Có những tấm lòng...

CHÂU NỮ 20/11/2013 08:34

Đầu năm 2012, trong một lần đi thăm mộ người thân ở nghĩa địa Gò Trời (khối phố 5, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ), ông Nguyễn Đính - ở phường Trường Xuân - phát hiện một nấm mộ lâu năm không người thăm nom coi sóc, có nguy cơ bị san bằng và lấp dưới lối đi trong nghĩa địa. Chạnh lòng, ông phủi bụi trên tấm bia, đọc những dòng chữ đã mờ phai và biết được rằng người nằm dưới mộ là cô giáo Lê Thị Xuân, sinh năm 1958, con ông Lê Tích, quê quán Thiệu Giao, Đông Thiệu, Thanh Hóa; mất ngày 6.4.1979 tại Tam Kỳ. Bia mộ cô Xuân do Phòng Giáo dục (trên bia không ghi rõ của địa phương nào) và giáo viên đồng hương Thanh Hóa lập.

Ông Đính phát dọn cây cối quanh mộ cô Xuân trước ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay.Ảnh: CHÂU NỮ
Ông Đính phát dọn cây cối quanh mộ cô Xuân trước ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay.Ảnh: CHÂU NỮ

Là một cựu chiến binh, ông Đính hiểu rằng, với bất cứ gia đình nào, việc để xảy ra cảnh xiêu mồ, lạc nấm hoặc không tìm được nơi an nghỉ của người thân là nỗi đau rất lớn. Vậy là, từ thông tin trên bia mộ, ông Đính tìm đến một số nhà giáo đã và đang công tác ở Tam Kỳ để báo tin, ngõ hầu xác minh nhân thân và tìm thân nhân cô giáo Xuân nhưng không có kết quả. Ông tìm cách liên lạc với một nhân viên bưu điện ở Thanh Hóa để báo tin cho thân nhân người nằm dưới mộ, tuy nhiên gia đình cô Xuân hiện không còn sinh sống ở địa chỉ ghi trên bia. Tiếp tục hỏi thăm một số người dân quanh vùng, ông chỉ biết cô Lê Thị Xuân qua đời đột ngột do ngộ độc thức ăn hay bị một căn bệnh cấp tính nào đó không rõ.

Khi nhận được thông tin từ Báo Quảng Nam về trường hợp cô giáo Lê Thị Xuân, lãnh đạo Phòng GDĐT Tam Kỳ bày tỏ sự tiếc nuối vì biết thông tin này quá trễ - sau khi cô mất hơn 30 năm. Sáng qua 19.11, lãnh đạo Phòng GDĐT Tam Kỳ đã tổ chức viếng hương cô giáo Xuân. Thầy Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng GDĐT Tam Kỳ cho biết: “Từ những thông tin trên bia mộ, chúng tôi sẽ tìm hiểu, tổ chức xác minh và tìm cách liên lạc với gia đình cô giáo Xuân. Trước mắt, vào dịp lễ tết, lãnh đạo phòng sẽ viếng hương để cô Xuân được ấm lòng nơi chín suối”.
Qua thông tin trên bài báo nhỏ này, chúng tôi cũng mong rằng Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam sẽ tìm hiểu và báo tin cho người thân của cô giáo Lê Thị Xuân ở quê nhà.

Không tìm được thân nhân của người đã khuất, ông Đính quyết định cải tạo mộ phần của cô giáo vì e rằng nếu không tu sửa kịp thời, sau này mộ sẽ thất lạc. Tình cờ ông gặp và chia sẻ thông tin về cô giáo Xuân với cô Phan Thị Nhơn - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quý Cáp (xã Tam Ngọc, Tam Kỳ). Sau đó cô Nhơn bàn với cô Nguyễn Thị Quy - nhân viên kế toán của trường Trần Quý Cáp góp thêm kinh phí để cùng ông Đính tu sửa phần mộ cô Xuân. Ông Đính tâm sự: “Tuy số tiền xây mộ không nhiều (gần 2 triệu đồng) nhưng tấm lòng của cô giáo Nhơn và cô Quy đối với đồng nghiệp đã khuất thật đáng trân trọng”.

Vậy là sau hơn 30 năm không người thân thăm viếng, giữa năm 2012, mộ phần cô Xuân đã được tu sửa. Từ đó đến nay, ông Đính và cô Nhơn thường đến thắp hương, quét dọn vào những ngày lễ, tết. Sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, ông Đính lại mang hương đến viếng mộ cô Xuân, và coi đó như lòng tri ân đối với một nhà giáo có cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Quảng Nam và đã nằm xuống - mãi mãi trên mảnh đất này.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ