Đừng quên "tiếng nước tôi"

KHẢI PHONG 17/03/2014 09:56

Từ “Hêlô” của Joe

Ở siêu thị, trong khi chờ vợ mua sắm, tôi đến gian hàng sách, giở một cuốn, đọc, và giật mình trước ý kiến này của Joe Ruelle (tên tiếng Việt còn gọi là Dâu - NV). Joe kể hay đi nhiều nước châu Á. “Ở Nhật, nhân viên phục vụ luôn cúi đầu và chào khách hàng bằng “Konichiwa”… Ở Lào, nhân viên chào khách bằng “Sabaidee”… Ở Thái, nơi trình độ tiếng Anh của dân rất cao, nhân viên vẫn chắp hai tay vào nhau chào khách “Sawadee-Kaa (hoặc Sawadee-Krap nếu nhân viên là nam). Ở Trung Quốc thì “Ni-hao”, ở Hàn Quốc thì “An nyeong ha say yo”, ở Campuchia thì “Choum-reap-sua”, ở Mông Cổ thì “Sain-bain-uu”… (trang 72, Ngược chiều vun vút, NXB Hội Nhà Văn).

Người dân Bãi Hương (Cù Lao Chàm) chủ yếu bán hải sản cho khách Trung Quốc và nhận cả đồng Nhân dân tệ.  Ảnh: Ngọc Thảo
Người dân Bãi Hương (Cù Lao Chàm) chủ yếu bán hải sản cho khách Trung Quốc và nhận cả đồng Nhân dân tệ. Ảnh: Ngọc Thảo

Và Joe đặt câu hỏi: Vậy tại sao ở Việt Nam cứ khách Tây đến là “Hêlô! Hêlô!”. Câu chào của tiếng Việt nghe rất thanh lịch và tình cảm - kể cả khi khách không hiểu nghĩa. Tại sao không dùng nó?

Và những lời này Joe nói mới thật là gan ruột: Khách Tây bước vào cửa hàng tại Việt Nam nếu được chào bằng tiếng Việt thấy sướng tai lắm. Câu đó, nó lạ, nó hay, nó chính là lý do mình xách va li đi đến nơi xa. Trái lại, khách Tây bước vào cửa hàng tại Việt Nam và bị chào bằng “Hello”, từ hai âm tiết nghe hàng triệu lần tính từ lúc sinh ra, phải nói là hơi ngứa tai một chút…”.

Sự thật này có giáo trình nào dạy làm du lịch, làm hướng dẫn viên ở trong nước đề cập đến đâu. Cũng chẳng có công ty hay cơ quan của ta lưu ý. Việc nhỏ như một lời chào nhưng thể hiện một lỗ hổng không hề nhỏ trong cách làm du lịch của ta bấy lâu nay.

Đến “Mại lớ!”

Sự việc mà Joe nói có thể kiểm chứng ở nhiều nơi trên đất nước ta, kể cả ở Quảng Nam, địa phương luôn đặc biệt chú trọng về bảo tồn văn hóa truyền thống, kể cả trong kinh doanh du lịch. Ví dụ như tại Hội An.

Hội An có đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp) - nơi du lịch đang ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, năm 2013 đảo này đón 171.000 khách du lịch. Con số này đang tăng mỗi năm. Riêng 2 tháng đầu năm 2014 số lượng du khách đã cao hơn cùng kỳ 2013 đến 1.000 người. Khoảng một nửa khách ra đảo là người nước ngoài, trong đó chủ yếu là khách Trung Quốc. Đây là lý do để người dân ở đây ít dùng từ “Hêlô” mà dùng từ “Ni-hao”. Khách Trung Quốc khi ra Cù Lao Chàm chủ yếu đến bãi Hương để mua hải sản, tôm, cua, ghẹ…, và mua số lượng lớn. Chợ hải sản ở đây phần lớn bán cho khách Trung Quốc, vì thế mà có người gọi là “chợ Tàu”.

Ở đây, có một số bà con xài tiếng Hoa loạn xị, mà nhiều nhất là “Mại lớ! Mại lớ!” (Mua vô! Mua vô!). Không chỉ nói tiếng Hoa, bà con vô tư lấy tiền Nhân dân tệ từ khách và cho biết sẽ có người đổi ra tiền Việt với tỷ lệ hấp dẫn. Thậm chí có người Việt đến hỏi mua hải sản còn bị từ chối vì để bán cho khách Trung Quốc sẽ được nhiều tiền hơn. Có thể trường hợp này là cá biệt nhưng nó cũng làm giảm đi ít nhiều những thiện cảm mà “khách ta” dành cho bà con mình khi đến đây.

Mong rằng, bà con mình sống hồn nhiên, làm ăn hồn nhiên, giữ nét chân quê của người Quảng lâu nay, đừng thấy khách ngoại là quên mất “tiếng nước tôi” như nhạc sĩ Phạm Duy đã từng trân trọng đặt lời một tình ca.

KHẢI PHONG

KHẢI PHONG