Mưu sinh ở lò mổ

VƯƠNG HẰNG SA 29/10/2013 11:34

Lò mổ gia cầm ở phía nam TP.Tam Kỳ - nơi tôi ghé qua, toàn phụ nữ. Những đôi bàn tay khi trắng bệch, lúc tím tái cứ cần mẫn làm việc suốt 12 giờ đồng hồ mới kiếm hơn 100.000 đồng tiền công…

Mưu sinh

Lò giết mổ gia cầm rộng chưa đầy 40m2 nằm ở chợ Hòa Hương - người dân Tam Kỳ quen gọi là chợ Bà Hòa. Chị Nguyễn Thị Tề (khối phố Phú Sơn, phường An Phú) tay vẫn không ngừng lia dao “bới lông, tìm vết” chú vịt của khách hàng đứng đợi bên cạnh, vừa tặc lưỡi: “Ai thích chi nghề ni, cô! Hồi trước tui cũng đi làm phụ hồ cho mấy công trình xây dựng nhưng từ khi có tuổi, sức khỏe giảm sút đành phải chuyển qua nghề giết mổ gà vịt này”. Bàn tay của chị Tề cũng như những người phụ nữ trong lò mổ như phồng rộp lên trong nước, những đầu ngón tay lại trắng bệch, teo tóp. Chị Tề nói, những ai có da nhạy cảm đều không thể làm được việc này. Chị Nguyễn Thị Minh Phương (thôn 7, xã Tam Xuân 2, Núi Thành) tiếp lời: “Giết mổ gia cầm là nghề cùng cực của mọi nghề rồi. Người theo nó tất nhiên cũng phải cùng cực theo. Làm lâu dần thành quen, có sưng lở ngày đầu nhưng riết rồi cũng sống chung được; có dấu hiệu sưng lở là tối về lo mua thuốc bôi liền, để mai còn tiếp tục đi làm”.

Bà Nguyễn Thị Lan làm việc ở lò mổ hơn 15 năm nay. Ảnh: V.H.S
Bà Nguyễn Thị Lan làm việc ở lò mổ hơn 15 năm nay. Ảnh: V.H.S

Theo quy định của lò mổ, nhân công làm từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Những ngày nghỉ lễ, cuối tuần hoặc lúc chủ lò nhận phục vụ đám tiệc là các chị gần như làm việc luôn cả giờ trưa, chỉ nghỉ vài phút để lót dạ. Nơi đây cũng phân công nhiệm vụ cụ thể từng người. Bà Huỳnh Thị Lan năm nay 64 tuổi - người duy nhất chịu trách nhiệm “cắt cổ” gà vịt cho hay: “Già yếu ngồi trên ghế đẩu gần12 tiếng nên đau lưng không chịu được. Nhưng vì mưu sinh, không làm thì không có ăn nên đành chấp nhận”. Chị Nguyễn Thị Minh Phương đang mang thai tháng thứ 7, thỉnh thoảng lại nhăn mặt vì đau lưng ê ẩm. Tôi ái ngại nhìn các chị thoăn thoắt làm, người nào người nấy tươm đầy máu tươi gia cầm. Gần 12 giờ trưa, các chị không ai nhắc đến giờ cơm, chỉ cắm cúi làm kịp giao hàng cho khách. Nghỉ trưa qua quýt, mỗi chị lại vội vàng bưng một hộp cơm lùa vội. Khẩu phần bữa trưa chỉ vài lát dưa muối, vài mẩu cá vụn, chút rau xào cũng xong bữa.

Cơ cực

Khi tôi hỏi chuyện nghề, ai cũng bảo họ “đang làm nghề của đàn ông”. Bà Huỳnh Thị Lan, năm nay 64 tuổi, mắt kém tay run, mang nhiều bệnh tật đặc trưng của người già, lại làm việc quá sức. Nhiều năm qua, ngày qua ngày, bà cần mẫn đi làm ở lò mổ. Đông cũng như hè, chưa đầy 5 giờ sáng bà đã lục tục dậy dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm ăn hai buổi rồi đạp xe từ Tam Xuân 2 ra Tam Kỳ làm việc. Chồng bà Lan cũng mất sức lao động, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Cả hai vợ chồng chắt chiu, dành dụm nuôi người con trai 48 tuổi quặt quẹo nằm nhà. “Cái số vất vả nên đành chịu. Chỉ mong mạnh khỏe từng ngày kiếm tiền nuôi con. Nhỡ đâu nằm xuống sớm quá, thằng con trai biết nhờ cậy ai”. Đôi mắt người đàn bà kham khổ qua tuổi lục tuần ngấn nước khi nhắc chuyện gia đình. Cùng cảnh nghèo lam lũ, chị Nguyễn Thị Tề 50 tuổi, có 4 đứa con đang tuổi ăn học. Chồng chị cũng không nghề nghiệp, lang bạt khắp nơi, đụng đâu làm đó, có tháng gửi về được 2 triệu đồng phụ giúp vợ con, có tháng không một đồng xu dính túi.

“Người ta bầu bì, được nghỉ ngơi dưỡng sức, còn mình ngồi làm lông gà vịt muốn cụp lưng. Tiền công không đủ nuôi 2 đứa con, một đứa 2 tuổi, một đứa 4 tuổi, lấy đâu sữa cho bà bầu. Lâu rồi cũng quen, mà suy nghĩ cũng chỉ buồn thêm” - chị Nguyễn Thị Minh Phương nói. Ai cũng có cảnh nhà khốn khó, các chị làm việc lấy tình nghĩa của những người “đồng nghiệp” làm niềm vui. Trường hợp đặc biệt như chị Phương, bà Lan hay các chị khác, khi cần thiết đều được bà chủ lò mổ cho đi làm trễ để thu xếp chuyện gia đình trước khi đi làm. Hầu hết các chị đều vui bởi người chủ thân tình - chị Nguyễn Thị Núp. “Tôi đã trải qua biết bao nghề, cũng vất vả lắm nên thông cảm được hoàn cảnh của người phụ nữ nên chẳng so đo, căng ke chi mấy chuyện vụn vặt dù mình phải cân đo ngày có hàng với không có hàng làm. Những ngày trong tuần, nhân công ngồi chơi nhiều nhưng vẫn trả lương đầy đủ cho các chị” - chị Núp nói. Vậy nên ngày tết, các chị trong lò đều được chị Núp tặng quà là quần áo, bánh mứt, hạt dưa… Nhờ vậy, những phụ nữ mưu sinh ở lò mổ vẫn sống an nhiên với cuộc sống thường ngày.

VƯƠNG HẰNG SA

VƯƠNG HẰNG SA