Vì tin hay tham?
Dù ở Quảng Nam năm nào cũng xảy ra nhiều vụ vỡ hụi, giật hụi (biêu) với số tiền lớn nhưng loại hình “tín dụng” này vẫn diễn ra khá phổ biến với sự tham gia của nhiều đối tượng. Còn nhớ, cách đây gần 3 tháng, người dân Duy Xuyên đã bàng hoàng vì 3 vụ vỡ hụi liên tiếp với số tiền lên đến vài chục tỷ đồng. Cuối năm 2012, vụ bể hụi gần 1 tỷ đồng ở Núi Thành cũng khiến nhiều gia đình lao đao. Đáng nói, những người tham gia vào đường dây hụi này phần lớn là nông dân và giáo viên. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 12.2013, tại Hội An đã xảy ra một vụ vỡ hụi hơn 13,5 tỷ đồng... Đấy là những vụ vỡ hụi “điển hình”, đã được các cơ quan chức năng vào cuộc. Trên thực tế, việc vỡ hụi, giật hụi với số tiền vài chục triệu đồng diễn ra thường xuyên và không được người bị hại tố cáo.
Riêng Tòa soạn Báo Quảng Nam hầu như năm nào cũng nhận được ít nhất vài ba đơn thư của bạn đọc đề nghị can thiệp về tình trạng bị giật hụi sau khi các cơ quan bảo vệ pháp luật không giải quyết vì thiếu chứng cứ. Những trường hợp như vậy, Tòa soạn cũng chỉ còn cách khuyên người bị hại (thường là một nhóm người) rút đơn do không đủ cơ sở để can thiệp, bởi ngoài lá đơn, người bị giật hụi không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào. Hầu hết những người bị giật hụi đều nại rằng, vì tin tưởng nên mới tham gia góp hụi. Nhưng chắc chắn rằng, đằng sau sự tin tưởng là hằng tháng người chơi hụi được nhận lãi suất “khủng” với mức từ 3%/tháng trở lên! Chiêu thức của hầu hết chủ các đường dây hụi thường là thời gian đầu trả lãi sòng phẳng để tạo niềm tin, khi lôi kéo được nhiều người tham gia với số tiền lớn, chủ hụi liền “đánh bài chuồn”. Với những người bị giật hụi, bảo họ là nạn nhân của niềm tin đặt không đúng chỗ cũng đúng, mà bảo họ là nạn nhân của chính lòng tham nơi họ có lẽ cũng không sai!...
Công bằng mà nói, việc chơi hụi theo kiểu góp vốn quay vòng, không có lãi hoặc lãi suất thấp để tương trợ nhau đã giúp nhiều người, nhất là những người nghèo có vốn để làm ăn, buôn bán, vươn lên thoát nghèo. Việc góp vốn chơi hụi thường được thực hiện đơn giản, dễ dàng, không rườm rà như làm thủ tục vay ngân hàng nên được nhiều người tham gia. Và nếu chơi hụi trong khuôn khổ pháp luật, sẽ được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Trong Bộ luật Dân sự năm 2005, pháp luật nước ta đã thừa nhận giao dịch dưới hình thức chơi hụi và bảo vệ nếu nằm trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, chơi hụi chủ yếu diễn ra dưới hình thức cho vay nặng lãi nên khả năng xảy ra rủi ro là rất cao. Và càng về cuối năm, khi nhu cầu vốn để kinh doanh, buôn bán của nhiều người càng lớn, tình trạng vỡ hụi xảy ra càng nhiều. Từ đó, đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần, tan gia bại sản.
THẢO DÂN