Diện mạo mới ở một vùng quê
Mười năm qua, nhờ tập trung phát huy nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Quế Xuân 2 đã chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...
Bộ mặt nông thôn của xã Quế Xuân 2 đã khởi sắc. |
Nông nghiệp tạo đột phá
Nắng xuân ấm áp, dẫn tôi thăm ruộng lúa non xanh mởn, ông Phan Thanh Trung (trú thôn Thượng Vĩnh) không giấu được niềm vui: “Hồi mới chia tách xã, do đất đai manh mún, thủy lợi quá khó khăn, nông dân chưa tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa thường đạt thấp, bình quân mỗi sào chỉ thu về 220 - 240kg khô. Mấy năm gần đây, nhờ nguồn giống chất lượng cao, nước tưới dồi dào, chủ động phòng trừ sâu bệnh, năng suất lúa tăng lên 290 - 320kg/sào”.
Ông Nguyễn Hữu Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Quế Xuân 2 cho biết, trên địa bàn 9 thôn của xã có tổng cộng 340ha đất lúa. Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn huy động, địa phương đã đầu tư 5 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm điện và kiên cố hóa nhiều tuyến kênh mương. Nhờ vậy, đến thời điểm này toàn bộ số diện tích đất lúa đã chủ động nước tưới. Những năm gần đây, được sự tiếp sức từ ngành nông nghiệp huyện, Quế Xuân 2 chú trọng đến khâu chọn lọc, du nhập nhiều giống lúa mới cho năng suất vượt cao, kháng được các loại sâu bệnh nguy hiểm, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương để hỗ trợ nhà nông đưa vào gieo sạ đại trà. Xã còn thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên mở nhiều khóa tập huấn chuyển giao những gói kỹ thuật canh tác mới cho nông dân. Ông Sơn nói: “Nhờ tập trung đầu tư đồng bộ nhiều khâu, những năm qua, nông dân Quế Xuân 2 liên tục được mùa. Trước đây năng suất lúa bình quân toàn xã chỉ đạt 45 - 47 tạ/ha, nay tăng lên 58 - 60 tạ/ha”. Cần nói thêm, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, Mặt trận, hội, đoàn thể ở địa phương và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, đến nay Quế Xuân 2 đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Nhờ đó, trong số 340ha đất sản xuất lúa đã có hơn 90% được cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch, vừa giảm được công lao động vừa nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Thời gian đầu mới thành lập, Quế Xuân 2 có 6 chi bộ với 102 đảng viên, đến nay, toàn xã đã có 13 chi bộ với tổng cộng 143 đảng viên. Trong 3 năm liền (2011 - 2013) Đảng bộ Quế Xuân 2 đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, được Tỉnh ủy Quảng Nam tặng bằng khen. Năm 2013, tổng giá trị sản xuất của Quế Xuân 2 đạt gần 62 tỷ đồng, tăng hơn 36 tỷ đồng so với năm 2004; thu nhập bình quân đầu người trong năm đạt 12,3 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,1%, giảm hơn 27% so với cuối năm 2007. Những năm qua, chất lượng dạy học và công tác khám - chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã không ngừng nâng cao; hằng năm số gia đình được công nhận văn hóa đạt hơn 93%... |
Để phát triển mạnh kinh tế hộ, từ năm 2004 đến nay vợ chồng ông Phạm Ngọc Tuấn (trú thôn Phú Lộc) khai hoang, cải tạo 17ha đất trống đồi trọc trồng keo lai. Mới đây, thu hoạch 4ha rừng nguyên liệu, trừ chi phí đầu tư ông Tuấn thu về hơn 200 triệu đồng. Nhìn rừng keo xanh ngút ngàn, ông Tuấn nói: “Bây giờ, 13ha keo còn lại đang sinh trưởng rất tốt, chừng 3 năm sẽ cho khai thác đồng loạt”. Ông Bùi Quang Huấn - Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 2 cho biết, ngoài 182ha rừng phòng hộ, hiện nay toàn bộ 433ha đất lâm nghiệp trên địa bàn đã được phủ xanh bởi những rừng keo lai. Theo ông Huấn, bình quân hằng năm nông dân địa phương này đưa vào khai thác khoảng 70ha, thu về 35 - 40 tỷ đồng...
Nỗ lực vì dân sinh
Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được chính quyền xã Quế Xuân 2 quan tâm đúng mức. Mấy ngày cận tết, cơ sở gia công các mặt hàng mây tre đan của bà Phạm Thị Thu Ba ở thôn Hòa Mỹ Tây nhộn nhịp hẳn lên. Chị Ngô Thị Vân (trú thôn Phú Nguyên) nói: “Nhờ làm việc thường xuyên tại cơ sở này, bình quân mỗi tháng tôi có thêm 3 triệu đồng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”. Ngoài ra, tại các thôn Phú Lộc, Thượng Vĩnh, Hòa Mỹ Tây còn có 3 tổ hợp tác chuyên sản xuất, gia công mặt hàng mây tre đan hoạt động hiệu quả, thu hút gần 300 lao động nữ tham gia với mức lương bình quân 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Hàng trăm lao động nữ ở Quế Xuân 2 có nguồn thu nhập ổn định từ nghề mây tre đan. Ảnh: VĂN SỰ |
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ ngày thành lập đến nay, xã Quế Xuân 2 chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho những gia đình có công với cách mạng, chú trọng công tác xóa nhà tạm. Ông Nguyễn Hữu Sơn cho biết: “Mười năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí, địa phương đã hỗ trợ 4,2 tỷ đồng cho các gia đình chính sách xây mới và sửa chữa 168 ngôi nhà. Nhờ vậy, chuyện khó khăn về chỗ ở đối với người có công không còn là vấn đề bức xúc”. Ông Sơn còn cho hay, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, địa phương cũng đã tích cực giúp 124 hộ nghèo cải thiện nhà ở với mức hỗ trợ bình quân 15 triệu đồng/trường hợp.
Tết Giáp Ngọ, về thôn Phú Nguyên, đi trên con đường bê tông nối xóm Làng với xóm Giữa, ai cũng thấy vui. Ngày trước, con đường này nhỏ hẹp, nắng bụi mưa bùn. Cách đây không lâu, được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, nhân dân địa phương đóng góp công sức, tiền của mở rộng và đổ bê tông tuyến đường dài 310m với giá trị 200 triệu đồng. Ông Lê Viết Hiền - công an viên của thôn phấn khởi nói: “Con đường là ước mơ của người dân quê tôi suốt mấy chục năm qua. Tết ni thấy cảnh người xe qua lại tấp nập, trong thôn ai cũng vui”. Ông Phạm Đình Kiên - cán bộ Văn phòng & thống kê xã cho biết, ngoài tuyến đường ĐH 01QS có chiều dài 12km qua địa bàn xã đã được xây dựng kiên cố, thời gian qua chính quyền địa phương tập trung bê tông hóa mạng lưới đường liên thôn, liên xóm. “Từ ngày thành lập đến nay, Quế Xuân 2 đã đầu tư 20 tỷ đồng bê tông hóa 31km đường liên thôn, liên xóm, trong đó nhân dân đóng góp 8,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2015, xã tiếp tục kiên cố hóa 23km giao thông nông thôn còn lại nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội” - ông Kiên nói.
NGUYỄN VĂN SỰ