Công tác giảm nghèo giai đoạn 2014 - 2015: Giải pháp đột phá
Dù có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhưng Quảng Nam vẫn là một trong các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân cả nước và khu vực duyên hải miền Trung. Giai đoạn 2014 - 2015, Quảng Nam quyết tâm đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo với giải pháp mang tính đột phá.
Để giải pháp hỗ trợ sinh kế thoát nghèo có hiệu quả, cần giúp người nghèo xây dựng mô hình sản xuất lâu dài, ổn định. Ảnh: D.L |
Chính sách dàn trải
Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khả quan khi tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 24,18% năm 2010 xuống còn 17,93% năm 2012 và còn 14,91% năm 2013. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cao hơn bình quân cả nước (năm 2012: 9,6%) và khu vực duyên hải miền Trung (năm 2012: 12,2%). Ông Võ Duy Thông - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Không chỉ có hộ nghèo mà số lượng hộ cận nghèo, số xã và thôn đặc biệt khó khăn, số xã và thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao còn quá nhiều. Cụ thể, có đến 50.933 hộ cận nghèo, 390 thôn có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%, 463 thôn đặc biệt khó khăn và 103 xã nghèo. Dù nỗ lực bằng nhiều giải pháp, toàn tỉnh chỉ giảm được 0,88% số hộ cận nghèo trong giai đoạn 2011 - 2012”. Ông Thông phân tích thêm, trong số 11.109 hộ thoát nghèo, có đến 8.753 hộ chuyển qua diện cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo ở đồng bằng là 10,93%, miền núi 48%, một sự chênh lệch quá lớn.
Nguyên nhân khiến Quảng Nam gặp khó trong công tác giảm nghèo cũng đã được nhận định, trong đó, nguồn lực huy động khó khăn, thấp nhưng khá nhiều chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo chưa phù hợp, không mang lại hiệu quả, vô tình phản tác dụng, là cản trở lớn. “Có nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cho hộ nghèo nhưng mức hỗ trợ quá thấp nên chẳng mang lại hiệu quả gì. Như hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ với mức 30 nghìn đồng/tháng, quá thấp nhưng lại yêu cầu hộ nghèo trực tiếp đến bộ phận LĐ-TB&XH ký nhận tiền nên gây khó khăn. Nhất là ở miền núi, giao thông khó khăn, thời gian, chi phí đi lại tốn kém hơn cả số tiền hộ nghèo được nhận. Hoặc như hỗ trợ 100 nghìn đồng/năm/hộ nghèo để phát triển sản xuất là quá ít, chỉ có thể cấp cho mỗi hộ 3 - 5 con gà thì làm sao giúp họ có mô hình sản xuất lâu dài, ổn định. Chính sách lẻ tẻ, nhỏ giọt, không tạo ra động lực, người dân trông chờ ỷ lại nên chẳng chịu thoát nghèo, thoát nghèo rồi cũng cố tình tái nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ này” - ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói. Đồng thời có nhiều nguyên nhân chủ quan khiến công tác giảm nghèo chưa thực sự tốt. Việc các địa phương đề ra mục tiêu hoặc giao chỉ tiêu giảm hộ nghèo, cận nghèo chỉ mang cảm tính chủ quan, và việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều vướng mắc khiến việc đưa ra giải pháp thoát nghèo chưa chính xác, hiệu quả chưa cao.
Trao phương tiện sinh kế tạo cơ hội cho người nghèo thoát nghèo bền vững. |
Gỡ nút thắt
Ngày 22.7.2013, Tỉnh ủy có Kết luận số 96-KL/TU về đẩy mạnh công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; trong đó, đề ra 5 giải pháp thực hiện: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giảm nghèo, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, sự tham gia của người dân; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp; Tổ chức, sắp xếp lại bộ máy cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo; Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, thống kê, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện ở các cấp. |
UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh vừa tổ chức cuộc họp nhằm tìm giải pháp cụ thể cho những vấn đề còn tồn tại. Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang góp ý: “Chúng ta chưa thể đẩy nhanh tốc độ thoát nghèo như mong muốn, một phần do các hội, đoàn thể còn đứng ngoài cuộc. Hộ nghèo có xa lạ gì đâu, trong đó có hội viên nông dân, phụ nữ, thanh niên… Hội đoàn thể cần phải vào cuộc giúp hội viên mình thoát nghèo”. Đó cũng là thực trạng chung ở các huyện vùng cao như Phước Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nhấn mạnh: “UBND tỉnh đã yêu cầu Ban chỉ đạo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo từ tỉnh đến xã kiện toàn lại bộ máy tổ chức, mời Ủy ban MTTQ Việt Nam, các hội, đoàn thể cùng tham gia. Cần phải có sự vào cuộc đồng bộ mới có thể đẩy mạnh công tác giảm nghèo một cách có hiệu quả”. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng đã chỉ ra nguyên nhân khiến công tác giảm nghèo bị “tắc”, đó chính là công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều sai sót. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, ngành liên quan phải phân loại cụ thể hộ nghèo theo từng nhóm nguyên nhân gây nghèo một cách nghiêm túc, chính xác để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, tập trung nguồn lực hỗ trợ cho nhóm đối tượng là các hộ nghèo có lao động, có nguyện vọng thoát nghèo nhưng không có điều kiện tự thoát nghèo.
Nhằm tạo chuyển biến mới mang tính đột phá trong công tác giảm nghèo, Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo tỉnh đang bổ sung, hoàn thiện đề án Thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015 để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua trong thời gian tới. Kỳ vọng của đề án này là mỗi năm vận động khoảng 2.500 hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững và không tái nghèo từ 3 năm trở lên kể từ năm 2014. Ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Đề án quy định cơ chế thưởng hộ thoát nghèo với khá nhiều chính sách như hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế trong 2 năm, miễn học phí cho con em học các cấp phổ thông, hỗ trợ vay vốn và 100% lãi suất, thưởng tiền mặt… Thôn, xã thoát nghèo cũng được hưởng nhiều chính sách khuyến khích. Mục đích chính của đề án là tạo chuyển biến về nhận thức để người dân tự phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo”.
DIỄM LỆ - ĐOÀN ĐẠO