"Vừa đi vừa khóc"
Đối với chúng tôi, biên giới luôn là những bí ẩn thôi thúc bước chân của người làm báo. Đi, hỏi, sống cùng đồng bào. Và viết. Có đi mới thấy, biên giới không dễ đến như mình tưởng.
Tôi đã nhiều lần đặt chân lên khu 7, vùng đất được mệnh danh “bất đáo phi hảo hán” của huyện vùng cao Tây Giang từ những ngày con đường lên bản giáp biên Ch’nóc vừa được mở. Đi đến thuộc làu những tên làng rất lạ: Kanoonh, Agrí’h, Voòng, Pứt, Glao, Chigô… Vậy mà mỗi lần đi là mỗi lần thách thức. Không ít lần, tôi “vừa đi vừa khóc”. “Khóc” giữa con dốc lầy bùn ngập đến đầu gối, xe lì lợm tắt máy khi mưa rừng trút xối xả lên đầu, tuyệt nhiên không có một bóng người. “Khóc” bên dòng nước ngầm Abanh ngầu đục nước lũ ngăn cách đường về…
Ngập ngụa trong con đường đầy bùn đất khi lên khu 7. Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Tháng 11 năm trước, giữa mùa mưa, tôi và một đồng nghiệp ngược rừng lên khu 7 để kịp có bài cho đặc san tết âm lịch. Đề tài đã ấp ủ từ trước, hạn cuối nộp bài cận kề, nên mặc cho mưa như trút suốt chặng đường gần 200 cây số từ thành phố lên đến huyện, chúng tôi cứ xe máy mà “phăng”. May sao, đến huyện thì trời nắng. Vừa gặp mặt, anh bạn công tác ở huyện ủy đã cảnh báo: “Buổi chiều, nước lũ ở ngầm Abanh có thể đổ về. Lũ về thì không qua được đâu”. Ngầm Abanh cách trung tâm huyện gần 30 cây số, nghĩa là nếu đi tiếp mà không thể vượt ngầm, chúng tôi chỉ còn cách quay về tay trắng. Chưa đi, chưa thấy thì… chưa tin, bệnh nghề nghiệp cứ thế kéo chúng tôi đi bằng được. Đến ngầm Abanh, nước ngầu đục, không có bất kỳ dấu hiệu gì để có thể đoán định mực nước. May sao, có mấy em nhỏ người bản địa đang chơi bên bờ suối, bảo chúng tôi cứ chạy xe qua. Vừa đi vừa thót tim với dòng nước đục, rồi chúng tôi cũng qua được ngầm. Chưa kịp mừng, lại gặp tai nạn với con đường đất trơn như mỡ. Chân bị bỏng vì chạm vào ống pô, xe thì liên tục nằm xoài trên đường, dắt bộ nhiều hơn chạy, nên đoạn đường chỉ xấp xỉ 50 cây số, chúng tôi phải mất 2 ngày đường cho hành trình đi và về. Đến lúc về, lại một lần nữa mắc kẹt bên ngầm Abanh chờ lũ rút. Cũng may, sự tận tình giúp đỡ của các chiến sĩ Đồn biên phòng A Xan đã giúp chúng tôi hoàn thành “nhiệm vụ”, kịp có một bài viết góp mặt vào số đặc san ngày tết.
Tháng 4 vừa rồi, chúng tôi lại được cập nhật thêm một “ám ảnh” nữa về vùng đất mỗi năm có 4 tháng biệt lập này. Tôi về Ch’Ơm, bản xa nhất của Tây Giang để kịp dự một sự kiện của xã. Trước đây, qua được con dốc đầu làng Kanoonh đã có quyền thở phào nhẹ nhõm, hơn mười cây số còn lại cũng không quá khó đi. Nhưng vào đến sát trung tâm xã mới biết, lạch nước cạn ngày xưa bị tắc dòng khi mở đường, trở thành một hồ nước sâu ngập gần hết xe máy. “Kinh nghiệm” đi núi vẫn không thể cứu được chiếc xe, phải hì hục tự sửa tạm để đi tiếp. Xe máy bị vào nước, phải tháo sạch máy, thay dầu nhớt, xả xăng, sấy lọc thông gió mới nổ máy được, mất hàng tiếng đồng hồ. Đến lúc quay trở về, nhìn hồ nước sâu thực lòng đã muốn nản, tắt máy hì hục đẩy bộ qua ngầm cho an toàn, nhưng lên đến bờ, “con xế”… đơ luôn! Chợt trời mưa như trút nước. Áo mưa có bao nhiêu dùng bảo vệ “đồ nghề” máy ảnh, máy tính… Không hàng quán, không lều tranh trú tạm, chúng tôi trơ trơ giữa trận mưa rừng và chiếc xe máy hỏng suốt hai tiếng đồng hồ. Mệt, lo lắng và cả sợ, may sao kiên trì mãi chiếc xe cũng chịu nổ máy, ì ạch đưa chúng tôi về thị trấn. Về đến nơi, thấy ánh đèn đường hắt sáng từ phố nhỏ vùng cao, muốn rớt nước mắt vì mừng. Tự nhủ, chính những chuyến đi “bão táp” ấy giúp mình thêm yêu nghề, yêu núi rừng, yêu tấm lòng của những người bản địa mà mình đã gặp trên suốt hành trình.
PHƯƠNG GIANG