Nâng cao nhận thức về sở hữu công nghiệp
Tại Quảng Nam, công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp (SHCN) từng bước được chú trọng.
Bà Hà Thị Ánh Tuyết - Phó Trưởng phòng Quản lý sở hữu trí tuệ & an toàn bức xạ (Sở KH-CN) cho hay, thời gian qua, lực lượng chuyên trách về SHCN đã phối hợp với nhiều ngành chức năng tổ chức hướng dẫn cá nhân, doanh nghiệp xác lập quyền SHCN. Ở lĩnh vực nhãn hiệu, cả tỉnh hiện có khoảng 875 đơn đăng ký cấp chứng nhận độc quyền về nhãn hiệu. Về chỉ dẫn địa lý, đến nay, Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ & an toàn bức xạ đã tham mưu lãnh đạo Sở KH-CN triển khai 1 dự án và 1 đề tài về SHCN. Đó là dự án Quản lý phát triển chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ vùng Trà My, Quảng Nam và đề tài Nghiên cứu, xây dựng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Hiện, hồ sơ đăng ký SHCN về chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận, hồ sơ về chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đang trong giai đoạn xúc tiến. Riêng các lĩnh vực khác như: kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, Quảng Nam vẫn còn khá ít đơn đăng ký độc quyền vì đây là những lĩnh vực còn mới mẻ, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân đang trong giai đoạn tiếp cận…
Chỉ dẫn địa lý Trà My cho sản phẩm quế vỏ là một trong những hình thức phát huy quyền sở hữu công nghiệp. Ảnh: H.L |
Toàn tỉnh có 25 nhãn hiệu tập thể được công nhận với những thương hiệu nổi tiếng như: mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, đúc đồng Phước Kiều, tiêu Tiên Phước… nhưng rất ít tổ chức, địa phương sử dụng và chú trọng phát huy hiệu quả của nhãn hiệu này. Ví dụ, tiêu Tiên Phước dù đã được cấp chứng nhận SHCN về nhãn hiệu từ năm 2011 nhưng đến nay người dân và chính quyền các vùng được cấp nhãn hiệu tập thể vẫn chưa thể phát huy hiệu quả của nhãn hiệu được cấp. Không chỉ tiêu, mà ngay cả các nhãn hiệu tập thể bê thui Cầu Mống, rau Bàu Tròn, nước mắm Cửa Khe… cũng chưa được phát huy. Điều này khiến cho sản phẩm không thể vươn xa được, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu, dễ bị đánh đồng với những sản phẩm cùng loại. “Theo quy định, nhãn hiệu tập thể chỉ được cấp chứng nhận trong vòng 10 năm, sau đó phải gia hạn trở lại. Nếu không phát huy được nhãn hiệu thì tập thể, địa phương đó có thể sẽ bị mất quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định” - bà Tuyết nói. Để phát triển nhãn hiệu tập thể, Sở KH-CN đang triển khai “Dự án quản lý và phát triển một số nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam đối với các nhãn hiệu tập thể: tiêu Tiên Phước, rau Bàu Tròn, nước mắm Cửa Khe… Cùng với đó, 2 dự án khác liên quan đến SHCN như dự án Tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ, phát huy vai trò của SHCN và dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “bê thui Cầu Mống” đang trong giai đoạn thực hiện.
Nhiều năm qua, khâu quản lý nhà nước về xử lý tình trạng xâm phạm quyền SHCN được chú trọng. Theo bà Hà Thị Ánh Tuyết, trước những vụ tranh chấp thương hiệu diễn ra gay gắt trên địa bàn, ngành chức năng đã có những động thái tích cực trong việc tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, doanh nghiệp, công dân tại các địa phương. Như tranh chấp giữa 2 thương hiệu: Hoi An Beach Resort với Hoi An Agribank Resort, từ khi có sự can thiệp của ngành chức năng, doanh nghiệp đã nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
HOÀNG LIÊN