Mái nhà chung ở Ngọc Linh
Những ngày cuối năm học 2013 - 2014, chúng tôi đến thăm ngôi trường nằm chênh vênh trên đỉnh núi Ngọc Linh quanh năm mây phủ. Không khoảng cách, không giới hạn, tình thương yêu giữa các thầy cô giáo miền xuôi với học trò miền ngược ở ngôi trường này như câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
|
Học sinh Trường Tiểu học Ngọc Linh “hong nắng” trong giờ ra chơi. Ảnh: Lăng A Cúi |
Trận mưa dông chiều hôm trước khiến con đường đất từ trung tâm thị trấn Tắk Pỏ lên núi Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) đầy bùn lầy. Ở độ cao gần 2.600m so với mực nước biển, Ngọc Linh vẫn se se lạnh ngay trong tiết trời mùa hè. Hành trình về Trà Linh, bùn đất nhuộm màu nắng. Những lớp bùn bám cứng vào bánh xe máy như keo dính, nghe rõ từng tiếng “rít” theo vòng quay bánh xe. Tôi lên đến trường Tiểu học Ngọc Linh đúng giờ ra chơi, đã thấy các em học sinh đứng ngồi trên những tảng đá, vô tư cười đùa để… đón nắng.
Thầy cô là… cha mẹ
Cách cổng Trường Tiểu học Ngọc Linh chừng vài trăm mét, công trường thi công tuyến giao thông liên xã vẫn còn dang dở. Vài ba người đàn ông, lấm lem bùn đất hì hục kéo chiếc xe rùa chở cát từ phía nóc của người Xê Đăng đưa về lấp chỗ mấy hục đất bị lở trước khu nội trú học sinh. Phía khu nhà bán trú, một tốp khác đang sửa chữa những chiếc sạp tre bị hỏng, miệt mài, đầy vẻ tận tâm. Nếu không được thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng - Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu, có lẽ công việc của những người đàn ông kia không khiến tôi ấn tượng đến thế. Những người mà mới đó tôi nghĩ là công nhân thì ra là giáo viên của trường, tranh thủ ngày nghỉ phân chia nhau tu sửa lại khuôn viên, nhà ở cho các em học sinh. “Ở đây, mọi chuyện đều do thầy cô đảm nhận hết. Từ việc ăn ở, sinh hoạt cho đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, rèn luyện thể chất... Bởi rứa, các em luôn xem thầy cô như chính cha mẹ của mình vậy” - thầy Hùng chia sẻ.
Năm học 2013 - 2014, Trường Tiểu học Ngọc Linh có 37 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 270 học sinh, trong đó có 150 em thuộc diện bán trú dân nuôi theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ. |
Ở vùng này, học sinh rời bản đến trường là một “kỳ tích” mà chính người thân của các em cũng tự hào. Như cô bé Hồ Thị Hiền (học sinh lớp 5/1), nhà ở tận nóc Măng Lùng, cách trường hàng chục cây số đường rừng nhưng vẫn “chịu” đi học. Bởi “ở đây tốt hơn ở nhà, cái chi cũng có thầy cô lo hết” như lời tâm sự của cô bé. Mà theo Hiền, có khi ở nhà còn thua thiệt hơn ở trường. Quanh năm, bốn mùa lúa rẫy, cái ăn được tính theo ngày. Chuyện con cái, nhiều khi các ông bố, bà mẹ cũng phó mặc cho… trời đất. Đến nhiều xã vùng sâu của huyện Nam Trà My, ở đâu tôi cũng nghe kể về chuyện thầy cô “kiêm” một lúc rất nhiều công việc. Ngoài nhiệm vụ chính của nghề giáo, có những nhiệm vụ hay được gọi là “làm công tác dân vận”. Nhờ “dân vận” nên rất nhiều học sinh trở lại trường học tập. Một đồng nghiệp ở Đài Phát thanh - truyền hình huyện Nam Trà My nói rằng, ở vùng cao này, nếu gọi thầy cô là “cha mẹ” thì cũng không có gì sai nghĩa, ở một khía cạnh khác…
Mái nhà chung
Gần 20 năm trong nghề cũng là chừng ấy năm thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng gắn bó với núi rừng Nam Trà My. Vui có, buồn có. Cuộc sống cứ thế qua đi, nhưng tình thương của người thầy dành cho lũ trẻ ở vùng núi Ngọc Linh này quả thực “chẳng nơi nào có được”. Cái duyên bám lấy cái tình, riết rồi cũng quen. Con đường rừng hàng chục cây số, vắt bu đầy chân nhưng cuộc hành trình “cõng” chữ lên non vẫn được tiếp nối. Bây giờ, mới qua tuổi bốn mươi, trên mái tóc của thầy Hùng đã xuất hiện lốm đốm những sợi bạc như màu sương của núi. Đến cái chức danh Hiệu trưởng với thầy cũng chỉ… trên giấy tờ. Bởi sống với đồng bào vùng cao này, hơn ai hết, thầy Hùng hiểu rõ “cái bụng” của đồng bào nghĩ gì và ứng xử ra sao. Sự gần gũi, nhiệt tình của thầy hiệu trưởng đã khiến dân làng tin tưởng…
Ở Trường Tiểu học Ngọc Linh, câu chuyện về những người cô, người thầy đã thực sự vượt ngoài tưởng tượng của tôi. Một chút khác biệt, một chút lạ lùng nhưng lại có quá nhiều ấn tượng. Và, câu chuyện về tình nghĩa của thầy trò vùng cao ở “mái nhà chung” trên đỉnh Ngọc Linh thật quá cảm động. |
Tiếng kẻng báo hiệu đến giờ ăn trưa đã vang. Hơn trăm rưỡi học sinh cùng các thầy cô và nhân viên cấp dưỡng cùng nhau thực hiện việc phân cơm, dọn thức ăn trên những chiếc bàn tròn đặt ở nhà bếp. Xong, cả thầy trò cùng ngồi ăn chung. Cái khoảng cách giữa thầy và trò biến mất. Như một sự sắp đặt, mái trường trở thành mái nhà chung, thầy trò thành gia đình, thành cha mẹ - con cái, khiến chúng tôi cảm động. Bữa cơm chỉ có vài lát cá, đĩa rau rừng cùng nồi canh bí vừa được “anh nuôi” Hồ Văn Tiến hái về, dù khá đạm bạc nhưng cũng đủ làm ấm lòng thầy trò trên đỉnh Ngọc Linh. Tôi chú ý đến cô bé Hồ Thị Hảo (lớp 5) tự tay đút cơm cho đứa em Hồ Văn Nam chỉ mới 2 tuổi. Nam không phải là học sinh của trường, theo chị xuống trường “ở tạm” đã được hơn tuần lễ. Bố mẹ đều lên rẫy, ở nhà không có người trông, Nam là trường hợp thứ 2 xuống trường cùng chị và được nhà trường nhận cưu mang. “Thỉnh thoảng, cha mẹ các em đến thăm con cũng ở lại ăn nghỉ luôn tại trường. Người nhường nhau ít, rứa mà vui” - thầy Hùng chia sẻ.
Trưa. Sau bữa cơm, các em tự giác giúp thầy cô dọn dẹp nhà bếp, rửa xoong nồi, rồi về phòng nghỉ ngơi. Phía sân, một vài học sinh nam cùng nhau vui đùa. Thầy Hùng đến chỗ học sinh của mình “mắng yêu” bằng vài tiếng Xê Đăng bản địa. Học sinh nghe lời trở về phòng ngủ trưa. Tiếng địa phương trở thành ngôn ngữ mà các thầy cô giáo ở đây phải tự học để giao tiếp với học trò của mình ở “mái nhà chung”.
LĂNG A CÚI