Người đàn bà xây chợ
Từ chỗ buôn bán bên đường, người dân 2 thôn Thạnh Đại, Đại Mỹ (xã Đại Hưng, Đại Lộc) đã có được cái chợ để thuận tiện mua bán. Góp phần hình thành nên khu chợ này có công lao không nhỏ của bà Nguyễn Thị Tuần (SN 1947, người làng vẫn quen gọi là bà Rô) - người đã bán vàng lấy tiền dựng chợ.
Bà Rô với nụ cười phúc hậu. |
Trưởng thôn Thạnh Đại - ông Nguyễn Chiếu cho biết, trước đây trong thôn không có chợ, muốn mua bán trao đổi, người dân các nơi phải tập trung tại bãi đất trống ven sông. Sông lở, lại tiếp tục dời vào sát ven đường liên thôn, xe cộ qua lại rất nguy hiểm. Đã có nhiều giải pháp được Ban nhân dân thôn đưa ra để giúp người dân có một chỗ buôn bán ổn định, lâu dài nhưng không ai đủ sức làm. “Ban đầu định giao cho chi hội phụ nữ thôn nhưng sợ họ quản lý không được, giao cho đoàn thanh niên thì càng không xong. Cuối cùng, bà Rô - Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn đã đứng ra nhận quản lý” - ông Chiếu kể. Khoảng đất trống góc sân khu văn hóa thôn được Ban nhân dân thôn giao bà Rô cải tạo lại mặt bằng, lót sân nền, phân lô cho từng tiểu thương có nơi buôn bán… Thoạt nhìn thì đơn giản, nhưng vấn đề là tiền đâu để làm, kinh phí thôn không có. Không nghĩ ngợi nhiều, bà Rô quyết định bán 3 chỉ vàng “dưỡng già” của mình để có tiền mua vật liệu về xây chợ. Thấy việc làm ý nghĩa của bà, nhiều hộ tiểu thương và những người khá giả trong thôn cũng tự nguyện góp tiền, vật liệu cùng bà xây chợ. Ngôi chợ với diện tích gần 200m2 trị giá hơn 25 triệu đồng đã ra đời như thế, trở thành nơi buôn bán thường xuyên của 40 tiểu thương trong xã. “Mỗi tiểu thương góp từ 100 - 200 nghìn tùy điều kiện, coi như mình ứng trước tiền thu phí chợ rồi trừ dần hằng tháng, còn lại vận động con cháu ủng hộ thêm” - bà Rô tâm sự.
Chợ dựng xong, bà Rô đảm nhiệm luôn công việc vệ sinh chợ. Cứ sau 11 giờ, khi chợ tan, người dân thôn lại thấy bà lụi cụi quét dọn thu gom rác. “Mình già rồi, giúp được gì cho thôn xóm thì giúp chứ tính toán thiệt hơn chi” - bà Rô nói. Theo bà Rô, tuy ngôi chợ đã được làm xong nhưng còn sơ sài, mưa nắng nhân dân buôn bán khổ cực nên vẫn đang dành dụm tiền để lợp mái tôn. Bà cũng đang tính đến chuyện mua mấy xe đất về đổ nâng con đường liên thôn cao lên để mỗi khi trời mưa to không còn bị ngập.
Ông Chiếu cho rằng, những việc làm của người phụ nữ này rất đáng khâm phục, vì ở đây ai cũng nghèo nên dám bán vàng lấy tiền làm chợ như bà Rô rất hiếm. Theo ông Chiếu, không phải đến bây giờ người cựu nữ cán bộ trường Quân chính Quân khu 3 này mới thể hiện sự đảm đang, mà trước đây khi còn công tác trong chi hội phụ nữ, rồi cựu chiến binh… ở vị trí nào bà Rô cũng xông xáo nhiệt tình. “Từ khi rời quê ngoài Hải Dương theo chồng vào đây năm 1976, bà Rô luôn nêu gương trong cuộc sống nên nhân dân ở thôn ai cũng quý” - ông Chiếu nói.
Có thể đối với nhiều người việc bỏ ra số tiền vài triệu là điều bình thường nhưng ở một vùng quê nghèo luôn phải đối diện với thiên tai bão lụt như thôn Thạnh Đại, xã Đại Hưng thì không đơn giản chút nào. Vì vậy, những việc làm của người phụ nữ này thật đáng trân trọng và khâm phục.
KHÁNH LINH