Gia tài của mẹ

TRUNG VIỆT 16/12/2013 10:44

Bà Hồ Thị Xoi, 70 tuổi, bị mù, bán quà vặt trước cổng trường Tiểu học Trần Quốc Toản thuộc xã Trà Dương huyện Bắc Trà My.

Bà Hồ Thị Xoi trước cổng trường Trần Quốc Toản.Ảnh: T.V
Bà Hồ Thị Xoi trước cổng trường Trần Quốc Toản.Ảnh: T.V

“Bác bị mù từ khi nào?”. “Lúc đó 10 tuổi. Bác bị đỏ mắt, cha mẹ chết, ở với ông bác, không ai chăm sóc nên bệnh nặng rồi mù luôn”. “Từ đó, bác sống ra sao?”. “Đi làm thuê, xay lúa, giã gạo cho người ta kiếm cơm. Có thời gian bác ở với bà ngoại, sau bà ngoại chết, bác ở một mình”. “Nhà bác gần đây không?”. “Nếu con đi thì khoảng 5 phút, còn bác 20 phút. Ngó rứa chứ bác biết khi ngang nhà mô, của ai liền”. “Làm sao mà biết?”. “Đoán bước chân”. “Bác bán bánh kẹo ở đây mấy năm rồi?”. “6 - 7 năm chi đó”. “Sao bác phân biệt được tiền?”. “Được, ví dụ con đưa bác 5 nghìn đồng, chút nữa có đứa mô tới mua, bác sẽ hỏi chứ đồng ni là mấy nghìn, nó nói 5 nghìn, rứa là bác gấp lại, làm dấu… Cứ rứa, quen, nên thối tiền lui cho họ không sai, họ khen bà mù ni giỏi. Giỏi chi, quen thôi”. “Tiền đủ loại, nhiều, sao nhớ hết?”. “Bán ngày được mấy nghìn đồng, có chi mà nhiều con”. “Ngày ni được bao nhiêu rồi?”. “Cả vốn lẫn lời 15 nghìn đồng. Ngày mô nhiều nhất được 50 nghìn đồng là hung lắm rồi”. “Bác không thấy đường, có khi mô bị lừa chưa?”. “Có đứa học sinh mua 5 nghìn nhưng đưa 2 nghìn, bị mấy đứa đi cùng la lên là báo cáo cô giáo, rứa là hắn sợ”. “Của cải bác chừ có được bao nhiêu?”. “Có chi mô, ngày mô ăn hết ngày nấy, giỏi lắm để dành được ít đi đám chạp, cưới xin bà con mời, rồi trả tiền điện. Bộ con nói bác mù mà không thắp điện hả? Phải bật đèn lên cho sáng nhà, bà con đến chơi chứ. Còn miếng ruộng đủ thả 1 ang giống, cho bà con làm, tới mùa họ đong cho bác 5 ang lúa, để dành xay gạo ăn”. “Ai nấu ăn cho bác?”. “Tự lo, đi chợ, xách nước, nấu ăn?”. “Sao có con trai mà không ở chung?”. “Bác không thích. Hắn cứ la miết, không cho đi bán, nhưng bác cứ phỉnh là có bán chi mô, hắn lâu lâu về nhà một lần, đi dạy trên Trà Dơn mà, khi hắn ra khỏi nhà là bác cười khà khà xách giỏ ra đây bán. Ở không, khó chịu lắm”.

Tiếng ai đó hỏi: “Không biết lớp 3 về chưa?”. Bà bật giọng ngay: “Về rồi”. “Răng bác biết?”. “Bán ở đây răng không biết”. “Bác biết ai làm hiệu trưởng ở đây không?”. “Răng không, cô Võ Thị Dinh, hồi đầu năm khai giảng nghe đọc trên loa như rứa”. “Đời bác đi xa nhất, đến đâu?”. “Quảng Ngãi, năm 1968, đi xin mà, đi bộ 3 ngày là tới”. “Hồi chiến tranh chạy giặc ra răng?”. “Bà con dẫn chạy”. “Bác sợ động đất không?”. “Cũng sợ chứ, nhưng rồi thấy cũng rứa”. “Hỏi thiệt bác, không thấy đường, buồn không? ”. “Có, hồi nhỏ khóc miết, nhưng rồi dần dần thấy cũng bình thường. Ai cũng sống, có mắt sống theo có mắt, mù sống theo mù, rồi cũng rứa thôi”. “Bác ở một mình, đau ốm kêu ai?”. “Đau quá thì la làng, mà bác cũng ít đau, hoặc bấm điện thoại cho con trai. Nhà nước cho cái điện thoại bàn, bác nhớ số điện thoại của con trai, mò bấm được liền”. “Bác già, không thấy đường, đi xin cũng chẳng ai nói chi đâu”. “Không. Bác nghe nói ở Tam Kỳ, nhiều người đi xin mà mắt còn sáng. Bác mù, không đi xin, tự làm ăn thôi, cũng vì để đức cho con cháu”. “Đức chi?”. “Răng không? Đi xin là rước nghiệp nặng hơn, rồi thiên hạ nói con trai mình không ra chi, răng để mẹ đi xin, nên bác không bao giờ đi xin, tự làm tự ăn. Bác mù, già cả, làm chi có gia tài cho con cháu, chỉ biết tích đức”.

TRUNG VIỆT

TRUNG VIỆT