Duyên nợ với Hoàng Sa
Như một món nợ ân tình, Hoàng Sa đã thấm trong máu thịt của từng phận người nơi đây. Dòng tộc Trương Công tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn đã đến với Hoàng Sa qua nhiều thế hệ…
Ông Trương Công Đê và kỷ vật Hoàng Sa ông mang về từ 40 năm trước. Ảnh: HƯNG QUỐC |
Kỷ vật Hoàng Sa
Căn nhà nhỏ hướng mặt ra cánh đồng đang mùa sạ. Gió bấc mang mưa phùn cuối đông như cắt từng thớ thịt. Rón rén đẩy cánh cửa khép hờ vì sợ gió lùa, bà Bảy, vợ ông Trương Công Đê, nói khẽ: “Chú tìm ai? Ổng bệnh lâu ngày nên chẳng muốn gặp người lạ!”. Sau khi biết chúng tôi ngỏ ý tìm lai lịch một ngôi mộ của người làng Thanh Quýt, được ghi bằng tiếng Pháp, lập ngày 10.7.1943 trên đảo Hoàng Sa nên tìm đến ông Đê để hỏi, ông vén mùng, gắng ngừng cơn ho gật gù bảo: “Con hỏi chuyện Hoàng Sa hả, vào đây!”.
Ông Trương Công Đê cho biết, đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa không rộng nên chỉ cần một buổi là có thể đi bộ hết. “Trên đảo ốc rất nhiều, to nhỏ đều có. Ăn xong chúng tôi vùi vỏ ốc dưới cát, ngày về chỉ cần mang chúng ra rửa nước biển sẽ có những chiếc vỏ sặc sỡ sắc màu rất đẹp. Tôi mang về rất nhiều nhưng chỉ còn có 2 chiếc vì tặng hết cho bạn bè” - ông Đê kể. |
Lê bước chân khó nhọc đến chiếc bàn gỗ, bệnh tật muốn xô người đàn ông chinh chiến một thời ngả khụy ở cái tuổi 65. Bên chén nước chè xanh, câu chuyện Hoàng Sa làm đôi mắt ông Đê sáng rực, những ký ức cũ xưa như ùa về, rồi chợt chùng xuống, đắng cay, mất mát. Ông Đê bảo vợ mở tủ lấy ra cái hộp nhỏ hình vuông bằng gỗ, bên trong lót vải vàng hẳn hoi. Ông bảo đây là kỷ vật duy nhất về Hoàng Sa mà ông mang về hồi tháng 1.1974, đúng một tuần trước ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo này. Đôi tay run run, ông mở cẩn trọng, bên trong là hai chiếc vỏ ốc to bằng nắm tay, sặc sỡ sắc màu được khảm hình những đóa hoa hồng. Bà Bảy vợ ông Đê bảo: “Ổng giữ cẩn thận lắm! Mấy chục năm rồi, ổng coi hơn vàng bạc. Nhà đông con nhưng mấy đứa lúc nhỏ phá ông đều la. Sau này lớn lên, mấy con biết kỷ vật của ổng nên đứa nào cũng yêu quý, nâng niu”.
Ngày tháng không quên
Nhấp chén chè xanh, đôi mắt ngời sáng, ông Đê kể rằng năm 24 tuổi, ông gia nhập quân đội Việt Nam Cộng hòa, thuộc Tiểu đoàn Công binh 102 đóng quân tại Hội An. “Buổi chiều mùa đông cuối năm 1973, chỉ huy gọi tôi lên bảo được điều động đi Hoàng Sa. Nhiệm vụ của tôi là sửa chữa lại các bồn chứa nước cho một đại đội lính địa phương quân đang đóng quân tại đây và những người làm khí tượng. Háo hức vô cùng, tôi không ngủ được chờ đến sáng để con tàu HQ 504 xuất phát” - ông Đê kể. Hơn 2 đêm vượt sóng, con tàu chở hàng tấn vật liệu cập đảo Phú Lâm. Ông Đê làm nhiệm vụ lái xuồng kéo, trung chuyển vật liệu từ tàu HQ 504 vào đến đảo để công binh xây dựng. “Kéo vật liệu chừng 2 ngày là xong, thời gian còn lại tôi nổ máy xuồng cùng lính đi câu cá, đánh bắt và tìm thức ăn cho anh em trên đảo” - ông Đê nhớ lại. Ký ức của ông Đê, Hoàng Sa là quần đảo rất lạ, nước một màu ngọc bích có thể thấy đáy. Bãi cát vàng sóng sánh. Chim chóc, rùa biển từng đàn về đây đẻ trứng. Trứng chim nhiều đến độ cứ nhặt lên và chiên ăn đến phát ngấy. “Rùa biển từng đàn hàng trăm con kéo lên bờ đẻ trứng. Có con to như cái nong phơi lúa. Bọn tôi nhặt trứng rùa luộc hàng giờ nhưng nó chẳng chín. Cách cuối cùng là đập ra và lại chiên lên” - ông Đê say sưa kể.
Lính công binh nên thuốc nổ lúc nào cũng có sẵn, những ngày biển êm, làm xong nhiệm vụ lái xuồng, ông Đê chạy xuồng đi đánh cá và làm nhiệm vụ cung cấp cá cho toàn đại đội trên đảo. “Anh em thấy mình ra mừng lắm. Chiều lại, năm người trên chiếc thuyền đi đánh cá. Cá thu, cá ngừ đại dương, cá kiếm to như thân người. Cá mập cũng nhiều khủng khiếp, nghe mùi tanh nó đến từng đàn đớp sạch số cá mình đánh mìn mà chưa kịp vớt” - ông Đê nhớ lại. Ngày về, từng thùng cá khô đóng gói mang về làm quà cho cả xóm ăn tết.
Ước nguyện không thành
Năm 1974, ông Đê lại một lần nữa được đơn vị điều ra Hoàng Sa để sửa chữa các bể nước. Những bể chứa nước ngọt mà theo ông Đê to đến phần tư cái sân vận động, sâu từ 3 đến 4 mét, vì chúng phải cấp nước cho hơn một đại đội dùng quanh năm. Những người lính công binh như ông Đê khi kết thúc ngày làm việc phải tắm bằng nước biển.
Giọng ông Đê chợt chùng xuống, lạc đi, đôi mắt ngấn nước: “Ngày 12.1.1974, tàu đưa tôi về đến Đà Nẵng, đúng một tuần sau thì Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm. Buồn thương vô tận!”. Ông Đê kể rằng ông đã gặp rất nhiều ngôi mộ trên đảo Hoàng Sa. Có mộ viết bằng tiếng Việt, nhưng đa số viết bằng tiếng Pháp. “Tôi nghĩ người mất nằm lại đó là những người đi làm cho Pháp, khi mất, người Pháp với văn hóa tử tế họ sẽ lập bia mộ cho người quen. Hoặc giả là những người đồng hương đi cùng nhau công tác ở Hoàng Sa rồi lập mộ cho bạn” - ông Đê phán đoán. Ông cho biết nguyện vọng của mình là muốn tìm lại những ngôi mộ của người đồng hương đưa về, nhưng sau chuyến công tác thứ 2 thì không còn cơ hội…
Sau giải phóng, ông Đê tiếp tục làm lái xe phục vụ cho chiến trường Campuchia, biên giới Tây Bắc rồi ông về quê làm nông đến tận ngày nay. Bằng sự tỉ mẫn của người lính sau chiến cuộc, dù làm nông ở quê nhà nhưng ông Đê đã nuôi 5 người con học xong đại học và đều đã thành tài. Câu chuyện ngập ngừng bởi những cơn ho đứt quãng, ông Đê chợt nhớ rằng, bác ông, cụ Trương Công Lành, người làng Thanh Quýt, vừa mất cách đây 7 tháng, là người đầu tiên của dòng tộc Trương Công đến Hoàng Sa. “Bác tôi làm y tá, biết cả tiếng Pháp và tiếng Nhật. Ông cụ học ở Huế rồi được Pháp mang ra Hoàng Sa cùng với những người lính ngoài đó canh giữ đảo” - ông Đê nói.
Duyên và nợ
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Lành, nằm sát quốc lộ 1, em ruột cụ Lành là cụ Trương Công Vọng đã gần 90 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Nhắc đến Hoàng Sa, cụ Vọng kể: “Anh Lành của tôi thường kể cho gia đình nghe sau mỗi chuyến công tác 3 tháng một lần. Suốt từ năm 1951 - 1953, anh ấy ở ngoài Hoàng Sa làm y tá kiêm Tổng ban tự vệ. Hồi đó dân trong làng này làm thợ xây cho Pháp ngoài đó nhiều lắm. Làng Thanh Quýt này lạ gì Hoàng Sa, người mất ngoài đó cũng nhiều…”.
Cụ Vọng cho biết tổng Thanh Quýt ngày trước rất rộng, có đến 27 xã với nhiều làng. Làng Phong Lệ, làng Nghi An, làng Quảng Hậu… ngày trước đều thuộc tổng Thanh Quýt. “Vì vậy, trên tấm bia mà các con đang đi tìm có tên ông Nguyễn Minh người làng Quảng Hậu, ghi tổng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, Quảng Nam là không sai. Dù ngay nay, xã Thanh Quýt và làng Quảng Hậu cách nhau rất xa và khác đơn vị hành chính, nhưng trước đây nó là một. Bác nghĩ người viết chính xác đơn vị hành chính như vậy có thể là những người đồng hương đã lập mộ, dựng bia cho ông Minh. Nhưng rất tiếc cái tên trong gia tộc Nguyễn này vẫn chưa tìm thấy” - cụ Vọng giải thích.
Trầm ngâm về Hoàng Sa, cụ Vọng nói: “Chắc là gia đình tôi có duyên nợ với Hoàng Sa. Tháng 9.1954, khi đó tôi còn đóng quân ở Bình Định, Trung đoàn Đặc công 803. Buổi chiều đi tập như mọi ngày, anh em trong đơn vị vớt được ông Nguyễn Điểu, người Huế, trôi dạt từ Hoàng Sa vào. Ổng đi thuyền từ Hoàng Sa vào bị sóng đánh chìm và nổi trên tấm phao rồi trôi dạt. Không hiểu sóng gió thế nào ông bị tấp vào tận Bình Định”. Theo lời cụ Vọng, sau khi đơn vị cứu ông Điểu, cảm kích tấm lòng của những người cộng sản, ông Điểu quyết định ở lại đơn vị cùng tham gia cách mạng. “Anh ấy rất hiền, giọng nói nhỏ nhẹ, ôn tồn, sống rất có nghĩa khí và biết trước sau. Chúng tôi coi nhau như anh em một nhà. Sau hơn một năm, chúng tôi đánh trận ở Khánh Hòa thì anh Điểu hy sinh. Kiếp người rứa đó, rày đây mai đó, rồi nằm xuống. Mà có được chết vì Tổ quốc thì tốt rồi!” - giọng cụ Vọng ôn tồn trong một chiều đông giáp tết.
HƯNG QUỐC