Điểm hẹn văn nghệ sĩ
Sự xuất hiện thường xuyên của giới cầm cọ, cầm bút và sáng tác nhạc khiến quán cà phê khiêm nhường ấy trở thành điểm hẹn của anh em văn nghệ sĩ. Đó là Cà phê Trầm ở số 33 Lê Lợi, TP.Tam Kỳ...
Quang cảnh buổi nhạc “Nhớ Trịnh” tại quán Cà phê Trầm.Ảnh: N.T.Q |
Không gian đặc trưng
Cà phê Trầm có một không gian được bài trí các vật dụng như chum, hũ, cối đá, cày gỗ, nơm cá... Giữa không gian yên ắng tĩnh lặng, những bản nhạc Trịnh qua giọng hát Khánh Ly như gần như xa khiến ai cũng cảm thấy bồi hồi xao xuyến. Cái duyên kỳ ngộ của anh em văn nghệ sĩ ở Cà phê Trầm không rõ có tự bao giờ, cũng chẳng biết là do đâu. Nhà thơ Nguyễn Đức Dũng nhớ lại: “Hồi mới có cái quán này, vì gần nhà và quen biết với Vũ - chủ quán, tôi hay tới ngồi nhâm nhi chất đắng. Rồi thấy ở đây không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng nên tôi thường xuyên gọi bạn bè văn thơ đến uống cà phê và luận bàn chuyện thơ văn. Riết rồi anh em viết lách ở TP.Tam Kỳ đều cảm thấy thích cái quán giản dị mà đặc biệt này. Thế là tự nhiên, nó trở thành điểm hẹn hò của chúng tôi”. Theo thời gian, qua sự giới thiệu bằng cách rỉ tai nhau của anh em văn nghệ sĩ, Cà phê Trầm ngày càng có thêm nhiều người lui tới. Những người làm văn nghệ ở các huyện khác như Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Đại Lộc... khi đến Tam Kỳ cũng thường ghé lại quán cà phê này.
Cái hay của Cà phê Trầm là chủ quán cũng có “máu văn nghệ sĩ” nên cho anh em tự do sử dụng quán làm nơi triển lãm trưng bày các tác phẩm của mình. Thậm chí, có người thấy cục đá to có hình khối lạ, bắt mắt, khệ nệ bê tới Cà phê Trầm để ở đâu tùy thích. Anh em văn nghệ sĩ đến uống cà phê và tha hồ bình phẩm về các tác phẩm của bạn bè. Ban đầu là những tờ báo, tạp chí có đăng những bài thơ, những truyện ngắn của những người “cùng hội cùng thuyền”. Về sau, họ mang những bức tranh, những bức ảnh nghệ thuật hay những tác phẩm điêu khắc tới trưng bày cho mọi người quan chiêm. Đó là những bức tranh “Hoa trai” của họa sĩ Võ Như Diệu, những tác phẩm điêu khắc đã từng đoạt giải thưởng khu vực và quốc gia của nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Văn Huy với nhóm tượng: nhà văn Nguyên Ngọc, nhạc sĩ Văn Cao, giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu… Không ít người tới Cà phê Trầm đắm chìm trong không gian nghệ thuật và sáng tạo nên những tác phẩm thơ một cách tình cờ như thể “trời cho”...
Nhóm tượng (từ trái qua: nhà văn Nguyên Ngọc, nhạc sĩ Văn Cao, giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu) của nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Văn Huy trưng bày tại quán Cà phê Trầm. |
Giới thiệu tác phẩm - tác giả
Cà phê Trầm còn là nơi anh em văn nghệ tổ chức những hoạt động giao lưu, công bố tác phẩm của mình. Hàng loạt các tác phẩm văn thơ đã được Hội VH-NT TP.Tam Kỳ chọn nơi đây để giới thiệu đến bạn bè và công chúng. Đó là tập thơ “Hạt phong trần” của Huỳnh Trương Phát, tập thơ “Suy tư Trắng” của Thủy Anh, tiểu thuyết “Bến cạn” của Lê Trâm và mới nhất là tập thơ “Lục bát 60” của Nguyễn Bá Hòa… Anh Huỳnh Trương Phát chia sẻ: “Cà phê Trầm có không gian thoáng, phù hợp với việc giới thiệu tác phẩm - tác giả nên anh em văn nghệ rất thích. Chủ quán cũng như gia đình luôn luôn tạo những điều kiện tốt nhất để anh em chúng tôi tổ chức những buổi ra mắt các tác phẩm mới của mình”. Nhà văn Lê Trâm khi in cuốn tiểu thuyết “Bến cạn” được nhà nhơ Nguyễn Đức Dũng “mách miệng” và đứng ra lo liệu giúp khâu “giới thiệu, quảng bá” tác phẩm. Tác giả “Bến cạn” không ngờ buổi ra mắt tác phẩm của mình lại có rất đông bạn bè, bạn đọc đến dự. Nhà văn Lê Trâm bảo: “Ở TP.Tam Kỳ có một nơi như thế này thật tuyệt! Mình thật sự cảm động khi có đông bạn bè, bạn đọc đến chia vui, chúc mừng”.
Ngoài việc giới thiệu tác giả - tác phẩm, anh em văn nghệ sĩ còn chọn Cà phê Trầm làm nơi tổ chức các chương trình nghệ thuật. Như triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Giọt Trầm tháng giêng” thu hút nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhiều tay máy chuyên nghiệp cũng như các bạn trẻ làm báo tham gia. Đêm nhạc “Nhớ Trịnh” nhân kỷ niệm 13 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Những hoạt động này được nhiều người làm văn nghệ trong và ngoài tỉnh tham gia. Qua đó, các anh em có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhau nhiều kinh nghiệm trong sáng tác, tạo sự kết nối, giao lưu giữa những con người làm văn chương, nghệ thuật, và giữa họ với công chúng. Nhiều sinh viên Khoa văn của Trường Đại học Quảng Nam cũng xem Cà phê Trầm như một điểm hẹn để đến làm quen với văn nghệ sĩ, thu thập tư liệu phục vụ cho việc học tập nghiên cứu của mình. Từ một quán cà phê nhỏ với một không gian giản dị, Cà phê Trầm đã trở thành nơi các nhà thơ, nhà văn, điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh… hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.Tam Kỳ thường xuyên đến uống cà phê để trao đổi với nhau về việc đi thực tế hoặc những dự định sáng tác của mình...
NGUYỄN TƯỜNG QUÂN