện Trường Đại học Quảng Nam làm đường dẫn vào các thôn 3 và 4 xã Trà Leng. Ảnh: VĂN HÀO

Đã lên kế hoạch từ trước, phải giúp bà con “xử lý” tuyến đường huyết mạch nối các thôn 3, 4 ra trung tâm xã bị sạt lở đất, thu hẹp gây trở ngại cho việc đi lại, nhất là mùa mưa lũ, chưa tới 6 giờ sáng, các tình nguyện viên đã mang theo cuốc, xẻng, xà beng… bươn bộ cả tiếng đồng hồ đến điểm sửa chữa đường sá cho bà con. Đoàn chia làm 3 nhóm, mỗi người một việc trên tinh thần khẩn trương và trách nhiệm. Sau 2 ngày, đoạn đường đồi dốc ngoằn ngoèo dài 3km đã được chỉnh trang, mở rộng trong niềm vui của người dân. Sinh viên Trương Việt Hùng (lớp Việt Nam học K12) chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần tham gia hoạt động tình nguyện tại Trà Leng, nhưng lần này được đóng góp sức trẻ để mở mang, gia cố con đường giữa núi rừng hoang sơ là một trải nghiệm đặc biệt cho bản thân. Mặc dù trời nắng nóng, áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi, nhưng nhìn thấy con đường được tu sửa trong niềm hân hoan của bà con, trong đoàn ai cũng vui. Hơn nữa, nhận được tình cảm chân thật mà bà con dành cho nên mọi mệt nhọc trong chúng tôi như tan biến hết”.

Vì khoảng cách từ điểm “đóng quân” đến đoạn đường cần tu sửa khá xa nên đoàn tình nguyện phải nghỉ trưa tại rừng. Việc ăn uống được đội hậu cần của đoàn cõng bộ đến tận “công trường”. Tuyến đường hoàn tất việc phát quang mở rộng, bồi đắp xong những điểm sạt lở cũng là lúc những cơn mưa rừng tràn về. Thành viên trong đoàn ai nấy cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì nỗi lo về việc đi lại của bà con phần nào được vơi bớt.

Nhiều năm tham gia tình nguyện tại Trà Leng, anh Trần Văn Ý - Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Quảng Nam cho biết, đời sống bà con nơi đây đang thay đổi từng ngày, song những khó khăn vẫn còn hiện hữu, vì vậy năm nào Đoàn trường cũng đem sức trẻ, nhiệt huyết đến sẻ chia khó khăn với đồng bào. “Những đêm giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao càng tạo thêm chất xúc tác để cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện và người dân địa phương gắn bó hơn. Giữa hai đơn vị kết nghĩa dường như không có khoảng cách, giới hạn, có chăng ở đó là nơi hội tụ của những tấm lòng hòa hợp, của sự sẻ chia với cộng đồng” - anh Ý tâm sự.

Ngoài giúp người dân làm đường, đoàn tình nguyện còn tổ chức bắt nối hệ thống điện cho Trường Mầm non Trà Leng chuẩn bị bước vào năm học mới. Cạnh đó, với sự đóng góp mỗi người một ngày lương của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Quảng Nam, 30 suất quà đã được trao tặng gia đình khó khăn của địa phương, tặng UBND xã một máy in (tổng chi phí cho đợt hoạt động 35 triệu đồng). Ông Phan Phước Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Leng nói: “Những đóng góp của Trường Đại học Quảng Nam đối với địa phương trong hơn mười năm qua không thể đong đếm được. Mỗi dịp hè, người dân chúng tôi như mở hội trong lòng vì có đoàn tình nguyện về giúp đỡ địa phương, đồng bào mình. Cứ thế, sợi chỉ kết nối giữa người miền xuôi với miền ngược càng thêm bền chặt”.

VĂN HÀO

VĂN HÀO