Trùng thẻ bảo hiểm y tế: Khó kiểm soát và xử lý
Trùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đang diễn ra khá phổ biến ở các địa phương tại Quảng Nam và cả nước. Vậy, việc khắc phục sẽ như thế nào?
Theo kết quả rà soát tình trạng trùng thẻ BHYT của BHXH huyện Phú Ninh, toàn huyện Phú Ninh có 221 thẻ trùng trong năm 2012. Việc trùng thẻ BHYT diễn ra ở các nhóm đối tượng như trẻ em, người cao tuổi, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, thân nhân quân nhân. Điển hình như cháu Huỳnh Nguyễn Hoàng Quân (SN 2008, xã Tam Phước) có đến 3 thẻ BHYT. Hay như ông Nguyễn Đấu (SN 1927, xã Tam Dân) có 2 thẻ BHYT, một là đối tượng người cao tuổi, một là đối tượng người có công.
Do khó kiểm soát nên xảy ra trường hợp cùng một người nhưng có nhiều thẻ BHYT. Ảnh: D.L |
Lý giải về hiện tượng trùng thẻ BHYT, ông Võ Thanh Tuyển - Phó Giám đốc BHXH huyện Phú Ninh cho biết: “Trẻ em có đến 2, 3 thẻ là do địa phương lập danh sách nhiều lần đều báo làm thẻ mới. Trong khi trẻ em đã có thẻ, do người nhà làm mất, để lạc nhưng không báo mất, cứ báo là chưa có thẻ, đề nghị cấp mới. Thêm nữa, lúc thì gia đình khai người giám hộ trẻ em là tên cha, lúc tên mẹ, nên không thể biết đó có phải là một đối tượng không. Địa phương không kiểm soát, cứ như vậy báo lên để cấp mới nên xảy ra trùng thẻ”. Với các đối tượng khác, chẳng hạn trường hợp người có công đã có thẻ BHYT, khi người này đủ 80 tuổi, địa phương làm danh sách người cao tuổi báo lên và được cấp thẻ BHYT dành cho người cao tuổi, thành ra một đối tượng có 2 thẻ BHYT.
Các địa phương khác cũng tương tự như Phú Ninh nên trong năm 2012, qua rà soát, BHXH tỉnh phát hiện toàn tỉnh có đến 10.418 thẻ BHYT trùng, với tổng số tiền ngân sách cấp mua thẻ hơn 5 tỷ đồng (năm 2013 ngành BHXH tỉnh chưa thống kê số thẻ BHYT trùng). Trong đó, đối tượng trùng nhiều nhất là trẻ em với hơn 7.000 thẻ BHYT trùng. Theo ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, nguyên nhân trùng thẻ BHYT ở đối tượng trẻ em bắt đầu từ khi Luật BHYT có hiệu lực thi hành vào năm 2009. Ông Hà cho biết: “Trước năm 2009, đối tượng trẻ em khám chữa bệnh BHYT theo cơ chế “thực thanh thực chi”, nghĩa là trẻ em mang giấy khai sinh đến cơ sở khám chữa bệnh sẽ được thanh toán chế độ BHYT, có khám thì có thanh toán. Từ khi Luật BHYT có hiệu lực, bắt buộc trẻ em phải có thẻ BHYT. Ngành LĐ-TB&XH các địa phương lập danh sách đưa lên BHXH cấp thẻ một loạt. Đến năm 2010, việc lập danh sách được đưa về các xã, phường rà soát lại để cấp thẻ cho trẻ em. Xã không nắm danh sách đã cấp trước, chỉ điều tra trong dân, nhưng người dân làm mất, để lạc nên khai chưa có, thế là xã lập danh sách cấp mới tiếp. Vì thế mà một đối tượng có đến 2, 3 thẻ do lập danh sách nhiều lần ở nhiều thời điểm”. Hơn nữa, trước năm 2013, BHXH chưa có phần mềm kiểm soát thẻ BHYT trùng nên không thể kiểm soát được.
Sẽ phát hành thẻ BHYT có dán ảnh Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, qua rà soát việc cấp thẻ BHYT tại 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đến nay đã phát hiện gần 800 nghìn thẻ cấp trùng. Như vậy con số này ước có thể lên đến hơn cả triệu sau khi rà soát tại tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước. Việc cấp trùng chủ yếu ở các nhóm đối tượng được Nhà nước cấp kinh phí, hoặc hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT từ nguồn ngân sách. Gần 800 nghìn thẻ BHYT cấp trùng có nghĩa ngân sách phải tăng chi thêm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (mệnh giá 567 nghìn đồng/thẻ/năm). Để kiểm soát việc phát hành trùng thẻ BHYT và hạn chế hành vi gian lận, dự kiến chậm nhất đến ngày 1.1.2014, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện phát hành thẻ có dán ảnh người tham gia BHYT.(L.V) |
Việc trùng thẻ BHYT còn do cùng một đối tượng nhưng công tác, sinh hoạt và chịu sự quản lý của các hội, đoàn thể, ngành nên danh sách báo lên bị trùng lặp. Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo thì ngành LĐ-TB&XH quản lý, người cao tuổi thì hội người cao tuổi ở địa phương quản lý. Vì thế một đối tượng thuộc nhóm này nhưng khi đủ tuổi hưởng người cao tuổi thì sẽ được lập danh sách để báo cấp thẻ BHYT một lần nữa. Thậm chí trong số đối tượng do ngành LĐ-TB&XH quản lý cũng xảy ra trùng lặp, như người nghèo và người có công cách mạng trùng với bảo trợ xã hội... Hơn 10 nghìn thẻ BHYT trùng chỉ là con số mà BHXH tỉnh quản lý đối tượng, chưa nói đến việc trùng với đối tượng là thân nhân quân nhân. Thân nhân quân nhân thì thẻ BHYT do bên quân đội cấp, thế nên người có công cách mạng trùng thẻ với thân nhân quân nhân là điều chắc chắn.
Hiện BHXH tỉnh đã tiến hành rà soát, tổng hợp và báo cáo BHXH Việt Nam có hướng xử lý đối với những thẻ trùng. Cái khó của việc xác định thẻ trùng là cơ quan BHXH không đủ người để đi xác minh từng trường hợp. Ông Hà cho biết thêm, phần mềm quản lý trùng thẻ BHYT có thể cho biết từ 2 đến 3 tiêu chí giống nhau của các thẻ như có cùng họ tên, năm sinh, địa chỉ đến thôn. Tuy nhiên, như thế ngành BHXH cũng không thể xóa bởi không dám chắc đó có phải một người hay không, chỉ khi xác minh chính xác mới dám xóa thẻ. Đặc biệt, đối tượng trẻ em, thẻ BHYT có giá trị đến 72 tháng nên không thể nào kiểm soát việc trùng thẻ. Với các đối tượng khác, đến đầu năm 2014, khi đáo hạn thẻ BHYT, BHXH sẽ đưa vào phần mềm, lập danh sách những đối tượng trùng thông tin trong nhóm, chưa tiến hành in thẻ BHYT ngay mà sẽ đi xác minh đối tượng xong mới cấp thẻ. Tuy nhiên, số trường hợp thẻ trùng quá lớn, nên việc điều tra xác minh sẽ rất khó khăn do thiếu người, thiếu kinh phí. Cơ quan BHXH tỉnh đang kiến nghị trung ương nên có nguồn kinh phí và định hướng cụ thể, hỗ trợ cho các địa phương trong điều tra, xác định thẻ BHYT trùng. Muốn hạn chế thẻ BHYT trùng, theo ông Hà, các xã, phường, thị trấn phải phát huy hết vai trò của mình, phối hợp với cơ quan BHXH kiểm soát thông tin ngay từ đầu; như thế sẽ hạn chế được sự lãng phí, tốn kém kinh phí trong việc mua, in và cấp thẻ BHYT.
DIỄM LỆ