Ấm tình biên giới

VINH ANH 30/01/2014 17:08

(Xuân Giáp Ngọ) - Tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa 2 nước Việt - Lào ở tuyến biên giới Quảng Nam luôn được “hâm nóng” nhờ những con người đang sinh sống, làm việc tại đây.
Bác sĩ vùng biên

Lên A Xan vào dịp cuối năm, khó khăn lắm chúng tôi mới đến được trung tâm xã sau nhiều giờ đồng hồ vật lộn với bùn đất lầy lội. Trạm Y tế quân dân y kết hợp A Xan (gọi tắt là Trạm xá A Xan) nằm cạnh đường. Khi chúng tôi vào đã thấy hàng chục phụ nữ Cơ Tu bồng con đến tiêm phòng. Bên trong trạm xá, bác sĩ Huỳnh Văn Ngọc - Trạm trưởng Trạm xá A Xan đang khám bệnh cho bà Bling Thị Vưng, trú tại bản Chitơ, huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào). Bà Vưng được người nhà đưa qua điều trị tại Trạm xá A Xan từ mấy ngày nay vì bệnh hen phế quản. Chị Alăng Thị Gưr (con gái bà Vưng) cho biết từ hôm đưa mẹ qua trạm xá luôn được các y - bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo. Chị bảo: “Nhờ cán bộ ở bên này tạo điều kiện nên người dân chúng tôi ở bên kia biên giới dễ dàng qua lại trao đổi, mua bán, đặc biệt là để khám - chữa bệnh. Có bệnh tật đau ốm gì là bà con ở gần biên giới đều qua Trạm xá A Xan để khám và xin thuốc. Người dân chúng tôi biết ơn các bác sĩ bên đây nhiều lắm!”.

Vợ chồng Pơloong Nhân và Aviết Thị Avinh cùng các con sống hạnh phúc tại thôn A Rầng 3, xã A Xan.
Vợ chồng Pơloong Nhân và Aviết Thị Avinh cùng các con sống hạnh phúc tại thôn A Rầng 3, xã A Xan.

Lên công tác tại A Xan được 4 năm, bác sĩ Ngọc cho biết đã khám và cứu chữa không biết bao nhiêu bệnh nhân Lào. Câu chuyện đỡ đẻ thành công cho sản phụ Tơngôl Thị Dí, trú tại bản Abưl, cụm bản Tà Vàng, huyện Kà Lừm đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến: Khoảng 16 giờ chiều 3.3.2013, sản phụ Dí được người dân bên kia biên giới cắt rừng đưa qua Trạm xá A Xan cấp cứu vì chuyển dạ hơn 24 giờ đồng hồ mà chưa sinh được vì “dây rốn quấn quanh cổ thai nhi”. Xác định đây là ca sinh khó, nếu chuyển chị Dí xuống đồng bằng sẽ không kịp, nguy cấp đến tính mạng của mẹ và con nên bác sĩ Ngọc quyết định để sản phụ ở lại trạm và nỗ lực hết sức cứu 2 mẹ con. Đến 22 giờ đêm, cháu bé nặng đến 4,5kg được sinh ra an toàn trong sự vui mừng của mọi người. Bác sĩ Ngọc chia sẻ: “Đó là ca bệnh mà tôi sẽ nhớ mãi. Cháu bé được sinh ra khỏe mạnh khiến lòng tôi đầy hạnh phúc”.

Bác sĩ Ngọc cho biết, từ đầu năm đến nay, trạm xá đã khám - chữa bệnh cho gần 200 bệnh nhân Lào. Ở trạm, cán bộ, y - bác sĩ xem người dân Lào cũng như bà con người Việt. Ngoài việc khám bệnh và cấp phát thuốc, các y - bác sĩ ở trạm thường giúp đỡ họ cả chuyện cơm nước. “Nhờ đó, bà con người Lào ở bên kia biên giới rất quý bộ đội và các y - bác sĩ Việt Nam. Anh em cán bộ Việt Nam qua bên kia công tác là bà con xem như người nhà, đón tiếp tận tình” - bác sĩ Ngọc nói.

Qua Lào hỏi vợ

Ở thôn A Rầng 3, xã A Xan, câu chuyện của chàng trai dân tộc Cơ Tu Pơloong Nhân lấy vợ Lào khiến ai cũng tò mò muốn nghe. Vợ Nhân là chị Aviết Thị Avinh, trú tại bản Chitơ, cụm bản Tà Vàng, huyện Kà Lừm.

Thời còn thanh niên, Nhân thường xuyên đưa mắm, muối ở bên này qua bên kia để trao đổi. Trong một lần đến bản Chitơ, nhóm bạn của Nhân vô tình nói đùa với một cô gái ở bản: “Này, có ưng anh Nhân không”. Tuy nhiên, không may cho Nhân là bố của cô gái nghe và bảo rằng “đã ngỏ lời với con gái ông mà không lấy là phạt một con trâu”. Nhân về đến nhà liền kể lại chuyện với bố mẹ. Bố mẹ Nhân cho rằng nộp phạt một con trâu mà không cưới cô gái về nhà mình thì “lỗ to” nên đã băng rừng đi hỏi vợ cho con. Sau lần đó, Nhân có vợ. Người con gái đó chính là chị Aviết Thị Avinh. Đến nay vợ chồng chung sống hạnh phúc và đã có với nhau 3 con. Nhân hiện là cán bộ văn hóa - thông tin của xã A Xan, còn Avinh hàng ngày xuống ruộng, lên nương chăm chỉ làm ăn. Thỉnh thoảng vợ chồng lại dắt nhau về thăm nhà “ngoại”. Nhân tâm sự: “Từ nhà mình qua bên đó chỉ mất vài giờ đồng hồ đi bộ nên mình cũng thường đưa vợ và con về thăm ông bà ngoại. Hai bên gia đình hễ có lễ lạt gì lại mời nhau qua lại, nhờ đó tình cảm luôn bền chặt”.

Với 142km đường biên giới Việt Nam - Lào, đoạn giáp ranh Quảng Nam và Sê Kông, nhiều năm qua cùng với các hoạt động song phương của 2 bên, chính nhờ những con người đang sinh sống, làm việc nơi đây đã gắn chặt thêm tình đoàn kết thắm thiết giữa hai nước anh em.

VINH ANH

VINH ANH