Ngang nhiên bán cát
Dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, nhưng hơn một năm nay, UBND xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên) đã giao khoán cho một nhóm hộ khai thác cát dưới lòng sông…
Xúc cát lên xe tải ben BKS 92H - 1326 vào chiều 24.4. Ảnh: Mai Nhi |
Khai thác ào ạt
Qua phản ánh của người dân, 15 giờ chiều 24.4 chúng tôi có mặt tại bờ bắc sông Bà Rén, thuộc địa phận đội 6, thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên. Theo quan sát, cách bờ chừng 25m có 3 máy hút cát đang hoạt động. Khoảng 30 phút sau, xe tải ben BKS 92K - 8562 chạy vào bãi, lập tức nhiều nhân công dùng xẻng xúc cát đưa lên thùng. Thùng đầy cát, chiếc xe này nhanh chóng rời bãi, nhường chỗ cho các xe ben 92H - 0516 và 92H - 1326 đang chờ sẵn... Cứ thế, 3 chiếc xe này luân phiên vào chuyển cát.
Ông Lê Trung Tùng - người dân địa phương cho biết, việc khai thác cát này diễn ra từ đầu năm 2013 đến nay. Mỗi ngày, 3 chiếc xe ben trên vận chuyển khoảng 20 chuyến (khoảng 90 khối cát). Ông Tùng nói: “Thời gian qua, họ khai thác liên tục. Vì lòng sông bị rút ruột nên dòng chảy thay đổi dẫn đến bờ sông sạt lở nghiêm trọng, nếu tình trạng này cứ kéo dài thì những cây trụ điện cao thế đưa điện từ bên này qua bên kia sông sẽ bị đe dọa. Cũng do các xe tải chở cát chạy liên tục khiến đường sá bị hư hỏng”. Cũng theo ông Tùng, trước tình trạng đó, nhân dân trong vùng nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng hoạt động khai thác cát tại khu vực trên vẫn diễn ra. Ông Tùng bức xúc nói: “Cách đây mấy ngày, họ đưa máy vào sát bờ sông hút cát, tôi trực tiếp lên trụ sở UBND xã rồi gọi điện cho những người có trách nhiệm ở xã để phản ánh thì được bảo rằng, việc khai thác này là nhằm khai thông dòng chảy của con sông chứ chẳng hề hấn gì. Giải thích kiểu đó thật quá vô lý, bởi có ai khai thông dòng chảy mà lại đi hút cát ở phía bờ sông hằng năm bị sạt lở vào trong 5 - 6m”.
Xã thu tiền
Chiều 24.4, làm việc với chúng tôi, ông Trần Thanh Thư - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành thừa nhận, hoạt động khai thác cát tại khu vực trên diễn ra từ tháng 2.2013 đến nay và riêng năm ngoái đã khai thác khoảng 5 nghìn khối cát. Theo ông Thư, hơn một năm qua xã giao khoán việc khai thác cát này cho nhóm hộ gồm các ông Dương Văn Chương, Thái Quân, Đoàn Ngọc Dũng đều trú thôn An Lạc, xã Duy Thành. Ông Thư nói: “Xã đồng ý cho 3 người đó khai thác cát và hằng tháng phải nộp cho xã 10 triệu đồng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sửa chữa tài sản công”.
Khi được hỏi căn cứ vào đâu xã cho phép nhóm hộ đó khai thác cát trong suốt thời gian dài, ông Thư nói rằng thực hiện theo Quyết định số 144/QĐ-UBND (ngày 10.1.2011) của UBND tỉnh. Tuy nhiên, đọc đi đọc lại 9 trang của quyết định này, chúng tôi chẳng thấy dòng nào cho phép cấp xã khai thác cát. Đây là quyết định phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng tới năm 2025 (ngoài các khu vực quy hoạch khoáng sản chung cả nước đã được công bố). Cần nói thêm, trong quyết định vừa nêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu UBND các huyện, thành phố phải chấp hành nghiêm túc việc quản lý hoạt động khoáng sản theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Bờ sông tại khu vực hút cát bị sạt lở nặng. |
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Quảng Nam vào chiều 24.4, ông Lê Trung Thành - cán bộ địa chính và xây dựng của xã Duy Thành còn đưa ra Công văn số 2684/UBND-KTN (ngày 28.7.2011) của UBND tỉnh về việc quản lý hoạt động khai thác cát sỏi phục vụ chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương. Theo ông Thành, chiếu theo công văn ấy, hàng năm xã được phép khai thác không quá 5 nghìn khối cát để làm đường giao thông và bê tông kênh mương.
Bán trái phép?
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào chiều 26.4, ông Nguyễn Thế Hởi - Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Duy Xuyên khẳng định: “Từ đầu năm 2013 đến nay, UBND huyện không hề cho phép xã Duy Thành khai thác cát dưới lòng sông, dù là để phục vụ chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương vì chính quyền địa phương không gửi hồ sơ xin cấp phép như quy định”. |
Trong Công văn số 2684/UBND-KTN của UBND tỉnh có quy định rõ: đối với những thôn, xã, phường, thị trấn có nguồn cát sỏi tại chỗ, nếu có nhu cầu khai thác để phục vụ chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương thì gửi hồ sơ (gồm đơn đề nghị cho phép khai thác, phương án khai thác và văn bản phân bổ vốn hỗ trợ của huyện, tỉnh cũng như kế hoạch thực hiện chương trình) đến UBND huyện, thành phố thông qua Phòng Tài nguyên và môi trường (TN-MT). Nhưng khi chúng tôi hỏi ông Thành về hồ sơ xin khai thác cát, ông Thành nói, năm 2013 xã không làm phương án gửi lên huyện. Ngày 19.3 vừa qua UBND xã mới có phương án trình lên Phòng TN-MT nhưng đến nay UBND huyện vẫn chưa có văn bản trả lời cho phép hay không cho phép.
UBND huyện chưa cho phép nhưng mấy tháng đầu năm nay UBND xã Duy Thành vẫn tiếp tục cho nhóm hộ trên khai thác cát để thu mỗi tháng 10 triệu đồng. Và, có một nghịch lý là, nếu chính quyền địa phương lấy cát dưới sông để phục vụ chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương thì lẽ ra xã phải trả tiền công cho nhóm hộ nhận khai thác ấy chứ sao lại thu của họ mỗi tháng 10 triệu đồng? Cần nói thêm, giả sử UBND xã được phép bán cát cho nhóm hộ này để tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương thì xem ra cái giá bán 10 triệu đồng/tháng ấy quá ư là bèo. Bởi, như đã đề cập ở phần trên, bình quân mỗi ngày nhóm hộ này khai thác và đưa đi tiêu thụ 90 khối cát. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay một khối cát bán 60 nghìn đồng thì tổng số tiền họ thu về trong ngày là 5,4 triệu đồng, quy ra mỗi tháng nhóm hộ đó thu về khoảng 162 triệu đồng. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu ngoài số tiền thu mỗi tháng 10 triệu đồng nộp vào ngân sách xã, có còn khoản nào được nhóm hộ khai thác cát “đóng” ngoài nguồn thu ngân sách?
MAI NHI