Hội thảo "Định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An": Định hình "tam giác đô thị"
Ngày 15.3, tại Điện Bàn diễn ra hội thảo “Định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An” nhằm tìm ý tưởng, giải pháp tạo gắn kết giữa “đô thị mới” Điện Bàn với “đô thị trẻ” Đà Nẵng và “đô thị cổ” Hội An. Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn về những vấn đề liên quan đến sự kiện này.
Ông Lê Trí Thanh. |
- PV: Để tạo sự gắn kết với Đà Nẵng và Hội An, trước hết Điện Bàn phải nâng mình thành một đô thị xứng tầm. Xin ông cho biết một số điểm nhấn chính trong phát triển đô thị ở Điện Bàn thời gian qua?
- Ông Lê Trí Thanh: Bám sát nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy, công tác phát triển đô thị ở Điện Bàn thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2013, Điện Bàn là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.751 tỷ đồng (tăng 11,1% so với năm 2012), thu hút hơn 25 nghìn lao động, thương mại - dịch vụ đạt 1.876 tỷ đồng, thu ngân sách 715 tỷ đồng, vốn đầu tư xã hội 1.719 tỷ đồng; có hơn 50 dự án hoàn thành đầu tư xây dựng với diện tích hơn 600ha. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ (công nghiệp và xây dựng chiếm 74,76%). Về phát triển hạ tầng đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đô thị loại IV, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tiêu biểu như các Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (328 giường), Đa khoa Vĩnh Đức (120 giường) hay Trường Đại học Nội vụ miền Trung… Điện Bàn còn có các công trình dịch vụ mang tầm cỡ khu vực và quốc tế như khu resort The Nam Hải và sân golf Montgomerie Link được xếp hạng tốt nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á. Khu đô thị cũ được nâng cấp, cải tạo; các dự án khu dân cư, khu đô thị mới và các công trình trọng điểm đã, đang được xây dựng tạo điểm nhấn cho đô thị Điện Bàn.
Đoàn công tác liên ngành Trung ương tham quan mô hình Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: CÔNG TÚ |
Sự nỗ lực của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã có kết quả, khi ngày 10.3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định công nhận thị trấn Vĩnh Điện mở rộng (đô thị Điện Bàn) đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Văn bản số 1363/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý bổ sung đô thị Điện Bàn vào Danh mục nâng loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2012 - 2015 của Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020.
Thành quả này là cơ sở tiên quyết để chúng tôi quyết tâm xây dựng và bảo vệ thành công đề án thị xã Điện Bàn vào năm 2015.
- PV:Chặng đường phía trước không còn dài nhưng lại có lắm khó khăn. Để hội đủ điều kiện được công nhận thị xã vào năm 2015, “liên kết phát triển đô thị” là hướng đi Điện Bàn lựa chọn, thưa ông?
Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An” có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học uy tín như TS Trần Du Lịch, PGS-TS. Trần Đình Thiên, GS-TS. Lê Hồng Kế, TS-KTS. Trần Ngọc Chính, chuyên gia Phan Chánh Dương… Trong thời gian một ngày, các đại biểu sẽ hiến kế chung quanh các nội dung: nhận diện đô thị Điện Bàn - định hướng và giải pháp đầu tư phát triển bền vững, kết nối đồng bộ với 2 đô thị hiện hữu Đà Nẵng - Hội An; các giải pháp khai thác tiềm năng về văn hóa, lịch sử và tự nhiên nhằm phát triển dịch vụ du lịch có chất lượng cao, tạo sự khác biệt, giá trị gia tăng lớn cho đô thị Điện Bàn; phát triển các khu - cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp sinh thái; phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. |
- Ông Lê Trí Thanh: Có thể nói, thành quả đạt được bước đầu đã tiếp thêm niềm tin cho chúng tôi thực thi đề án “Phát triển bền vững đô thị Điện Bàn”, với 2 hội thảo đầu kỳ và cuối kỳ. Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An” do UBND huyện chủ trì phối hợp cùng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Trung tâm Tư vấn - nghiên cứu miền Trung tổ chức vào ngày 15.3 là sự kiện đầu kỳ. Hội thảo nhằm tập hợp tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, có giá trị hiện thực cao, đồng thời hình thành những nhóm giải pháp hữu hiệu để bổ sung, đóng góp vào quá trình phát triển, xây dựng Điện Bàn trở thành đô thị lớn, mang đậm bản sắc ở khu vực Bắc Quảng Nam. Sự kiện còn nhằm tạo gắn kết giữa “đô thị mới” Điện Bàn với “đô thị trẻ” Đà Nẵng và “đô thị cổ” Hội An. Bởi vì, đô thị Điện Bàn “vươn mình” không thể tách rời TP.Đà Nẵng và TP.Hội An. Ba đô thị vừa kết hợp, vừa bổ sung cùng nhau đi lên, xứng tầm là trung tâm đô thị của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
- PV: Kỳ vọng của Điện Bàn qua hội thảo lần này?
- Ông Lê Trí Thanh: Hội thảo sẽ ghi nhận những ý tưởng mà các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học và nghiên cứu hàng đầu Việt Nam hiến kế cho quá trình phát triển của Điện Bàn nói riêng và cả 3 đô thị nói chung. Các ý tưởng này có thể áp dụng ngay hoặc hoạch định cho tương lai. Từ đây, địa phương hệ thống hóa lại, định hình thành chiến lược cụ thể và khoa học nhằm đáp ứng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Ngoài lịch sử lâu đời, giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, mảnh đất này còn sở hữu tiềm năng lớn chưa được khai phá. Chúng tôi kỳ vọng hội thảo sẽ làm thay đổi, bổ sung nhận thức và tư duy của cán bộ, nhân dân về mục tiêu, giải pháp phát triển địa phương. Tăng cường khả năng kết nối giữa chính quyền Điện Bàn với các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, các nhà đầu tư… góp phần tạo dư luận tích cực để quảng bá thu hút đầu tư, viện trợ và hợp tác cùng phát triển.
- PV:Xin cảm ơn ông!
CÔNG TÚ (thực hiện)