Hội thảo đánh giá chặng đường 10 năm Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
(QNO)- Định hướng phát triển và tìm ra giải pháp bảo tồn bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là chủ đề chính của Hội thảo đánh giá “Chặng đường phát triển 10 năm Khu bảo tồn biển và thăm khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm” vừa diễn ra sáng 23.5 tại Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An), do UBND TP.Hội An và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: MINH HẢI |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, qua 10 năm kể từ ngày Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thành lập (tháng 10.2003) và nhất là 5 năm kể từ ngày được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26.5.2009) đánh dấu một mốc son quan trọng của thành phố, mở ra giai đoạn mới trong việc bảo tồn sự đa dạng sinh học nơi đây, biến các hoạt động từ khai thác tự phát sang khai thác theo sự quản lý chuyên môn, góp phần bảo tồn vững chắc các nguồn lợi thủy hải sản, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Cù Lao Chàm vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như chưa có điện lưới quốc gia; công việc quan trắc chất lượng môi trường phục vụ cho quản lý chưa được xây dựng bài bản; năng lực tổ chức, phục vụ khách du lịch của cộng đồng còn thiếu tính liên kết.
Du khách đến Cù Lao Chàm. |
Theo ông Ngô Văn Hùng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, để quản lý và phát huy tốt giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cần tập trung vào 4 vấn đề: nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn biển đảo; cộng đồng tham gia quản lý bảo tồn Cù Lao Chàm; phối kết hợp quản lý liên ngành giữa các cơ quan chính quyền tại Cù Lao Chàm và định hướng quản lý bền vững Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhằm hướng đến nâng tầm khu dự trữ này lên vị trí cao hơn trong những năm đến.
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban quốc gia “Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam” cho rằng, Khu dự trữ sinh quyển không phải là “hòn đảo” trơ trọi giữa những tác động nhiều mặt của con người mà đó là “nhà hát” thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, mang kiến thức của quá khứ phục vụ cho tương lai, nên thể hiện rất nhiều chức năng so với khu bảo vệ, khu bảo tồn thiên nhiên thông thường. “Không riêng gì Cù Lao Chàm mà ở tất cả các Khu dự trữ sinh quyển đều đang thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, người dân địa phương tự hào và nhận thức được trách nhiệm đối với danh hiệu đó. Nhưng để quá trình hội nhập mang lại hiệu quả không chỉ có giá trị quốc gia, quốc tế mà trước hết phải mang lại lợi ích cho từng người dân địa phương, khi đó quá trình bảo tồn phát triển mới bền vững”, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí cảnh báo.
Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An có tổng diện tích 33.146ha, dân số khoảng 84 nghìn người, được phân chia thành 3 vùng chức năng bao gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Trong đó, vùng lõi Cù Lao Chàm là một cụm đảo gồm 8 đảo nhỏ là Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông với diện tích khoảng 2471ha, dân số khoảng 2,5 nghìn người.
VĨNH LỘC – MINH HẢI