Vận chuyển, thu gom chất thải rắn vùng nông thôn: Chậm và thiếu đồng bộ
Tại hội nghị trực tuyến về thực hiện Đề án quản lý chất thải rắn các vùng nông thôn Quảng Nam đến năm 2020 diễn ra hôm qua (23.10), nhiều ý kiến cho rằng, do các địa phương triển khai thiếu đồng bộ, hạn chế nguồn lực đầu tư nên công tác thu gom, vận chuyển rác thải gặp khó khăn.
Công nhân của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Quảng Nam thu gom rác thải trên đường phố. Ảnh: T.HỮU |
Mở rộng địa bàn
Thời gian qua, Quảng Nam triển khai mô hình điểm xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Ái Nghĩa (xã Đại Hiệp, Đại Lộc), xã Tam Hiệp (Núi Thành), xã Phú Thọ (Quế Sơn) và xã Tiên Phong (Tiên Phước). Hiện các địa phương này đều thành lập các tổ, hợp tác xã thu gom rác thải thu hút hơn 5.000 hộ dân tham gia với tần suất xử lý 2 lần/tuần. Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, các huyện Điện Bàn, Núi Thành, Đại Lộc, Duy Xuyên, Phú Ninh, Thăng Bình đã chủ động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở những nơi thực sự bức xúc về ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, cuối năm 2009, HĐND huyện Điện Bàn đã thông qua Đề án thu gom và xử lý chất thải rắn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc – ông Phan Đức Tính đề nghị, nên bổ sung các xã Đại Hồng, Đại Phong và Đại Minh vào Đề án quản lý chất thải rắn nông thôn vào năm 2014, xử lý dứt điểm chất thải nguy hại trên đồng ruộng. Riêng tại xã Đại Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa đến nay có gần 3.000 hộ dân tham gia thu gom rác, đạt hơn 80% chỉ tiêu đề ra. Tại huyện Núi Thành, năm 2013, hầu hết các xã, thị trấn đều xây dựng phương án thu gom rác thải. Riêng xã Tam Hiệp luôn duy trì tốt mô hình nhờ các hình thức truyên truyền cổ động trực quan về công tác bảo vệ môi trường. Năm 2013, 6 xã thuộc huyện Núi Thành đã phê duyệt phương án thu gom rác thải. Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành – ông Nguyễn Văn Mau cho rằng, một số xã bị chia cắt, dân cư thiếu tập trung, vận chuyển rác thải đến điểm tập kết xa cả cây số nên chưa xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Riêng xã điểm Tam Hiệp, đến nay mới có 831 hộ dân tham gia, chiếm 72% số hộ đăng ký theo phương án. Tại hội nghị trực tuyến, nhiều địa phương đề xuất nên đưa các xã đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào thực hiện Đề án quản lý chất thải rắn trong các năm đến. Chính quyền các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Phú Ninh kiến nghị điều chỉnh lộ trình thực hiện đề án để các xã đạt tiêu chí về môi trường của chương trình nông thôn mới.
Chậm triển khai
Theo kế hoạch năm 2013, toàn tỉnh sẽ có 50 xã, thị trấn triển khai Đề án quản lý chất thải rắn. Thế nhưng, thời điểm hiện tại mới có 17/50 xã, thị trấn toàn tỉnh thực hiện. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước – ông Lê Trí Hiệu, khó khăn của xã điểm Tiên Phong là ngân sách nhà nước phải bù lỗ thêm cho xã trong việc thu gom rác. Tỷ lệ người dân tham gia vận chuyển, thu gom rất thấp (chỉ đạt 35% kế hoạch) do người dân chưa mặn mà đóng phí vệ sinh môi trường. Vì xử lý rác thải kiểu thủ công, thiếu kinh phí, nhiều nơi hoạt động cầm chừng. Thực tế, địa điểm tập kết rác nằm sát khu dân cư, lại chậm chuyển đến các bãi xử lý rác nên bốc mùi hôi thối, gây bức xúc cho người dân. Ở khu vực nông thôn, thách thức lớn nhất để tồn tại mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác thu gom rác thải chính là thiếu kinh phí hoạt động.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, sắp đến cần mở rộng các hình thức xã hội hóa công tác thu gom rác thải phù hợp với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Khâu vận chuyển, thu gom rác phải thực hiện đồng bộ tại các địa phương. Đối với các vùng xa xôi, cần hướng dẫn cho người dân tiêu hủy rác thải tại chỗ đảm bảo môi trường, đặc biệt là rác thải nguy hại; nghiên cứu các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác xử lý rác thải hiệu quả. |
Hiện tại, toàn tỉnh có 15 khu xử lý rác, trong đó chỉ có 6 khu xử lý với hình thức chôn lấp hợp vệ sinh, chủ yếu tập trung tại vùng đồng bằng, trung du gồm các bãi rác Tam Xuân 2, Tam Nghĩa, Đại Hiệp, Cẩm Hà, Đông Phú và Trà Sơn. Các bãi rác ở khu vực miền núi chỉ xử lý theo kiểu đốt thủ công. Các bãi rác này đều nằm gần nơi thu gom rác, ô nhiễm môi trường, dễ gây cháy trong khu dân cư. Thêm nữa, do quy hoạch bãi rác thiếu đồng bộ, chưa khoa học nên cự ly vận chuyển rác ra ngoài địa bàn khá xa, có tình trạng một số bãi rác quá tải. Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, đến năm 2015, huyện mới triển khai thực hiện phương án thu gom rác thải. Do vậy đề nghị tỉnh bổ sung đưa xã Ba, thị trấn P’Rao vào thực hiện Đề án quản lý chất thải rắn năm 2014 theo tiêu chí nông thôn mới.
Theo đánh giá của Sở TN-MT, thời gian qua các địa phương triển khai thực hiện đề án còn chậm. Nhiều nơi do bị chia cắt địa hình nên lúng túng về xử lý môi trường. Chính quyền huyện Duy Xuyên thừa nhận, công tác thu gom rác thải triển khai thiếu đồng bộ. Thôn Vạn Buồng (xã Duy Trinh), thôn Đông Bình (Duy Vinh) thường vứt rác thải tràn lan xuống sông và khu dân cư do địa hình sông nước chia cắt, xe chuyên dụng không thể đến tận nơi. Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định, việc tổ chức thu gom chất thải rắn tại các địa phương còn chậm, chính quyền chưa quan tâm đúng mức. Trong khi đó, khâu thu phí vệ sinh trong nhân dân chưa đảm bảo nên không thể bù chi trả công lao động cho nhân viên. “Ở những nơi miền núi xa xôi, khi chưa tổ chức thu gom, chính quyền cùng với ngành chức năng cần hướng dẫn cho nhân dân thu gom, tiêu hủy rác thải tại chỗ nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường” – ông Dũng nói.
Xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đại Hiệp (QNO) - Ngày 23.10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện Đại Lộc khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác định tiêu chí, nếu đủ điều kiện thì hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh ban hành quyết định bổ sung Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và biện pháp xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường đối với bãi rác Đại Hiệp (huyện Đại Lộc). Trước đó, ngày 11.10, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác công suất 300 tấn/ngày đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại bãi rác Đại Hiệp. (Linh Chi) |
TRẦN HỮU