Hiểm họa từ những cây cầu

NGUYỄN DƯƠNG 27/03/2014 08:57

Biết tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào nhưng hàng ngày người dân đành phải đi lại trên những cây cầu xuống cấp nghiêm trọng. Trên địa bàn huyện Phước Sơn, hiện vẫn tồn tại nhiều cây cầu ẩn chứa hiểm họa như thế.

Cây cầu ở thôn 3, xã Phước Hiệp bị sạt lở nặng ở 2 đầu cầu.
Cây cầu ở thôn 3, xã Phước Hiệp bị sạt lở nặng ở 2 đầu cầu.

Cầu xây sạt lở

Vừa mới xây trong mùa mưa năm ngoái nhưng cầu dân sinh thủy điện Đăk Mi 4 tại xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Theo người dân thôn 3 (xã Phước Hiệp), các đợt mưa lũ vừa qua do thủy điện xả nước quá lớn đã cuốn bay các mảng bê tông hai bên cầu. Dần dần hai đầu cầu bị sạt lở ngày càng rộng và ăn sâu vào bên trong. Theo ghi nhận của chúng tôi, cây cầu này có chiều dài 64m, rộng 3,9m bắc qua sông Trường. Ở phía hai đầu cầu, những mảng bê tông đã bị nước đánh vỡ, trôi xuống sông. Có những nơi lộ cả thanh chống, đất bị khoét sâu vào bên trong mố cầu. “Nhìn thấy càng ngày cầu càng bị ăn sâu vào hai bờ vai đập ai cũng lo, nhất là mỗi khi xe chở keo, hàng nông sản đi qua đây. Nhưng biết làm sao được, đây là chiếc cầu duy nhất để chúng tôi qua bờ sông bên kia” -  một người dân lo ngại.

Theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phước Sơn, toàn huyện có 19 cầu treo được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của phần lớn người dân Bhnoong ở 5 xã vùng cao trong huyện. Tuy nhiên, phần lớn các cầu treo đều không có biển báo hiệu về tải trọng, tuổi thọ.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Xinh - Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, cây cầu này do thủy điện Đăk Mi 4 đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng vào khoảng tháng 7.2013. Công trình nối trung tâm xã Phước Hiệp qua các thôn 4 và 7, phục vụ cho khoảng 300 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu. Ngoài ra rất nhiều hộ dân có đất sản xuất bên kia sông hàng ngày vẫn lưu thông qua cây cầu này. Trong các đợt lũ lụt cuối năm 2013, do nước xả lũ từ thủy điện đổ về quá lớn đã làm hư hỏng hai bên mố cầu. Chính quyền xã đã phản ánh lên cấp trên yêu cầu thủy điện khắc phục để tránh nguy hiểm cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó ban Phòng chống lụt bão huyện Phước Sơn cho biết, chính quyền địa phương đã nghe kiến nghị về tình trạng này, huyện đã yêu cầu Ban quản lý thủy điện Đăk Mi 4 tiến hành sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị thủy điện nhanh chóng khắc phục hậu quả trước mùa mưa lũ để tránh nguy hiểm cho người dân” - ông Phiếm nói.

Lơ lửng cầu treo

Tại Phước Sơn, lâu nay người dân vẫn đi lại trên những chiếc cầu treo bắc qua sông mà không để ý đến chuyện nó có còn đảm bảo chất lượng hay không, chỉ khi vụ sập cầu treo ở bản Chu Val (Lai Châu) xảy ra thì mới giật mình nhìn lại.

Cầu treo ở thôn 3 xã Phước Thành bị lũ cuốn một đầu cầu. Người dân phải dùng ván để làm tạm đường đi.
Cầu treo ở thôn 3 xã Phước Thành bị lũ cuốn một đầu cầu. Người dân phải dùng ván để làm tạm đường đi.

Chúng tôi có mặt tại cầu treo thôn Trà Văn A (xã Phước Kim) vào một buổi trưa nắng cháy. Các học sinh tiểu học ở đây vẫn hồn nhiên nô đùa trên những thanh gỗ đã mục của cây cầu. Cây cầu có chiều dài 45m, tải trọng 100kg/m2  được đưa vào sử dụng từ tháng 8.2008 với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Theo chị Hồ Thị Dum (thôn Trà Văn A, xã Phước Kim), những thanh gỗ lót cầu đã mục, đa số được người dân tự thay thế bằng những loại gỗ tạp để đi tạm. Mỗi lần có người đi qua, cây cầu lại đưa như võng ở trên dòng suối trơ đá. “Mới đây thôi, khoảng tháng 2.2014, thằng Tuấn (cháu Hồ Văn Tuấn, 3 tuổi - PV) đang chơi ở trên cầu cùng mấy đứa nhỏ, không may gặp tấm gỗ mục, lọt chân rơi xuống suối cạn ở độ cao hơn 5m. May là nó không bị gì nhưng ai cũng thấy sợ…” - chị Dum cho biết.

Dẫn chúng tôi đến cầu treo thôn 3 (xã Phước Thành), ông Hồ Văn Phen - Chủ tịch UBND xã Phước Thành chỉ tay vào một bên cầu đã sạt lở nghiêm trọng, nói: “Mưa lũ trong năm 2013 đã làm xói lở hết một mảng cầu. Người dân thấy thế liền lấy ván, tre đóng ghép vào phần đã bị lũ cuốn trôi để đi lại. Chúng tôi đã kiến nghị với huyện tiến hành sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục.. ”. Cây cầu này có chiều dài 33m, chịu tải trọng 4,3 - 4,5 tấn, được đưa vào sử dụng từ năm 2011. Từ mùa mưa lũ năm 2013, một bên mố cầu đã bị sụt lún, xói lở nghiêm trọng. “Giờ chỉ dám đi từng người một qua cầu thôi, không dám đi nhiều. Chỉ mong Nhà nước nhanh sửa cầu để bà con yên tâm đi lại…” - ông Hồ Văn Tép (thôn 3, xã Phước Thành) nói.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG