Nỗ lực giữ rừng

ALĂNG NGƯỚC - NỮ VƯƠNG 09/07/2014 10:23

Trước tình trạng nhiều diện tích rừng ở các địa phương liên tục bị xâm hại, ngành chức năng và các địa phương của tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Lấn chiếm đất rừng

năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, huyện Đông Giang có gần 40 vụ phá rừng trái phép, gây thiệt hại hơn 12ha rừng. Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong việc triển khai truy quét, cùng liên kết giữ rừng nhưng tình trạng khai thác gỗ, mua bán, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật hoang dã vẫn tái diễn. “Qua truy quét, lực lượng chức năng đã phát hiện và đẩy đuổi hàng nghìn đối tượng cư trú bất hợp pháp ra khỏi địa bàn; phá hủy hơn 300 lán trại, 357 máy nổ các loại, cùng gần 20 nghìn mét ống dây dẫn nước làm vàng; dỡ bỏ hơn 3.760 chiếc bẫy dùng để săn bắt động vật hoang dã…” - ông Tài cho hay.

Tình trạng rừng bị xâm hại vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: Alăng Ngước
Tình trạng rừng bị xâm hại vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: Alăng Ngước

Không chỉ ở Đông Giang, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất, lấy đất trồng rừng vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. “Điểm nóng” tập trung ở lưu vực rừng phòng hộ Phú Ninh, các khu tái định cư thuộc các công trình dự án thủy điện. Báo cáo thống kê của Sở NN&PTNT cho biết, trong 4 năm (từ 2011-2014), toàn tỉnh có hơn 4 nghìn vụ vi phạm về rừng với hơn 340ha diện tích rừng bị thiệt hại, chủ yếu là ở các huyện Đông Giang, Tiên Phước, Núi Thành, Bắc Trà My… Riêng 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có hàng chục vụ phá rừng trái phép, gây thiệt hại tổng diện tích hơn 16ha. Ngoài ra, nhiều diện tích rừng vẫn bị thiệt hại do tình trạng cháy rừng vào mùa khô, cũng như việc khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở một số địa phương, chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để. Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, so với những năm trước, tình hình phá rừng lấy đất sản xuất, lấy đất trồng rừng có phần giảm hơn trong năm 2013 nhưng vẫn còn ở mức cao và diễn biến khá phức tạp. Liên tục từ năm 2011 đến nay, ngành chức năng đã khởi tố gần 80 vụ án hình sự liên quan đến vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng; tịch thu nhiều tang vật vi phạm và nộp ngân sách hơn 37 tỷ đồng.

Nhiều tụ điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh được “xóa sổ”.  Trong ảnh: Một điểm khai thác vàng tại huyện Nam Giang.
Nhiều tụ điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh được “xóa sổ”. Trong ảnh: Một điểm khai thác vàng tại huyện Nam Giang.

Nỗ lực cứu rừng

Bảo vệ rừng ươi
Trước thực trạng nhiều diện tích rừng ươi liên tục bị các đối tượng chặt phá để lấy trái, UBND tỉnh đã ban hành công điện số 04/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ban ngành địa phương liên quan tập trung triển khai các biện pháp cấp bách quản lý, bảo vệ và khai thác cây ươi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, đặc biệt là các địa phương đang là trọng điểm về tình trạng chặt phá cây ươi cần quyết liệt thực hiện các giải pháp để bảo vệ cây ươi; lập các phương án tổ chức truy quét, đẩy đuổi đối tượng xâm nhập và đưa dụng cụ, phương tiện vào rừng trái phép chặt hạ ươi ở các “điểm nóng”… Tại huyện Đông Giang, ở địa bàn các xã Sông Kôn, Jơ Ngây và A Ting, người dân địa phương cho hay rừng ươi luôn được lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Suốt thời điểm mùa ươi, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Sao la luôn bám chặt địa bàn, thường xuyên kiểm tra, truy quét và thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng. Nhờ vậy, rừng ươi được gìn giữ nguyên vẹn.

Cùng với công tác kiểm tra, truy quét, những năm qua lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, ngăn chặn hành vi vi phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào quần chúng cùng tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, đã từng bước kiểm soát và kiềm chế tình trạng phá rừng tại các “điểm nóng”; xóa nhiều tụ điểm khai thác vàng trái phép ở một số địa phương miền núi.

Năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án tổ chức lại các Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương, Sông Kôn (Đông Giang); Sông Tranh (Bắc Trà My); Đăk Mi (Phước Sơn) và cho phép thành lập 2 Ban quản lý rừng phòng hộ nam và bắc Sông Bung (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh), ở huyện Nam Giang nhằm hỗ trợ người dân, cộng đồng địa phương khai thác, sử dụng vốn rừng hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng phòng hộ lưu vực và đảm bảo thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cũng theo ông Lê Minh Hưng, công tác phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế trong những năm qua đã được triển khai thực hiện khá đồng bộ với độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh từ 48,3% (năm 2011) lên 49,4% năm 2013. Trong khi đó, tổng diện tích cung ứng chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 287.221ha; phê duyệt 7 đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích gần 202.206ha; kết quả triển khai trồng rừng thay thế đạt 35%... Qua 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã mở ra một hướng mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển ngành lâm nghiệp ở địa bàn tỉnh; tạo nên những tác động tích cực đến công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với trách nhiệm của chủ rừng, giúp họ yên tâm gắn bó với rừng, xem rừng như tài sản và hạn chế đáng kể tình trạng vào rừng phát nương làm rẫy, khai thác gỗ trái phép.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho rằng, việc thực hiện tốt công tác chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng của các ngành chức năng đã đem lại kết quả đáng mừng cho quá trình phát triển rừng tại địa phương. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, việc tuyên truyền nhận thức đến với người dân chưa sâu,… khiến công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn. “Ở địa bàn tỉnh, khoáng sản phân bổ rải rác ở các vùng miền núi, dẫn đến tiềm ẩn những “điểm nóng” về tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép. Vì vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ và quản lý rừng, thực hiện việc phân cấp, phân quyền cũng như đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho từng địa phương và thường xuyên vận động tuyên truyền đến với người dân”- ông Trần Kim Hùng nói.

Xử phạt hơn 52 tỷ đồng các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, 6 tháng đầu năm 2014, toàn ngành đã triển khai 1.187 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với hơn 3.013 tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực đất đai, địa chất và khoáng sản, môi trường. Qua đó đã kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 1,462 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 850 ha đất, xử phạt vi phạm hành chính 841 tổ chức, cá nhân với số tiền 51,113 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy tỷ lệ các tổ chức, cá nhân vi phạm trong các lĩnh vực rất cao. Cụ thể như kết quả thanh tra, kiểm tra về đất đai phát hiện hơn 42% số tổ chức cá nhân vi phạm; lĩnh vực môi trường hơn 45%; khoáng sản hơn 54%; tài nguyên nước gần 23%. Về công tác tiếp nhận xử lý đơn thư, tiếp dân toàn ngành đã tiếp nhận được gần 6.000 đơn, khiếu nại tố cáo đã giải quyết được 1.075/1805 vụ thuộc thẩm quyền trách nhiệm được giao (đạt 59,55%). Trong 6 tháng đầu năm 2014, công tác thanh tra, kiểm tra đã bám sát định hướng của ngành và của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời giữa Bộ và các địa phương đã có sự phối hợp tích cực trong việc triển khai thực hiện công tác này, nhất là trong việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài và thanh tra chuyên đề diện rộng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị còn chưa chủ động triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng thời gian trong kế hoạch phê duyệt. Việc triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch của Bộ ở một số đơn vị còn chậm, nhiều nội dung còn chồng chéo.(A.T)

ALĂNG NGƯỚC - NỮ VƯƠNG

ALĂNG NGƯỚC - NỮ VƯƠNG