Trầy trật… tái định cư

NGUYỄN QUANG VIỆT 07/06/2014 12:26

Nhiều khu tái định cư tại vùng đông của tỉnh sau nhiều năm xây dựng vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng để kịp thời đáp ứng nhu cầu an cư của người dân; trong khi đó một số người dân lại không “mặn mà” khi định cư nơi ở mới do gặp nhiều khó khăn trong phát triển sinh kế, thiếu kinh phí để xây dựng nhà…

Khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương vẫn còn dang dở nhiều hạng mục.Ảnh: QUANG VIỆT
Khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương vẫn còn dang dở nhiều hạng mục.Ảnh: QUANG VIỆT

Bất cập

Khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương (Thăng Bình) nằm trơ mình dưới nắng. Các hạng mục đầu tư hạ tầng tại khu tái định cư này vẫn đang dang dở. Ông Đặng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: “Tổng diện tích của khu tái định cư này là 50ha nhưng 15ha của giai đoạn 1 được thi công từ nhiều năm nay vẫn trầy trật, rất khó hoàn thiện để người dân nằm trong vùng giải tỏa của dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có thể an cư. Điện, đường hết sức sơ sài. Dù đã được chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai khởi động từ năm 2012 đến nay nhưng mương thoát nước tại khu tái định cư vẫn chưa được hoàn thành. Mùa nắng thì thiếu nước trầm trọng, mùa mưa lại ngập úng nên 17 hộ dân được định cư đến thời điểm này vẫn rất lo”. Cách khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương không xa, khu tái định cư Cài Ghép do UBND huyện Thăng Bình làm chủ đầu tư có diện tích 4,2ha đã được hoàn thành và bàn giao sử dụng. Hiện tại, đây là chỗ ở mới của hơn 50 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án xây dựng đường dẫn cầu Cửa Đại. “Không hiểu sao, đường nội bộ trong khu tái định cư này lại được thiết kế quá nhỏ. Đường trung tâm mà chỉ rộng chừng 3m nên phải vất vả loay hoay mãi chúng tôi mới xoay xở được khi vận chuyển đồ đạc, vật dụng” - anh Nguyễn Văn Cứ, một người dân vừa được bố trí vào khu tái định cư này, nói.

Từ xã Bình Dương, chúng tôi tiếp tục đến các xã ven biển vùng đông của tỉnh. Khu tái định cư  Nồi Rang (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) đến thời điểm này đã có 30 hộ dân đến ở. Còn khu tái định cư Lệ Sơn (thôn Lệ Sơn, Duy Nghĩa) đã bố trí chỗ ở cho hơn 20 hộ dân. “Tỉnh sắp xếp lại dân cư ven biển thì chúng tôi rất hoan nghênh nhưng người dân được bố trí chỗ ở mới phải đảm bảo hơn chỗ ở cũ chứ. Vậy mà sinh hoạt của chúng tôi ở khu tái định cư lại quá khắc khổ. Nhiều hộ dân nghèo phải sử dụng nguồn nước vốn được lấy lên từ các nghĩa địa trước đây, rất lo. Vào chỗ ở mới, do không có đất canh tác hoặc không thể chài lưới nên tìm sinh kế mới rất khó khăn” - ông Đoàn Xí, Trưởng thôn Hội Sơn nói. Còn ông Phạm Mai Thương - Bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa thì cho biết: “Dù đã được vận động nhưng nhiều hộ vẫn chưa đến ở tại các khu tái định cư trên địa bàn. Nguyên nhân cơ bản là ở khu tái định cư mới thì họ không có đất sản xuất. Tập quán sản xuất ngư nghiệp cũng bị đảo lộn khi người dân đến chỗ ở mới”.

Trong khi người dân ven biển các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên không muốn định cư chỗ ở mới thì người dân thuộc vùng Cửa Lở (xã Tam Hải, Núi Thành) lại không thể vào được khu tái định cư vì… quá nghèo. “Hơn 10 hộ dân sinh sống ở khu vực Cửa Lở của xã vẫn nơm nớp lo sợ do vùng biển này bị xói lở ngày một khủng khiếp hơn. Thực tế là trên địa bàn xã đã hình thành khu tái định cư xã Tam Hải để bố trí chỗ ở mới cho các hộ dân đang gặp khó về chỗ ở trên địa bàn. Tuy nhiên, suốt mấy năm qua, các hộ dân ở khu vực Cửa Lở vẫn chưa thể vào đây được do không đủ tiền để trang trải, xây dựng nhà mới” - ông Phan Như Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải nói.

Sớm an cư cho dân

Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh mới đây, ông Phạm Mai Thương - Bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa bộc bạch: “Thực tế đã cho thấy công tác tái định cư trên địa bàn xã trong thời gian qua đã vấp phải nhiều bất cập. Dù đã cố gắng nhưng khả năng của xã không thể bao quát hết vấn đề. Đến thời điểm này, mọi nỗ lực vẫn… lực bất tòng tâm”. Ông Thương đề xuất: “Để giải quyết vấn đề, tỉnh cần có kế sách như thế nào đó để hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng tái định cư. Hỗ trợ vốn để người dân có thể đầu tư vào các ngành dịch vụ nông nghiệp, ngư nghiệp có thể là một cách. Bên cạnh đó cần đào tạo nghề giúp người dân chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống”. Còn ông Đặng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương thì cho biết, điều cần kíp nhất vào lúc này là phải nhanh chóng kiện toàn hệ thống đường sá, điện, nước tại các khu tái định cư để người dân yên tâm vào ở. Điều đó rất quan trọng khi mùa mưa bão đang đến gần. “Chúng tôi rất mong cấp trên mở rộng hệ thống đường nội bộ tại khu tái định cư Cài Ghép để thuận tiện sinh hoạt cho người dân. Các hạng mục đầu tư hạ tầng tại khu tái định cư trung tâm rất cần được đẩy nhanh tiến độ” - ông Hùng đề xuất.

Ông Phan Như Tường cho biết, hiện tại, thông qua xã, hơn 10 hộ dân ở khu vực Cửa Lở đang làm hồ sơ gửi đến huyện, tỉnh xin hỗ trợ kinh phí để có chỗ ở mới tại khu tái định cư của xã Tam Hải. “Do sinh kế thiếu ổn định, từ bao đời nay người dân khu vực Cửa Lở chỉ đắp đổi qua ngày. Do không dành dụm được nhiều của cải vật chất nên họ rất khó mua được chỗ ở mới tại khu tái định cư. Các ngành, các cấp cần nghiên cứu để có cách hỗ trợ tái định cư cho người dân vốn sống tại khu vực bị biển đe dọa nghiêm trọng” - ông Tường nói. Tại buổi tiếp xúc cử tri xã Tam Hải mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đã dành nhiều thời gian để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người dân Tam Hải nói chung, khu vực Cửa Lở nói riêng. Sau khi đi khảo sát tình hình sạt lở tại khu vực Cửa Lở, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đã đề nghị huyện Núi Thành khẩn cấp di dời các hộ dân tại khu vực Cửa Lở đến nơi ở an toàn trước mùa mưa bão, giúp người dân ổn định cuộc sống.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT