Tết trên sông

SONG ANH 06/02/2014 09:46

Từ lâu lắm rồi, cụm từ ăn tết trên sông ít còn được nhắc đến. Bởi lẽ, những vạn ghe, vạn đò đã tản mát lên bờ. Nhưng trên thượng nguồn Thu Bồn, mùa tết này, vẫn còn những cuộc đời không thể rời chiếc ghe - ngôi nhà của họ.

Ở đó, người dân ăn tết theo cách của riêng mình. Mấy chục mùa giêng hai đi qua, tết vẫn trở đi trở lại trong cái ghe chèo cũ kỹ, âm ỉ giọng hát của Lệ Thủy trong những tuồng cải lương xưa… Vặn chiếc loa vừa mua từ Trung Phước buổi chợ 28 tết, cụ ông Mai Thùng (thôn Tứ Trung 1, xã Quế Lâm, Nông Sơn), năm nay đã 85 tuổi, cười hiền: “Cái máy này đứa cháu dắt đi mua, muốn nghe tuồng chi thì ghi lại tên, rồi chủ tiệm đưa vào cái máy này, về chỉ cần mở lên là nghe. Có đoàn cải lương đâu miền trong ra, hát từ tối 29 tới nay, tối nào ông cũng ráng nghe thử họ giới thiệu tuồng chi, rồi mình ghi tên lại, ra tết có xuống Trung Phước thì nhờ họ tìm”. Cụ ông mở đầu câu chuyện trên chiếc ghe dập dềnh nơi thượng nguồn Thu Bồn, bằng giọng đầy hoan hỉ về chiếc loa đời mới - người bạn mới của mình. Tuổi 85, là cũng chừng ấy năm ông sống trên ghe, và ăn tết trên dòng sông này.  

Cụ Mai Thùng trở về bến sau lễ xuất hành.Ảnh: SONG ANH
Cụ Mai Thùng trở về bến sau lễ xuất hành.Ảnh: SONG ANH

Chiếc ghe - nơi cư ngụ của cụ ông Mai Thùng chỉ dài độ 7 - 8m, nhưng lại đủ đầy vật dụng của một gia đình. Từ lò bếp, xoong nồi, chăn chiếu… đến những dụng cụ làm nghề như lưới, nhá (dụng cụ làm tôm) đều được vợ chồng ông xếp gọn ghẽ. Một bên mạn ghe cặp 2 chiếc lồng với chừng 4 - 5 con gà, ông bảo để tiếp khách. Đời cụ từ lúc sinh ra đã gắn với sông nước, sinh và nuôi nấng 5 người con đều trên ghe, đến bây giờ, chỉ còn ông bà bám trụ lại với dòng sông này. “Mấy đứa con có gia đình ra riêng, cũng ở ghe thời gian, nhưng sau chính quyền xã vận động lên bờ, giờ cũng làm nông làm rẫy thôi. Mấy ngày tết, đứa nào cũng nói lên nhà ở ăn tết, nhưng lên chơi ít thì được, tới tối rồi cũng xuống ghe ngủ lại, quen rồi” - ông nói. Ngày trước, cách thời điểm này hơn 10 năm, cũng trên khúc sông này là hàng chục gia đình sống trên sông, hình thành nên những xóm vạn thượng nguồn Thu Bồn. Những gia đình vạn đò làm cho bến sông trở nên rộn rã, những cái tết trước vì thế cũng vui hơn với ông Thùng.  Nhưng biết sao được, một khi dòng sông không thể bảo bọc cuộc đời họ, những người dân xóm vạn đành chọn cách lên bờ, ổn định và nuôi nấng ước mơ học hành của con cái. Vậy là nguyên cái bến “Tí lở” từng rình rang thuở nào giờ chỉ còn vợ chồng cụ ông Mai Thùng lủi thủi ăn tết trên sông. Người ngoài cứ thấy xót xa, nhưng cuộc đời lại không hẳn như vậy. Có những thứ khi bằng mắt nhìn chủ quan lại xoay bản chất sự việc theo hướng khác. Chính cụ ông Mai Thùng bảo rằng, rất nhiều người khi ngang qua khúc sông này, nghĩ ông nghèo đói, khó khăn mới phải ở mòn cuộc đời trên ghe. Họ đâu biết rằng, cuộc đời người đàn ông này đã trót chọn chốn sông nước để đi về. “Từng lên bờ khoảng 2 tháng rồi, chịu không nổi hai vợ chồng lại dắt nhau xuống ghe ở lại. Mình quen ở ghe, lên bờ đi đâu cũng đụng, hở ra là đụng cái này cái kia, rồi té. Ở cả đời người đây rồi, giờ về cuối đời bỏ nó sao đặng” - ông Mai Thùng nói. Sông nước đã như hơi thở gắn đời với ông, 85 tuổi nhưng sức vóc ông vẫn còn dẻo dai để suốt 5 tiếng đồng hồ chèo thuyền trên sông, xuôi dòng Thu Bồn, vừa đi vừa thả nhá, kịp đến chợ Trung Phước vào buổi sáng sớm, gửi con gái một rổ tôm sông để bán.

Những cái tết trên sông mấy năm gần đây hiu hắt hẳn. Bởi vạn đò có còn ai, ngoài cặp vợ chồng già. Ngày tết, cứ nhớ ai thì ông lên bờ đi thăm hỏi, chúc tết, xong lại quay về ghe làm xị rượu gạo, nghe tuồng cải lương. Ai nhớ tới ông thì cứ ra bến Tí lở, tết năm nào ông cũng chuẩn bị 1kg thịt heo muối, cũng làm dưa món, vợ ông còn trồng thêm rau nơi triền sông. Thêm mấy con gà nuôi suốt cả năm cũng đủ làm một mâm đãi khách. Tết với ông chỉ chừng đó là đủ đầy lắm rồi. Tôi đến thăm ông vào sáng mùng 2 tết, ngay lúc ông vừa làm lễ “xuất hành” trở về. Với người làm nghề sông nước, chọn ngày giờ đầu năm để làm lễ xuất hành rất quan trọng. Bởi ngày tốt, giờ tốt, dong ghe trên sông hanh thông thì cả năm đó mới tốt đẹp, cá tôm đầy khoang. Năm nào người làm nghề sông trên bến Thu Bồn cũng làm lễ như vậy, đã thành một tục lệ. Trong chuyến dong ghe xuôi dòng đầu năm, ai cũng ước nguyện một năm bội thu cá tôm, để cuộc sống thêm phần no ấm. Khi hỏi cụ Mai Thùng cầu gì trong lễ xuất hành, cụ nói nhẹ tênh “mong mạnh giỏi thêm vài năm để ở thêm trên sông”. Với cụ, sông nước đã là hơi thở ngấm vào máu thịt tự thuở nào…

SONG ANH

SONG ANH