Trách nhiệm và sự từ tâm

TRUNG VIỆT 30/12/2013 08:51

“Hôm qua, có người bồng đến một trẻ sơ sinh. Chị nói là hãy về làm giấy tờ cho cháu rồi đến, nhưng họ  nói không nhận thì họ bỏ ngoài đường. Cháu bị nhiễm trùng ở rốn. Vậy đó...”. Chị Võ Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Trung tâm Trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam kể. Vậy là nhận và nuôi. Ở trung tâm, hiện có 82 trẻ ở các độ tuổi, trong đó lớn nhất có một cháu đang học lớp 10. Chị Hạnh nói: “Hôm bão lớn dự báo sẽ vào, tụi chị sợ quá trời, lỡ có chuyện chi…  Các cháu được đưa hết vào căn phòng có sàn bê tông để ở. Thức trắng đêm. Gió làm bay mất bảng hiệu trung tâm”.

Những đứa trẻ ở Trung tâm Trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam.Ảnh: TRUNG VIỆT
Những đứa trẻ ở Trung tâm Trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam.Ảnh: TRUNG VIỆT

Bão chỉ đến một vài lần vào tháng cuối năm, còn những phập phồng âu lo ở đây thì dai dẳng, không dứt. Hiện, Nhà nước cấp cho mỗi trẻ sơ sinh dưới 18 tháng tuổi 700 nghìn đồng/tháng, từ 18 tháng trở lên là 560 nghìn đồng/tháng. “Một cháu cả tháng ăn ngày 3 bữa, không bằng một lon sữa con người ta” - chị Hạnh ngậm ngùi. Khoản tiền chừng đó, muốn hay không muốn cũng phải sống, phải tính toán để không đứt bữa. Một đứa trẻ ra đời, cha mẹ ông bà xúm lại nuôi, còn ở đây 30 cán bộ nhân viên lo hơn 80 đứa. “Các chị thương và lo lắm, may mà  mùa đông này chưa có đứa nào đau ốm. Thiệt khổ. Hễ có một đứa sốt siêu vi là tất cả đều sốt, thế là cả trung tâm thức trắng”. Chế độ thấp, họ phải vận động các nhà hảo tâm giúp áo quần, tiền bạc. Quần áo không lo, chỉ lo tiền ăn, sữa. Nhiều tổ chức, cá nhân đến giúp, từ xây phòng ở đến cho sữa hàng tháng. Lâu lâu, có ai đó cho các cháu một bữa ăn. Nỗi lo tiền ít đi kèm lo nhà cửa xuống cấp. Ở đây có 2 căn phòng các cháu đang ở, xây đã 14 năm, nứt ngang nứt dọc, lợp tôn, xuống cấp nghiêm trọng. Nhân viên phần lớn là phụ nữ, lỡ có chuyện gì thì không biết tính sao.

Có những số phận chưa kịp sinh ra đã biết đời mình sẽ lẻ loi, như câu hát “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người…”. Con vật còn biết cưu mang đồng loại, huống hồ con người. Những trung tâm xã hội như trung tâm này hình thành, là để chở che những kiếp người không may mắn và nó là lời phán quyết mạnh mẽ cho những cái dứt bỏ, buông tay. Cho dù có cắn răng, đau đớn, nhưng cũng không thể biện hộ được hành vi thiếu tình người - chưa nói là tình mẫu tử, của những bậc sinh thành, bỏ con để chối bỏ một phần đời sống chính mình, chối bỏ trách nhiệm và lương tâm của mình. Những đứa trẻ lạc loài cha mẹ vào đây, hiển nhiên không được sống trọn vẹn ấm êm no đủ và yêu thương như bạn bè đồng lứa. Trời lạnh căm căm. Những đứa trẻ không mẹ cha bi bô chào khách. Tôi nghĩ đến cái gọi là trách nhiệm và sự từ tâm. Hãy có trách nhiệm với con mình. Đó chính là trách nhiệm xã hội. Hãy đương đầu với cái gọi là nỗi sợ hãi dư luận, mà đúng ra là sợ hãi chính mình và giữ chặt lấy con, để sau này không bị cái gọi là ám ảnh, ăn năn. Đừng đẩy trách nhiệm cho cộng đồng khi cha mẹ còn giữ được nó. Con cái là báu vật chứ không phải là rác mà lén ném sang nhà hàng xóm và thở phào thoát nạn. Còn sự từ tâm? Tôi hay nghĩ đến những người mang hàng tấn gạo, hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng gửi vào chốn đâu đó để xin mình được  thoát nghiệp, tội nặng, hoặc được phù hộ bổng lộc, quyền lực lớn hơn, rồi  tự nhận rằng mình đã được chứng giám, chở che. Ai cũng có quyền làm điều đó và nó chẳng xấu xa gì, nếu thành tâm và quan trọng hơn là làm để thanh thản chứ không phải để cầu xin. Nhưng, nếu như họ rẽ đường vào chốn này, nơi những đứa trẻ  thiếu sữa, hụt cơm, thì sự từ tâm của họ ắt hẳn sẽ được đãi đằng bằng tiếng cười hoan hỷ, rằng sự thiện nguyện của họ là cánh tay nối dài để đỡ đần những kiếp đau khổ và như thế, cánh cửa mở đường về sự an lạc trong họ, hẳn không hẹp…

TRUNG VIỆT

TRUNG VIỆT