Làng Hy vọng Đà Nẵng: Mái ấm của trẻ mồ côi

CHÂU NỮ 25/04/2014 09:46

Với nhiều trẻ em bất hạnh, Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn Đà Nẵng (còn gọi Làng Hy vọng Đà Nẵng) là ngôi nhà chung khi các em được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và lớn lên tại đây…

Ngôi nhà chung

Làng Hy vọng Đà Nẵng đang nuôi dưỡng 120 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Nam và Đà Nẵng, trong đó có 65 em đến từ Quảng Nam, nhiều nhất là các huyện Đại Lộc, Thăng Bình. Các em ở đây chủ yếu là con mồ côi cả cha lẫn mẹ (40 em), con gia đình khó khăn (13 em) và khiếm thính (12 em). Thầy giáo Nguyễn Viết Thanh - Phó Giám đốc Làng Hy vọng cho biết, từ khi thành lập (năm 1993) đến nay, số lượng trẻ em quê Quảng Nam ở làng luôn nhiều hơn trẻ em Đà Nẵng, ngay cả khi đã chia tách tỉnh. Quảng Nam có nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn ở Đà Nẵng, nên mùa tuyển sinh nào, lãnh đạo làng cũng ưu tiên cho học sinh Quảng Nam.

Em Nguyễn Thị An đang học tập ở Làng Hy vọng Đà Nẵng.
Em Nguyễn Thị An đang học tập ở Làng Hy vọng Đà Nẵng.

Các em xem Làng Hy vọng là ngôi nhà chung của mình. Ngược lại, các thầy cô giáo và các mẹ (người chăm sóc các em), cũng xem các em như con. Thầy Thanh nhớ rõ hoàn cảnh từng em một, vì em nào cũng đáng thương và để lại ấn tượng sâu đậm trong những lần tuyển sinh. Này là trường hợp 2 chị em song sinh Nguyễn Thị An, Nguyễn Văn Châu (SN 2004) ở Điện Hồng (Điện Bàn). Mẹ mất, cha bỏ đi, 2 em ở với bà ngoại ngoài 85 tuổi. Năm 2011, khi các em đang học lớp 2, bà ngoại làm đơn gửi các em vào Làng Hy vọng. Đến nay An và Châu đã học lớp 4 và đều là học sinh giỏi. Bà ngoại các em cũng vừa qua đời. Hay như trường hợp của em Huỳnh Thị Bạn, (SN 2006) ở Duy Trung, Duy Xuyên cũng mồ côi cha mẹ và được người thân gửi vào Làng Hy vọng. Bạn hồn nhiên bảo: “Ở đây con được các mẹ chăm sóc, các thầy cô dạy dỗ, được đi học nên con thấy rất vui và ít nhớ nhà”. Các em đều có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh nên các thầy cô và các mẹ dành nhiều tình yêu thương cho các em, chăm sóc chu đáo để sưởi ấm trái tim và bù đắp phần nào thiệt thòi cho các em…

Lớn lên từ Làng

Tùy khả năng, sở trường của từng em mà nhà trường tạo điều kiện cho các em học văn hóa hoặc học nghề phù hợp như may, thêu, mộc... Điều đáng mừng là từ mái ấm Làng Hy vọng, một số đã đi du học, nhiều em đã lập gia đình, có việc làm ổn định. Như Trần Văn Nhỏ (SN 1981, quê Điện Bàn), Lê Ngọc Chẩn  (SN 1983, quê Đại Lộc). Cả Nhỏ và Chẩn đều bị câm điếc. Nhỏ là con ngoài giá thú, mồ côi mẹ, và được gửi vào làng từ năm 1997. Dù đã có gia đình riêng nhưng Nhỏ và Chẩn vẫn gắn bó với làng và thường xuyên trở lại làng dạy nghề mộc mỹ nghệ cho các em đồng cảnh ngộ với mình trước đây. Nguyễn Hữu Công (SN 1981, quê Điện Thắng, Điện Bàn) mồ côi cha mẹ, nay đã học thành tài, có việc làm ổn định ở sân bay Đà Nẵng và hàng ngày Công vẫn dạy kèm lớp 12 cho các em ở làng.

Tuy số phận kém may mắn, hoặc sinh ra trong gia đình nghèo khó, hoặc bị khuyết tật nhưng nhiều học sinh xứ Quảng ở Làng Hy vọng đã biết vượt qua mặc cảm và nghịch cảnh để nuôi dưỡng hy vọng và vươn lên. Em Nguyễn Tấn Thái ở Bình Minh (Thăng Bình), vào làng năm 2011, nay đang học tiểu học và em học môn tin học rất giỏi, đạt nhiều thành tích ở môn này. Nhiều em học Thăng Bình bị mất cha mẹ trong cơn bão Chanchu (năm 2006) được đón về làng đã chăm chỉ học tập, đạt thành tích tốt, là niềm tự hào các thầy và trò Làng Hy vọng như các em Bin, Sáu, Ly, Thanh... Em Võ Thị Bin (Bình Minh, Thăng Bình) đang học lớp 12 Trường THPT Thái Phiên. Nhiều năm liền Bin là học sinh giỏi. Năm lớp 9 em đoạt giải Nhì môn Văn cấp thành phố. Mới đây, em Bin được nhận học bổng là một suất học tiếng Anh của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng và em vừa hoàn thành khóa học vào tháng 3 năm nay. Bin tâm sự, nhờ sự quan tâm, chăm sóc của các thầy cô và các mẹ hơn 8 năm qua mà em mới có được như hôm nay. Bin dự định sẽ thi đại học ngoại ngữ ngành du lịch theo đúng sở trường của mình và em cũng mong rằng sau này sẽ có cơ hội giúp đỡ các em ở Làng Hy vọng...

Các em ở Làng Hy vọng sống với nhau như trong một gia đình. Mỗi một phòng có khoảng 10 em, trong đó 1 em được bầu là gia đình trưởng. Gia đình trưởng quán xuyến việc học tập, sinh hoạt, phân công công việc phù hợp độ tuổi. Có em quét dọn, lau chùi, có em rửa chén, nhặt rác. Các em yêu thương nhau như anh em một nhà. Từ “ngôi nhà hy vọng” này, các em đã được yêu thương và trưởng thành. Và cũng chính nhờ sự yêu thương đó mà các em dù đi đâu, ở đâu, nếu có dịp, vẫn quay trở lại ngôi nhà của mình để tiếp tục san sẻ yêu thương...

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ