Mốc son không phai

MAI NHI 17/07/2014 11:53

40 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến trận đánh tại cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước, nhiều người vẫn thấy tự hào về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta…

Bia chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước.
Bia chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước.

Trận đánh oanh liệt

Xuất phát từ vị trí chiến lược quan trọng, là tuyến phòng thủ vững chắc phía tây nam của căn cứ quân sự liên hợp hải - lục - không quân ở Đà Nẵng và thị xã Hội An, là tiền tiêu bảo vệ quận lỵ Đức Dục cùng khu kỹ nghệ An Hòa nên Mỹ - ngụy tăng cường lực lượng, càn quét, đánh phá liên tục vào các xã thuộc huyện Nông Sơn. Đồng thời xây dựng, củng cố bộ máy ngụy quân, ngụy quyền với số lượng rất lớn, bao gồm nhiều thứ quân, chốt chặn nhiều cứ điểm, có lúc tổng quân số lên đến cấp sư đoàn. Chúng đã thiết lập một hệ thống chốt điểm phòng thủ kiên cố, có trận địa pháo hạng nặng liên hoàn, vững chắc. Trong đó, trung tâm cứ điểm chính là Nông Sơn - Trung Phước làm nhiệm vụ khống chế toàn vùng. Trước sự hung hăng của kẻ thù, từ những năm 1960, hưởng ứng phong trào đồng khởi, quân và dân ta đã đồng loạt tiến hành đấu tranh diệt ác, phá kèm, từng bước mở rộng vùng giải phóng để bảo vệ nhân dân, phát triển lực lượng cách mạng. Những trận đánh xuất thần của bộ đội địa phương, dân quân, du kích đã góp phần giải phóng các xã Sơn Lợi, Sơn Thuận, Sơn Phúc, Sơn Thọ và một phần xã Sơn Ninh, Sơn Khương vào đầu năm 1965.

“Năm tháng sẽ qua đi, cuộc sống không ngừng tiến về phía trước nhưng chiến thắng này sẽ mãi là niềm kiêu hãnh và tự hào, là mốc son tô thắm trang sử vẻ vang của quân và dân ta”.
 (Ông Huỳnh Tấn Triều - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn)

Sau đó, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có chủ trương đẩy mạnh chiến dịch Thu năm 1974 với nhiệm vụ tiến công tiêu diệt một số đồn bốt, cứ điểm, chi khu, quận lỵ, đánh vỡ từng mảng hệ thống phòng ngự cơ bản của địch ở vùng giáp ranh đồng bằng, nối liền vùng căn cứ miền núi tây bắc của tỉnh. Nông Sơn được Quân khu 5 xác định là một trong những khu vực tác chiến trọng yếu trên địa bàn toàn khu. Tháng 6.1974, Tỉnh ủy Quảng Nam có nghị quyết về tấn công và nổi dậy tiêu diệt các đồn bốt, cứ điểm ở phía tây của tỉnh để mở rộng vùng giải phóng, trong đó có cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước. Theo mệnh lệnh và phương án tác chiến đánh địch đã được đề ra, với tinh thần quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 Quân khu 5, trực tiếp là Trung đoàn 31 cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị ở địa phương.

Cuộc tấn công bắt đầu vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 18.7.1974. Đại đội 2, Tiểu đoàn 15 công binh thuộc Sư đoàn 2 nổ mìn phát lệnh tiến công chung bằng việc tiêu diệt chốt điểm Cà Tang. Đến 6 giờ sáng, quân ta đã quét sạch hệ thống chốt điểm của bọn bảo an, dân vệ, nghĩa quân, đưa bộ binh áp sát cứ điểm Nông Sơn, xây dựng thế trận vây lấn; các đơn vị pháo binh đã được đưa lên cao, vào gần để bắn thẳng. Đến 16 giờ 30 phút, pháo của ta đã bắn phá tung 38 trong tổng số 41 lô cốt ở cứ điểm Nông Sơn, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong đánh chiếm các mục tiêu còn lại. Đến 17 giờ 5 phút cùng ngày, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước.

Theo nhiều tư liệu lịch sử, trong trận đánh lớn này quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu ít nhất 4.000 tên địch, bắt sống hơn 1.200 tên khác. Đồng thời thu và phá hủy hàng trăm tấn đạn dược, vũ khí, quân trang, quân dụng, bắn cháy hàng chục xe tăng, máy bay cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác, làm tan rã hoàn toàn bộ máy đàn áp của bọn Mỹ - ngụy trên mảnh đất Nông Sơn, mang lại tự do cho gần 20.000 dân…

Đập tan cánh cửa thép

Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước giải phóng hoàn toàn huyện Nông Sơn đã “đập tan cánh cửa thép” tuyến phòng thủ phía tây nam của địch, là đòn sấm sét gây chấn động tinh thần quân địch trên chiến trường Quảng Nam - Quảng Đà. Đồng thời uy hiếp trực tiếp căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, tạo điều kiện hỗ trợ cho lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang địa phương tiến công địch giành quyền làm chủ ở nhiều nơi khác. Chiến thắng này cùng với chiến thắng Thượng Đức sau đó, cũng như những thắng lợi khác trên toàn chiến trường khu 5 đã mở ra một triển vọng to lớn để Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có cơ sở đề xuất với Bộ Chính trị cho chủ trương, kế hoạch mở các chiến dịch quân sự giải phóng Tây Nguyên và Đà Nẵng, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.

Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước đã đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của bộ đội chủ lực Quân khu 5 và phong trào cách mạng của nhân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về tác chiến của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích trong thế trận chiến tranh nhân dân và phong trào nổi dậy của quần chúng. Chiến thắng còn thể hiện ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng, là nghệ thuật chọn cách đánh và sử dụng binh hỏa lực “đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng” của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 2. Đó còn là thắng lợi của công tác binh địch vận, sự tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tích cực của quân dân ta dưới sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất từ phía Tỉnh ủy Quảng Nam.

Đây là chiến thắng mở màn cho chiến dịch Thu 1974, thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn của Thường vụ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về chiến tranh cách mạng. Chiến thắng này được ghi vào lịch sử như một sự kiện mang tính chất tiêu biểu về định hướng phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn Quân khu 5 ở những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Qua đó, để lại cho thế hệ sau những bài học về nghệ thuật tác chiến, kinh nghiệm chiến trường sâu sắc, có giá trị trong tiến công tiêu diệt cứ điểm phòng ngự của địch ở địa hình đồi núi hiểm trở.

MAI NHI

MAI NHI