Xứng danh người lính Cụ Hồ
Nhọc nhằn khai hoang, cải tạo đất trống đồi trọc đầy sỏi đá và thu gom bom đạn còn sót lại sau chiến tranh rồi ươm trồng cây keo lá tràm, cựu chiến binh Lê Nho Hạo (thôn Phú Lộc, xã Quế Xuân 2, Quế Sơn) đã vươn lên làm giàu, đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Ông Lê Nho Hạo chăm sóc rừng keo lai. Ảnh: THÀNH SỰ |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1962, ông Lê Nho Hạo gia nhập Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 2 Quân khu 5, chiến đấu trên khắp các chiến trường từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa. Sau khi kết thúc chiến dịch đường 9 Nam Lào, năm 1972 ông cùng đồng đội giúp nước bạn Lào đánh chiếm cao nguyên Boloven và nhiều khu vực trọng điểm khác. Đến năm 1979, ông lại cùng đồng đội lên đường sang Campuchia giúp bạn tiêu diệt chế độ diệt chủng Khơ-me đỏ. Với nhiều chiến công hiển hách, ông Hạo vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba...
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hạo xuất ngũ trở về quê nhà làm nông, tham gia vào đội sản xuất của thôn; rồi công tác tại trạm y tế xã. Vì đồng lương quá ít ỏi và chế độ đối với thương binh hạng 2/4 không nhiều, không đủ chăm lo cho vợ cùng 5 đứa con nhỏ, ông Hạo lại quay về làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, năm 1995 ông quyết định khai hoang, cải tạo 44ha đất trống đồi núi trọc ở khu vực Hòn Giang, Hố Trần, Dốc Ông Xủn để trồng cây keo lá tràm. Ông Hạo chia sẻ: “Hồi đó, vợ tôi không đồng tình vì thấy xung quanh không ai dám làm. Vả lại, đây là nơi ngày xưa bọn địch đóng quân, bom mìn còn sót lại rất nhiều. Khi Nhà nước có cơ chế khuyến khích người dân trồng cây gây rừng và khảo sát thấy đất đai ở đây phù hợp với loại cây này nên tôi càng quyết tâm khai phá, thực hiện cho bằng được ý định của mình”.
Theo ông Hạo, để vườn keo lá tràm phát triển tốt, không bị trâu, bò phá gãy, ông phải lên sát đồi dựng một lán trại bằng tranh tre ở lại giữ rừng. Ông thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ươm trồng trên sách báo, nghe đài và đi thực tế đến các địa phương lân cận. Quả nhiên, đất không phụ công người, đến năm 2004 ông Hạo bắt đầu khai thác vườn keo lá tràm. Ông cho biết, lúc bấy giờ, với giá bán trên thị trường 600 nghìn đồng/tấn gỗ nguyên liệu, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, ông kiếm được hơn 100 triệu đồng, một con số mà có nằm mơ ông cũng không dám nghĩ tới. Thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông liền phát dọn thực bì rồi tiến hành trồng lại cây keo lá tràm trên toàn bộ 44ha. Từ đó đến nay, khai thác 2 lứa keo, ông thu về mức lãi ròng hơn 3 tỷ đồng. Nhờ đó, vợ chồng ông có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền và nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay, các con của ông đều đã có công ăn việc làm ổn định, riêng người con trai út là Lê Nho Minh đang theo học tiến sĩ tại TP.Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Hữu Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Quế Xuân 2 cho biết, ngoài việc làm giàu cho bản thân, những năm qua ông Lê Nho Hạo còn vận động bà con nông dân ở địa phương đầu tư cải tạo đất hoang hóa và hướng dẫn kỹ thuật ươm trồng cây keo lá tràm. Nhờ vậy, rất nhiều hộ dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo như ông Đoàn Cả, Phạm Ngọc Tuấn, Nguyễn Tấn Thành… Ông Hạo cũng rất nhiệt tình tham gia các phong trào ở địa phương, hoạt động nhân đạo từ thiện, vận động người dân hiến đất, dỡ bỏ hàng rào cổng ngõ để xây dựng hạ tầng nông thôn mới... Ông Sơn nói: “Ông Lê Nho Hạo là điển hình tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở xã Quế Xuân 2”.
Chia tay ông Hạo, ngước nhìn những vườn keo lá tràm xanh mơn mởn trải dài khắp các triền đồi, chúng tôi thực sự khâm phục bản lĩnh và nghị lực của người lính Cụ Hồ ấy. Đúng là, “Bàn tay ta làm nên tất cả/ có sức người sỏi đá cũng thành cơm”...
VĂN SỰ - PHI THÀNH