Niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam
Sau khi những phần tử gây rối với một số doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, nhiều tờ báo quốc tế uy tín khẳng định, bức tranh đầu tư tại Việt Nam tiếp tục ổn định và an toàn.
Các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin và lạc quan khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. |
Bài báo được đăng tải mới đây trên Reuters khẳng định, các doanh nghiệp nước ngoài duy trì niềm tin ở mức cao với những cam kết chắc chắn về môi trường đầu tư của Việt Nam. Những năm gần đây, các công ty nước ngoài quay sang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam bởi “Việt Nam là một trong những nơi hấp dẫn nhất để đặt nhà máy, mức lương cạnh tranh cộng với nguồn lao động dồi dào, có kỹ năng mà không phải thị trường nào trong khu vực cũng có”- Reuters trích lời của ông Jerry Shum, người phát ngôn của Nhà máy công nghiệp Yue Yeun có vốn đầu tư 5 tỷ USD tại Việt Nam. Ông Jerry Shum cho biết, hiện nhà máy đã trở lại hoạt động bình thường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 23.5 có bài viết trên blog thuộc trang thông tin chính thức của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết, tính đến tháng 4.2014, tổng số dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam là trên 16.300 dự án, với tổng vốn đầu tư thực tế khoảng 238 tỷ USD. Đã có khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư, và trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam. Năm 2013, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 22 tỷ USD, tăng trên 35% so với năm 2012. Những con số trên đã minh chứng Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. |
Ông Willy Lin, Phó Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Hồng Kông, chia sẻ: “Việt Nam đã thật sự trở thành một điểm đến của các nhà sản xuất, các công nhân tại đây rất tuyệt”. Hiện có khoảng 200 khu công nghiệp, đóng vai trò mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế Việt Nam. Ước tính các khu công nghiệp đóng góp 30% vào kim ngạch xuất khẩu và thu hút 110 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Reuters khẳng định, lãnh đạo nhiều công ty của Đài Loan, Singapore, Hồng Kông đang làm ăn tại Việt Nam như Tập đoàn công nghiệp Hon Hai (Đài Loan), nhà máy sợi Texhong của Hồng Kông, Tập đoàn Keppel (Singapore)…đều cho biết họ không hề rút khỏi Việt Nam như đồn đoán và chiến lược đầu tư của họ tại Việt Nam vẫn không thay đổi, kể cả đầu tư dài lâu. Một trong những công ty thiệt hại nặng nhất sau vụ gây rối là Formosa Plastics Group (Đài Loan), cho biết công ty hoạt động trở lại bình thường, nhất là nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất tích cực từ Chính phủ Việt Nam.
Cũng vậy, một bài báo khác được đăng trên Tạp chí Bloomberg (Mỹ) nhấn mạnh, ngay sau vụ gây rối, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có ngay những chỉ đạo mạnh mẽ và hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động nước ngoài bị ảnh hưởng như miễn giảm thuế đất, thuế xuất nhập khẩu, hỗ trợ vốn vay, đưa thiệt hại của doanh nghiệp vào phạm vi bảo hiểm và ứng trước tiền bồi thường…“Kinh tế Việt Nam sẽ còn đi lên và đi lên một cách ổn định”- Samir Shah, Giám đốc đầu tư Advance Emerging Capital có trụ sở ở London nói.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn bày tỏ một bức tranh kinh tế lạc quan đang ổn định với lạm phát thấp, nợ xấu ngân hàng đang được xử lý, xuất khẩu sẽ thuận lợi khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương được ký kết, niềm tin đầu tư được củng cố...
KIM OANH