Tắm mình trong dòng chảy nhân văn
Trong lịch sử 89 năm (21.6.1925 – 21.6.2014), báo chí cách mạng Việt Nam đã cổ xúy cho những giá trị vừa mang tính nhân loại vừa giàu bản sắc dân tộc. Là người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng ngòi bút báo chí để tuyên truyền về lòng yêu nước thương nòi, đấu tranh chống áp bức cường quyền và tạo dựng giá trị nhân văn cho thời đại mới.
Ngày nay, phương tiện truyền thông báo chí đã có bước tiến vượt bậc về nội dung và hình thức. Tuy vậy, trong tiếp cận thông tin, những giá trị nhân văn có tính phổ quát vẫn luôn là khao khát không hề vơi cạn từ xưa đến nay. Thông qua bộ lọc ấy, truyền thông báo chí được nhân lên sức mạnh khi lay động những tình cảm tốt đẹp của con người. Nhân loại có thể trải nghiệm điều đó từ các bản tin “nóng hổi” về nhiều thứ, từ những biến cố chính trị, hay vụ Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đến chuyện biến đổi khí hậu tàn phá những di sản mà con người phải kinh dinh nhiều thiên niên kỷ để tạo dựng…
Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhìn lại mình, Báo Quảng Nam có thể tự hào với diện mạo mới. Báo đã tăng cường đội ngũ, được trang bị phương tiện, cơ sở vật chất hiện đại; đã phát hành báo ngày, có thêm nhiều ấn phẩm đặc biệt; trong đó nổi bật là đã phát triển loại hình báo điện tử và bước đầu thử nghiệm một số sản phẩm theo loại hình báo chí đa phương tiện, có thêm phụ trương Người Quảng xa quê, Nông thôn mới, Đầu tư – Du lịch (bằng tiếng Anh). Báo Quảng Nam đang tiếp nối dòng phát triển và bước đầu hội nhập công nghệ làm báo hiện đại. Song, dù tiến bước theo trào lưu hiện đại hóa, Báo Quảng Nam vẫn luôn ý thức giữ gìn bản sắc của tờ báo sinh ra và được nuôi dưỡng trong nguồn mạch nhân văn xứ sở, đất “chưa mưa đà thấm”, đất của những con người làm nên di sản văn hóa, lịch sử rất đặc thù.
Người Quảng, đặc biệt là những người chọn nghề làm báo, có tính “hay cãi”để phản biện xã hội, khao khát được thể hiện sâu sắc tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà báo kỳ cựu, người con đất Quảng, đã khái quát sự khao khát ấy với nhận thức sáng rõ: “Ngày nay là ngày dân quyền phát đạt. Khắp trên thế giới chữ Dân đã hiện thành một chữ rất to lớn. Nét ngang sổ dọc, đá ngược, vác xiên, sáng chói rõ ràng như mặt trời treo giữa khoảng không, gom tóm cả loài người trên mặt địa cầu, thâu vào dưới bóng sáng đó” (Báo Tiếng Dân, 20.8.1928). Tinh thần vì dân là một cột trụ của tư tưởng nhân văn, dân chủ. Do đó, như nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc đã đúc kết: “Tinh thần dân chủ, quá trình dân chủ hóa đang là một dòng chủ lưu trong sự nghiệp xây dựng đất nước, nên bài học từ tấm gương Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng như thế hệ khai phóng những giá trị dân chủ mà Quảng Nam luôn tự hào là một vùng đất tiên phong sẽ trở nên có ý nghĩa thực tiễn”.
Cần phải soi rọi từ truyền thống báo chí cách mạng, tiếp bước giá trị nhân văn mà bao thế hệ người Quảng làm báo đã vun trồng, để có tiếng nói lan tỏa sâu rộng đến đại chúng, giàu tính xây dựng và phản biện nhằm xây đắp con đường phát triển bền vững. Muốn thực thi sứ mệnh đó, điều tiên quyết là Báo Quảng Nam đang và sẽ phải luôn luôn tắm mình trong dòng chảy nhân văn, mạnh mẽ và sâu thẳm.
BÁO QUẢNG NAM