Biển Đông làm "nóng" Shangri-la

QUỐC HƯNG 02/06/2014 11:03

(QNO) - Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực châu Á 2014, nhiều quốc gia tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Phát biểu của Thủ tướng Nhật làm “nóng” Đối thoại Shangri-la 2014
Phát biểu của Thủ tướng Nhật làm “nóng” Đối thoại Shangri-la 2014

Đối thoại Shangri-la hay Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á 2014 diễn ra tại Singapore từ ngày 30.5-1.6 đặt trọng tâm rõ ràng về sự gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông, đã sử dụng bạo lực với các tàu đánh bắt cá hòa bình của Việt Nam. Hành động “vô nhân đạo” cũng như xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc bị các nước lên án mạnh mẽ ngay tại bàn hội nghị. Trong bài phát biểu quan trọng tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố “ủng hộ tối đa” cho các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đảm bảo an ninh vùng biển và bầu trời triệt để duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không trong khi tất cả các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế. Đặc biệt, Nhật Bản ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, hòa bình. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng lên án những ai muốn “thay đổi hiện trạng” bằng cách áp đặt, được xem như thêm một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc.

Ngày 28.5, Phái đoàn Đại diện Thường trực nước ta tại Liên hiệp quốc gửi thư cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao nước ta gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối Trung Quốc không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Theo nhiều chuyền gia phân tích, Đối thoại Shangri-la 2014, nơi hiếm hoi Trung Quốc ở vị thế đơn độc vì mưu toan của mình hay là nơi Bắc Kinh bị đặt vào thế bị cáo. Mỹ, một nước lớn khác chỉ trích mạnh mẽ, rằng Trung Quốc hành động đơn phương và hung hăng gây bất ổn trên biển Đông, với Việt Nam và tại Hoa Đông, với Nhật Bản. Trước sự có mặt của các đại diện quốc phòng nhiều nước châu Á, trong đó có Phó tổng tham mưu quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung với bài phát biểu lãng tránh hành động nguy hiểm của Trung Quốc trên biển Đông, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói: “Chúng tôi kiên quyết chống lại bất cứ hành động khiêu khích, gây hấn hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền từ bất cứ quốc gia nào”. Đồng thời, ông Hagel khẳng định một lần nữa ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông.

Sức nóng của biển Đông rõ ràng ngày càng “nóng” theo sự leo thang ngày càng nguy hiểm của Trung Quốc trên biển Đông. Tham dự Đối thoại Shangri-La 2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã khẳng định lại chủ trương của Việt Nam là kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông, Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về biển Đông, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Bộ trưởng Phùng  Quang Thanh đề nghị Trung Quốc lập tức rút giàn khoan Hải  Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG