Âm vang chiến thắng

KIẾN TÂN 26/05/2014 09:13

Đã 49 năm trôi qua, vẫn còn đâu đây âm vang Chiến thắng Núi Thành (26.5) - trận đầu đánh Mỹ, đòn phủ đầu choáng váng đối với quân Mỹ khi mới chân ướt, chân ráo nhảy vào tham chiến trên chiến trường miền Nam.

Sâu khấu hóa tái hiện Chiến thắng Núi Thành năm xưa.
Sâu khấu hóa tái hiện Chiến thắng Núi Thành năm xưa.

Quyết tâm...

Trước nguy cơ sụp đổ của chế độ tay sai bù nhìn, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ đã vội vã đưa quân viễn chinh nhảy vào miền Nam Việt Nam nhằm cứu vãn tình thế. Đây chính là hành động phiêu lưu quân sự, là sự bị động về chiến lược, như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “... việc Mỹ gấp rút đưa lực lượng lớn của quân viễn chinh Mỹ vào chiến trường Nam Việt Nam là cấp cứu không được chuẩn bị, là hành động bị động về chiến lược hòng cứu vãn tình thế ngày càng nguy khốn của tay sai...”.

Ngày 8.3.1965, đơn vị Thủy quân lục chiến (Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 9) đầu tiên đổ bộ lên cửa biển Đà Nẵng, đánh dấu cho sự có mặt chính thức của quân đội Mỹ trên chiến trường Nam Việt Nam. Ngày 7.5.1965, Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến Mỹ đến đóng ở Chu Lai. Ngày 17.5.1965, quân Mỹ đưa một đại đội đến đóng ở Núi Thành. Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành nơi đầu sóng ngọn gió của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lúc này, vấn đề nóng bỏng và bức thiết nhất được đặt ra là: quân và dân ta liệu có khả năng đánh được quân viễn chinh Mỹ không? Đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cách nào? Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam hạ quyết tâm: “Chưa giải phóng miền Nam thì còn đánh, chiến tranh gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu cũng đánh và lâu dài bao nhiêu cũng đánh. Chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ trước tiên bằng 3 chân 2 mũi để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền Nam và góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”. Quán triệt nhiệm vụ trên giao, Tỉnh đội Quảng Nam đã chọn mục tiêu tiến công là đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ chốt giữ Núi Thành.

Núi Thành tên của một cụm đồi trong dãy đồi đá trọc, đó là một địa bàn chiến lược quân sự, nằm ở xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành (trước là huyện Tam Kỳ), ở về phía tây nam của Quảng Nam. Với chiều dài khoảng 1.200m, rộng khoảng 600m và cao 50m, chia làm 2 mỏm đồi nối liền nhau (đồi 49 và đồi 50). Giữa 2 mỏm là khu Yên Ngựa dài 200m. Núi Thành có vị trí trống trải, thuận lợi cho việc ngự án, quan sát bảo vệ căn cứ Chu Lai và khống chế các vùng giải phóng phía tây nam (Kỳ Sanh, Kỳ Trà...), kiểm soát tới vùng biển Kỳ Hà. Vì thế Mỹ chọn đây làm nơi đóng quân. Tại Núi Thành, địch bố trí một đại đội Mỹ, khoảng gần 200 tên; vũ khí trang bị gồm súng cối 81 ly, DKZ 75 ly, đại liên và một số vũ khí cá nhân khác; thiết lập khu công sự kiên cố, có hầm ngầm, giao thông hào và những hàng rào thép gai bao bọc. Mọi sinh hoạt từ cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đến vũ khí, trang bị..., chúng đều dựa vào máy bay trực thăng.

...và chiến thắng

Nhận lãnh trách nhiệm được giao thật là một vinh dự lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra cho Tỉnh đội Quảng Nam trách nhiệm nặng nề và khó khăn. Bởi, Núi Thành là một địa bàn hiểm trở, gần khu quân sự Chu Lai, sự chi viện của Mỹ rất hiệu quả. Hơn nữa đây là lần đầu tiên đánh Mỹ, đòi hỏi Tỉnh đội Quảng Nam phải có một phương án tác chiến tối ưu để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất nếu có, khi tấn công vào cứ điểm quan trọng này.

Sau khi quán triệt tư tưởng trong toàn quân và cân nhắc kỹ lưỡng, Tỉnh đội Quảng Nam quyết định chọn Tiểu đoàn 70, cụ thể là Đại đội 2 (với sự hỗ trợ của phân đội Đặc công V16) nhận nhiệm vụ tổ chức điều nghiên về việc bố trí binh lính, hỏa lực, công sự, vị trí chỉ huy quy luật hoạt động, vật cản đường cơ động, giờ giấc canh phòng... của địch. Công việc điều nghiên hoàn tất, ngày 25.5.1965 Ban chỉ huy Đại đội 2 xác định quyết tâm và lên phương án tác chiến cụ thể, trình lên tiểu đoàn và được cấp trên chuẩn y. Đúng 18 giờ ngày 25.5.1965, được lệnh xuất quân, dựa vào địa hình che khuất, quân ta bí mật di chuyển theo triền núi, bám sát mục tiêu. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, các mũi tiến công của ta đều đưa lực lượng vào bên trong an toàn, sẵn sàng chờ lệnh tấn công.

Đúng giờ G - 0 giờ 30 phút ngày 26.5.1965, mũi xung kích của ta nổ thủ pháo đầu tiên, báo hiệu cho trận đánh bắt đầu. Các mũi, các hướng đồng loạt nổ súng, tấn công đánh phủ đầu, xông lên diệt địch với phương châm: thọc sâu, bao vây, chia cắt;  từng tổ 3 đồng chí phát triển theo đội hình chữ A xốc tới, dùng thủ pháo triệt phá công sự, tiến chiếm từng mục tiêu, diệt từng hỏa điểm của địch. Khoảnh khắc ta đã phá được vòng ngoài, đội hình xông lên phía trước, nơi trú đóng của Ban chỉ huy Đại đội Mỹ, quyết không để địch kịp thời đối phó.

Lúc này, mũi thứ yếu ở phía tây đồi 50 gặp phải địa hình dốc cao, hỏa lực địch mạnh, nhưng các chiến sĩ của ta đã dũng cảm dùng lựu đạn và thủ pháo ném vào, rồi xông lên giáp chiến với địch. Sau 20 phút chiến đấu ác liệt, ta đã làm chủ hoàn toàn mỏm đồi này.

Cùng lúc, ở phía mỏm đồi 49, chiến sĩ ta từ phía đông bắc vòng qua sườn bắc đến phía tây đồi và sau 25 phút giao tranh, đồi 49 đã thuộc về ta, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” được cắm lên trên đỉnh Núi Thành, báo tin vui cho trận đầu thắng Mỹ của quân dân Quảng Nam.

Chiến công ấy không chỉ thuộc về những chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 anh hùng, mà cho tất cả Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam, điều ấy đã được Đảng và Bác Hồ khẳng định bằng việc khen tặng cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam tám chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

KIẾN TÂN

KIẾN TÂN