Núi Thành, chặng đường 30 năm
Núi Thành đã đi được chặng đường tròn 30 năm kể từ ngày thành lập huyện (3.12.1983 - 2013). Trên chặng đường ấy, Núi Thành đã có những bước chuyển mình vượt bậc.
Nhiều dự án đã dần lấp đầy các khu, cụm công nghiệp Núi Thành. Ảnh: Anh Tuấn |
Cột mốc 2013
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là hết năm 2013 - năm đánh dấu nhiều sự kiện kinh tế - chính trị - xã hội quan trọng của huyện Núi Thành. Trong buổi làm việc với HĐND tỉnh giữa tháng 11 vừa qua, lãnh đạo huyện Núi Thành đã báo cáo những con số phát triển kinh tế khá ấn tượng và lạc quan: Tổng giá trị sản xuất thực hiện ước đạt hơn 5.988 tỷ đồng, bằng 107,43% kế hoạch năm và tăng 12% so với năm 2012. Trong đó, riêng giá trị công nghiệp ước đạt hơn 4.728 tỷ đồng, bằng 109,6% kế hoạch, tăng 14,75 so với năm 2012. Các chỉ tiêu kinh tế ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, sản lượng gỗ rừng trồng, sản lượng khai thác thủy sản đều vượt mức kế hoạch được giao và tăng so với năm 2012. “Nếu so với vài năm trước đây, con số này sẽ không có gì đáng nói ở một huyện được xem là cánh chim đầu đàn trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh. Tuy nhiên, nếu xét trong bối cảnh chung còn gặp nhiều khó khăn, đây là con số phản ánh sự nỗ lực chung của lãnh đạo và nhân dân toàn huyện, nhất là các doanh nghiệp từ khắp nơi đến đóng chân trên địa bàn luôn kề vai sát cánh vượt qua giai đoạn kinh tế ảm đạm này” - ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, nói.
“Cuộc đời tôi chưa khi nào nghĩ cuộc sống mình, gia đình mình sẽ có những đổi thay đáng kể với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như hiện nay. Và càng không bao giờ nghĩ, trên mảnh đất khô cằn đầy mảnh đạn bom này lại mọc lên khu công nghiệp với nhiều nhà máy lớn. (Ông Nguyễn Quang Hiền, người dân thôn Vân Trai, xã Tam Hiệp) |
“Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, quyết tâm thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế... là những vấn đề được thể hiện xuyên suốt trong thời gian dài qua nhiều nghị quyết, quyết định của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện. Ngoài ra, UBND huyện đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo để cụ thể hóa trong quá trình thực hiện” - ông Phạm Văn Quyện, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết. Chỉ riêng năm 2013, Núi Thành đã mở được 26 lớp đào tạo nghề với 788 học viên, trong đó có 8 lớp nông nghiệp, 3 lớp phi nông nghiệp; 16 (trong tổng số 17) xã, thị trấn đã mở lớp đào tạo nghề. Có thể nói, hầu hết lớp nghề phi nông nghiệp được huyện chỉ đạo, hỗ trợ đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên khi hoàn thành khóa học, người lao động có việc làm ngay. Đối với học viên lớp nghề nông nghiệp, kiến thức được đào tạo áp dụng vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 43,5%, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề hơn 84%.
Chặng đường 30 năm
“Còn nhớ năm 1984, sau khi chia tách huyện, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Núi Thành là 4,2 tỷ đồng với một số cơ sở sản xuất gạch, ngói, vôi…; ngành công nghiệp cơ khí chủ yếu mới sản xuất được nông cụ cầm tay như máy tuốt lúa, xe bò kéo, cày, bừa… Thế mà 30 năm sau, giá trị công nghiệp đã hơn 4.738 tỷ đồng (năm 2013) tức gấp 434,8 lần so với năm 1984 với hàng loạt nhà máy lớn, mang thương hiệu quốc gia đóng chân, sản phẩm đi khắp cả nước và xuất ra nước ngoài như Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải, nhà máy Efgas, nhà máy thức ăn nuôi tôm Hoa Chen…” - ông Lưu Bá Ân, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Núi Thành cho biết. Trên chặng đường ấy, bước chuyển mình rõ ràng nhất phải nói đến khoảng thời gian 2003 - 2013 với sự ra đời của Khu Kinh tế mở Chu Lai. Núi Thành hiện có 2 cụm công nghiệp và 2 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.460ha, thu hút được 62 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 783,64 triệu USD, giải quyết việc làm cho 10.628 lao động. Các cụm công nghiệp của huyện đã thu hút được 8 doanh nghiệp đầu tư với tổng số vốn hơn 165 tỷ đồng. Toàn huyện còn có hơn 140 doanh nghiệp công nghiệp, 1.044 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau hoạt động.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Núi Thành. Ảnh: ANH TUẤN |
Khi vấn đề kinh tế được giải quyết, câu chuyện an sinh xã hội, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa cũng đã được lãnh đạo huyện qua nhiều thời kỳ tích cực chăm lo. Trong giai đoạn 2006 - 2010, Núi Thành đã hỗ trợ xây mới 2.697 nhà ở cho hộ nghèo, người có công, tổng trị giá gần 58 tỷ đồng; tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển với tổng số tiền 39.152 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 24,62% năm 2006 xuống còn 8,39% năm 2010 (theo chuẩn cũ), bình quân giảm 3,25%/năm, và đến năm 2013 giảm còn 9% (theo chuẩn mới). “Cuộc đời tôi chưa khi nào nghĩ cuộc sống mình, gia đình mình sẽ có những đổi thay đáng kể với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như hiện nay. Và càng không bao giờ nghĩ, trên mảnh đất khô cằn đầy mảnh đạn bom này lại mọc lên khu công nghiệp với nhiều nhà máy lớn. Tuy trong quá trình xây dựng phát triển vẫn còn nhiều điều tạo dư luận không hay, nhưng dù sao, quê hương có thay đổi và theo hướng tích cực là điều mà người già chúng tôi thấy vui” - ông Nguyễn Quang Hiền (thôn Vân Trai, xã Tam Hiệp) chia sẻ.
Chặng đường dài phía trước, chắc chắn Núi Thành sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là khi mục tiêu xây dựng cơ bản trở thành huyện công nghiệp đã gần đến hạn. Bên cạnh đó, theo ông Trần Đình Tùng, việc đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới; thực hiện quy hoạch chi tiết từng vùng, từng ngành, bố trí sử dụng đất hợp lý; tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch; xây dựng các tuyến giao thông nông thôn, hoàn chỉnh lưới điện nông thôn, hệ thống chợ, trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia… cũng là những nhiệm vụ quan trọng huyện cần thực hiện trong thời gian tới để góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trên quê hương Núi Thành.
CHIÊU THỤC ANH