Phiên chợ tết Trà Linh

HOÀNG THỌ 28/01/2014 21:40

(Xuân Giáp Ngọ) - Những ngày áp tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014, con đường về xã Trà Linh (Nam Trà My) đang thi công còn khá ngổn ngang, gồ ghề nhưng từng đoàn xe gắn máy, ô tô vẫn thi nhau băng dốc, vượt đồi, hối hả đưa hàng hóa lên phục vụ nhu cầu sắm tết cho bà con Xê Đăng…     

Gọi là phiên chợ tết Trà Linh bởi vì những ngày này, bà con đồng bào Xê Đăng từ khắp nơi trong xã tập trung về đây để mua sắm cho tết. Một khu vực giữa vùng heo hút vì không có dân cư bản địa sinh sống đã trở nên nhộn nhịp do từng đoàn người đổ về đông đúc. Ai cũng hớn hở tranh thủ chọn cho mình những món hàng, từ thịt, cá, cho đến áo quần, giày dép, bia rượu, nước ngọt, bánh kẹo...

Hàng hóa được ô tô vận chuyển lên Trà linh trước tết để dự trữ.
Hàng hóa được ô tô vận chuyển lên Trà linh trước tết để dự trữ.

 Quầy tạp hóa của anh Trần Tư, một người có thâm niên buôn bán khá lâu ở vùng đất này, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt khách tới mua hàng. Nắm bắt được nhu cầu mua sắm của đồng bào nơi đây nên  trước tết cả tháng trời, anh Tư đã thuê một ô tô vận chuyển hàng hóa từ dưới Tam Kỳ lên dự trữ. Thậm chí anh còn xây chuồng trại để trữ heo, gà, vịt bán vào dịp tết. Cận tết, mỗi ngày anh Tư phải mổ thịt 2 con heo nặng hơn 1,5 tạ để bán cho bà con. Bình quân mỗi ký thịt heo bán tại đây có giá 110 nghìn đồng. Tuy giá hơi cao so với dưới xuôi nhưng chưa hết buổi sáng là bàn thịt heo của anh Trần Tư đã hết sạch. Anh Nguyễn Cao Bằng - Trưởng trạm y tế xã Trà Linh cho biết, việc mổ heo tại chỗ bán cho bà con là rất tiện vì người dân không phải đi xuống tận dưới trung tâm huyện để mua như trước đây. Hầu hết gia súc, gia cầm buôn bán ở Trà Linh đều đã được cơ quan chức năng kiểm dịch nên bà con rất yên tâm để mua. “Tết năm nào tôi cũng mua thịt heo. Mấy đứa con tôi rất thích món thịt heo xắt cục bỏ vào ống nứa nướng rồi đem chấm muối ớt, rất ngọt và thơm” – anh Bằng chia sẻ. Ngoài việc mổ heo thì gia đình anh Trần Tư còn bày bán đa dạng các loại hàng tết như áo quần, giày dép, hạt dưa, mứt, thức uống…

Chị Hồ Thị Hợp bên quầy bánh kẹo ở phiên chợ.
Chị Hồ Thị Hợp bên quầy bánh kẹo ở phiên chợ.

Không riêng gì quầy tạp hóa của anh Tư mà ở tại “điểm chợ” xã Trà Linh còn có 6 quầy hàng khác của người dưới xuôi lên đây buôn bán. Lúc nào cũng tấp nập người mua hàng. Theo các tiểu thương kinh doanh tại đây cho biết, tuy hầu hết mặt hàng đều cao giá hơn so với dưới trung tâm huyện nhưng vẫn được bà con ở Trà Linh tiêu thụ mạnh, đó là nhờ thuận tiện và sự đa dạng về chủng loại hàng hóa. Những khách hàng thân thuộc còn được chủ quầy tạp hóa “lì xì” cho chai nước mắm, gói bột nêm về làm gia vị cho các món ăn ngày tết thêm thơm ngon.

Vài năm trở lại đây, cuộc sống người dân giàu lên nhờ cây sâm trúc nên sắm đồ tết thoải mái hơn. Nhiều hộ ở Trà Linh không còn lo chuyện ăn no mặc ấm nữa mà chú tâm ăn ngon, mặc đẹp, mà nhất là vào những dịp quan trọng như tết cổ truyền. Chị Hồ Thị Hợp, nhà ở nóc Tắc Lang thôn 3 xã Trà Linh, băng rừng hơn một tiếng đồng hồ để đi mua hàng tết. Thịt heo chị mua 30 ký, cá tươi 5 ký, bánh, kẹo mứt, hạt dưa cũng phải đến 5 ký. Chị Hợp tâm sự, cả năm làm việc quần quật với vườn sâm trong rừng, bây giờ tết đến phải sắm sửa thật nhiều đồ đạc để cả nhà đón năm mới.  Có lẽ nhờ những khách hàng như chị Hợp mà cả “kho hàng” dự trữ đầy ắp ở đây chỉ bán trong vòng vài tuần lễ là hết.

Cái tết cho vùng cao Trà Linh đang ngày một tươi sắc, ấm áp hơn…

HOÀNG THỌ

HOÀNG THỌ